Trải qua 12 năm thành lập và phát triển (23/5/2011-23/5/2023), với lĩnh vực quản lý nhà nước gắn với yêu cầu triển khai và tổ chức thực thi các quy định của Hiến pháp năm 2023 về đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu trong việc quản lý nhà nước, tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua đó góp phần vào kết quả công tác chung của Bộ, ngành tư pháp cũng như kết quả công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi cả nước.
Chú trọng hoàn thiện thể chế
Ngay sau khi được thành lập, trên cơ sở yêu cầu công tác đặt ra từ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2009 và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/03/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN, Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng như liên ngành Trung ương xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 với 15 văn bản từ nghị định đến thông tư, thông tư liên tịch.
Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn |
Ở giai đoạn tiếp sau, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 cũng như yêu cầu về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tự do dân chủ của công dân tại Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị, Cục Bồi thường nhà nước đã nỗ lực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện một bước thể chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với điểm nhấn là việc Quốc hội khóa XIV đã chấp thuận và thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 với tỷ lệ tán thành cao.
Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, thể chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Với những quy định rất mới về cơ chế giải quyết bồi thường, cơ chế hướng dẫn thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và những nỗ lực của Cục Bồi thường nhà nước trong triển khai và tổ chức thi hành, cơ chế bồi thường nhà nước đã được hiện thực hóa trong cuộc sống và có phạm vi tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thực hiện đồng bộ 02 mục tiêu
Để thực hiện đồng bộ cả 02 mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và phòng ngừa sai phạm, nâng cao chất lượng nền công vụ, từ khi được thành lập đến nay, ngoài việc hoàn thiện thể chế, Cục Bồi thường nhà nước luôn chú trọng công tác triển khai thi hành Luật. Theo đó, công tác quán triệt, triển khai, tuyên truyền phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Cục Bồi thường nhà nước tham mưu triển khai thông qua nhiều hình thức khác nhau: xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền, tờ rơi, tờ gấp, video, tổ chức tuyên truyền thông qua đài phát thanh, truyền hình. Bên cạnh đó, Cục còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức các cuộc kiểm tra, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước. Qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức của công chức trong thực thi công vụ, tự rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm trung thực, nghiêm túc trong thực thi công vụ, phòng ngừa sai phạm dẫn đến Nhà nước phải bồi thường.
Thông qua các hoạt động của Cục, nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, điển hình như các vụ việc Huỳnh Thị Nga và Võ Văn Học (ở Quảng Ngãi); Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang); Huỳnh Văn Nén (ở Bình Thuận); Nguyễn Ngọc Anh (ở Ninh Thuận); Trần Bê, Huỳnh Chiếm Hoạnh (ở Khánh Hòa); Nguyễn Văn Dũng và 06 người bị oan (ở Tây Ninh)…
Tiếp tục khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy cho cá nhân, tổ chức, khi có yêu cầu hỗ trợ
Để giúp người bị thiệt hại thực hiện hiệu quả quyền yêu cầu bồi thường của mình, Cục Bồi thường nhà nước đã thường xuyên thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến, cũng như bằng văn bản cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại. Đến nay, Cục Bồi thường nhà nước đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Thông qua hoạt động này, nhiều vụ việc, người bị thiệt hại đã được Cục cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường kịp thời, đúng pháp luật, điển hình như vụ việc Mưu Quý Sường (ở Bắc Giang), Trần Văn Thêm (Bắc Giang), Nguyễn Thị Kim Thu (Tây Ninh), Phạm Thanh Hà (ở Quảng Ninh), Nguyễn Thái Thanh (ở Hà Nội),…
Với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Lãnh đạo Bộ và sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo không ngừng của tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, Cục Bồi thường nhà nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng yêu cầu thi hành Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Với những kết quả đã đạt được trong các năm qua, Cục Bồi thường nhà nước là đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và là đơn vị đoàn kết, vững mạnh, được cấp có thẩm quyền khen thưởng với nhiều hình thức, danh hiệu. Đặc biệt, năm 2021, Cục vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục tổ chức và thi hành Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bồi thường nhà nước đã đặt ra yêu cầu mới đối với các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp nói chung và của Cục Bồi thường nhà nước nói riêng, Cục Bồi thường nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu hoàn thiện pháp luật, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng tại các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW; Nghị quyết số 49-NQ/TW, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.