Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Trần Hữu Huỳnh trả lời Pháp luật Việt Nam, liên quan đến Báo cáo “Đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp” (LDEA) vừa được công bố.
Một sáng kiến hay, nhưng thưa ông, tại sao sau nhiều năm xây dựng và thi hành pháp luật, LEAD mới ra đời?
Nhiệm vụ của VCCI là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham vấn cho Đảng và Nhà nước về chính sách pháp luật nói chung và pháp luật về kinh doanh nói riêng. Trước đây, VCCI đã hướng về các DN vừa và nhỏ ở địa phương để làm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ đó thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh. Thực tế cho thấy đó cũng là một phần thực hiện công cuộc cải cách hành chính ở cấp độ địa phương và kết quả là trở thành một phong trào sâu rộng hầu hết khắp các tỉnh trên cả nước.
Thứ hai là xuất phát từ nhiệm vụ sơ kết Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị. VCCI là thành viên của Mặt trận và Mặt trận cũng là một tổ chức cần phải làm nhiệm vụ sơ kết. Để tránh cho việc đánh giá mang tính chất định tính, chung chung và vì thế không thể đo đếm được mức độ cải cách nên chúng tôi cố gắng lượng hóa nhằm thực hiện Nghị quyết 48 trên 2 lĩnh vực chính là xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Thứ 3 là cần có công cụ bên ngoài để các bộ nhìn nhận xem những cố gắng, những thành quả của họ đã được đối tượng thụ hưởng tiếp nhận, từ đó thấy được những mặt thành công và những hạn chế của mình.
Việc đánh giá này có được tiến hành thường niên?
Làm hàng năm hay chưa thì cũng có nhiều ý kiến đề xuất, để từng năm một liệt kê các văn bản pháp luật mà các bộ xây dựng và các bộ hướng dẫn thực hiện như thế nào sẽ sát thực tiễn hơn. Tuy nhiên, chúng ta vừa mới khởi đầu bằng cách tổng kết giai đoạn xây dựng và thi hành pháp luật 5 năm 2004 - 2009.
Ông vừa nhắc đến PCI. Liệu PCI có “tiếng nói” gì với LDEA không?
Chính quyền địa phương rất hài lòng với PCI, qua đó họ biết điểm mạnh, yếu của mình trong từng lĩnh vực cụ thể. PCI có tới hơn 60 chỉ số thành phần, từng năm một đều đo đếm được cả, có thể coi như một nhiệt kế đo thời tiết. Đây là một kinh nghiệm tốt để phát huy và trong quá trình làm PCI địa phương có nhiều vấn đề phát sinh ở trung ương vì rõ ràng có nhiều vấn đề địa phương đã cải cách mà trung ương có thể không theo kịp hoặc cần vai trò mở đường của trung ương ở tầm vĩ mô, làm cho địa phương phát triển lên được.
Mong muốn của chúng tôi cũng là lượng hóa, đo đếm được các chỉ số của LDEA như vậy, để biết được các văn bản đang ở đâu trong cảm nhận của những người chịu sự điều chỉnh, tác động trực tiếp của chúng.
Phản ứng của các bộ được đánh giá ở mức trung bình, thấp, tương đối thấp ra sao, thưa ông?
Mặt bằng chung là có tiến bộ so với trước khi ban hành Nghị quyết 48, đặc biệt ở lĩnh vực công khai để lấy ý kiến và chất lượng hoạt động xây dựng văn bản tiến bộ hơn hoạt động áp dụng, thực thi pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi chưa thấy phản ứng gì. Kể cả những bộ đứng đầu thì chất lượng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Do thế, các bộ cũng không lấy gì làm phấn khởi. Hơn nữa, tại thời điểm này, anh đứng cao hơn nhưng vào lần sau đó lại thành áp lực cho anh.
Cá nhân tôi cho rằng, hãy coi đây là một kênh thông tin hữu ích, không nên bày tỏ về mặt thái độ mà tìm hiểu xem phương pháp có khoa học không, kết quả có đáng để tin không, phản ánh đúng được phần nào thực tế chưa. Kinh nghiệm làm PCI cũng vậy. Lúc đầu nhiều tỉnh phản ứng vì không hiểu nhưng dần dần chính những tỉnh phản ứng lại là tỉnh áp dụng nhiều nhất, thậm chí tôi còn gọi đùa là hội chứng nghiện PCI.
Xin cảm ơn ông!
Thục Quyên (thực hiện)