Vất vả sưu tầm kỷ vật
Có một người chơi cổ vật đến tận cùng đam mê, đó là ông Nguyễn Văn Trường ở làng Kiệu Sơn, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ông Trường đã bỏ thời gian, tâm sức, tiền của sưu tầm và gắn 10.000 bát đĩa cổ lên tường nhà. Đến không gian nhà ông, từ ngoài ngõ, cổng đến tường sân, cột nhà, trong nhà đều gắn kín bát, đĩa cổ. Ngay cả hòn non bộ của ông cũng không phải bằng đá, mà được kết cấu từ tiền cổ và bát đĩa cổ. Với nước da ngăm đen, dáng dong dỏng cao, khuôn mặt khắc khổ, mái tóc và râu để dài, đặc biệt là dù trời có nóng như thế nào, ông Trường vẫn khoác trên mình bộ quần áo bộ đội. Tất cả những đặc điểm đó làm cho ông không lẫn được với ai.
Khách đến thăm ngôi nhà của ông Trường ngày một nhiều, bởi đây là ngôi nhà độc nhất vô nhị, cách chơi của chủ nhân rất lạ. Hỏi vì sao lại làm như vậy? Ông Trường trả lời: “Như thế là tôi đã trưng bày tất cả ra cho mọi người được chiêm ngưỡng, chứ tôi không giữ cho riêng mình. Với lại đã gắn lên tường rồi, tôi chỉ giữ chứ không thể bán đi được. Và như thế, tôi khổ thì cổ vật mới… sướng”.
Ông Trường đam mê bát đĩa cổ từ năm 1986, khi bản thân ông làm nghề thợ mộc và có lần đã được thuê sửa bàn ghế cho một người sưu tập đồ cổ địa phương. Thời gian này giúp ông bước đầu biết đến vẻ đẹp của những món đồ sứ truyền thống, từ đó nảy ra ý định sưu tầm. Song gia đình nghèo, vợ ông là nông dân, chuyện khuân tiền nhà đi săn tìm cổ vật, thậm chí có chuyến đi cả tuần khiến kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. Vợ ông cũng dọa bỏ. Lúc đó, ông phải điều chỉnh bản thân bằng cách làm thật nhiều, tăng gia sản xuất để có thêm tiền dành cho sinh hoạt gia đình.
Bà Hồ Thị Nga, vợ ông chia sẻ: “Có tiền là ông ấy đem đi mua đồ. Có lần xe hết xăng mà không còn tiền, ông ấy phải dắt bộ gần 20km về nhà. Mỗi bận đi xa về người ông lại đen sạm, rộc hẳn đi. Dần dần tôi thấy ông ấy làm như vậy cũng có cái hay, cái tốt nên ủng hộ để cuộc sống vui vẻ”.
Ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Đăng Luận ở phường Minh Tâm - thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) giờ đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích “đồ nhà quê”. Ông Luận là công an đã nghỉ hưu. Trước đây công việc thường xuyên gắn bó với bà con miền núi nên ông luôn muốn khám phá đời sống sản xuất của họ và có niềm yêu thích đặc biệt với những đồ vật mà đồng bào các dân tộc tự sản xuất để phục vụ sinh hoạt gia đình. Khi đó, hễ thấy món đồ nào người dân bỏ đi, ông liền xin về. Khi nghỉ hưu thì ông dồn hết tâm sức cho việc sưu tầm. Công việc tỉ mẩn, suốt ngày “ăn ngủ” với “các món đồ nhà quê”, nên nhiều người gọi ông là “gã nhà quê” chăm chỉ!
Ông Luận hướng ánh mắt nhìn về hàng trăm hiện vật treo kín vách nhà, tâm sự về những ngày đầu lang thang khắp các nẻo đường vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc tích góp, nhặt nhạnh những đồ vật mà bà con dân tộc cho là… đồ bỏ đi. Ông Luận tâm sự: “Tôi có điều kiện đi nhiều nơi, nhận thấy mỗi một dân tộc có một nét văn hóa đặc sắc riêng.
Ngay từ những ngày đầu công tác vùng cao, trong tâm thức tôi đã có ý định lưu giữ những đồ vật của bà con dân tộc miền núi với mong muốn gìn giữ để con cháu mai sau biết ông cha ta đã có một kho “văn hóa “nông cụ” rất đậm đà”. Thời gian đầu, sau mỗi chuyến công tác và ở cùng bà con, ông đều mang về một thứ, lần thì cái mõ trâu, khi thì cái chổi bằng lá cọ cũ kỹ hay chỉ là chiếc lồng chim đan bằng lõi cây tế... Đến khi gậm giường, nóc tủ, gác xép trong ngôi nhà nhỏ của mình đã chật ních, không có chỗ chứa nữa thì ông mang sang gửi nhờ hàng xóm. Giờ có nhà mới, rộng rãi ông mới “rước” về, thành lập một bảo tàng của cá nhân với hàng trăm hiện vật.
Giữ cho đời sau
Trong quá trình thực tế, tôi đã gặp không ít người có tâm huyết, mỗi người một vẻ, nhưng chung đam mê, gìn giữ cho đời sau biết về những món đồ đã từng gắn bó với công việc sản xuất của nhà nông, với cha ông một thuở. Ví dụ ông Nguyễn Quang Mạnh, chủ hiệu ảnh Vinh Hoa (TP Bắc Giang) đang sở hữu một bảo tàng nhỏ với hơn 3.000 hiện vật. Hay cô giáo Ngô Thị Khiếu đã lập cả một Bảo tàng Đồng quê ở làng Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định).
Trong khuôn viên Bảo tàng Đồng quê (Nam Định). (Ảnh: DK) |
Từ một phòng truyền thống để trưng bày hiện vật đến thành lập bảo tàng tư nhân có diện tích hơn 6.000m2, với các khu trưng bày trang trọng, ngăn nắp, mỗi năm đón hàng trăm lượt du khách là cả một quá trình phát triển dài lâu. Một người khác là ông Trần Phú Sơn, ở khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), chỉ vì thương đồ nhà quê và thấy lạc lõng khi về quê, đường làng, ngõ xóm bị bê tông hóa hết, cái mộc mạc, chất phác mai một, từ năm 1986 ông đã gom nhặt và có phòng trưng bày cá nhân để mọi người được chiêm ngắm.
Vừa rồi, tôi được biết đến ông Vi Văn Phúc, người con dân tộc Thái ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông (Nghệ An) - người đã gìn giữ bảo lưu văn hóa và đã lập một bảo tàng “hoành tráng” nơi quê hương. Ngược dòng thời gian, ngay từ năm 1985, trong quá trình công tác, ông Vi Văn Phúc đã tận mắt thấy không ít đồ nông cụ của người dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An bị vứt bỏ. Đúng thôi, đồ không dùng được nữa thì giữ lại làm gì, nhưng tự dưng ông thấy thương những món đồ đó. Nào là cày, bừa, cuốc, xẻng. Nào là dao, nỏ, cung, tên. Rồi cối xay gạo, xay đậu, khung cửi. Hay cũng có khi là những chiếc ping, lủng, sày người dân dùng để xúc cá, tôm dưới sông, suối. Thương nên ông nghĩ cách để xin về, gìn giữ ở nhà.
Rất nhiều người cứ thắc mắc, ông không còn làm ruộng, làm nông nữa, mà là một vị Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, rồi Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An... ông giữ đồ làm gì? Ai hỏi ông cũng bảo: “Phải giữ hồn cho người Thái chứ. Vậy thì tôi phải sưu tầm”. Trong những chuyến đi công tác vùng miền, nào là Quỳ Châu, Quỳ Hợp, nào Tương Dương, Kỳ Sơn… được tiếp cận với nền văn hóa đa dạng cho nên “cái duyên” sưu tầm cổ vật của ông cũng thuận lợi. Ấy vậy, cũng có người nói ông “năng nhặt” như thế là có ý đồ gì? Biết được thắc mắc ấy, ông bảo luôn với người đó: “Tôi là người dân tộc Thái, tôi tự hào và tôi thấy có trách nhiệm phải giữ những món đồ này”.
Ông Phúc tự hào sưu tầm những kỷ vật về văn hóa dân tộc Thái. (Ảnh: DK) |
Cả nước, ước tính có hơn chục bảo tàng tư nhân như thế. Mỗi người đều có một vùng quê để luyến nhớ, yêu thương. Đặc biệt, Đồng bằng Bắc Bộ là vùng trầm tích văn hóa, với nền văn minh lúa nước lâu đời. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, sự lên ngôi của các thứ đồ nhựa tiện lợi, khiến bao món đồ vốn rất gắn bó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi người dân không còn “đất sống”.
Bà giáo Ngô Thị Khiếu gắn bó với vùng đất Nam Định, bà thấy nhiều đồ dùng bị vứt lăn lóc, có nhiều món bị người thu mua đồng nát đến mua với giá rất rẻ để tái chế. Bà Khiếu chia sẻ: “Từ năm 1990, tôi thấy cần phải lưu giữ lại, món thì xin, món thì mua để cho con và các cháu biết được trên đời có những thứ đồ như vậy. Đó thật sự là những món đồ đã cùng trải qua một nắng hai sương với người nông dân. Càng làm thì càng say, tôi càng nghĩ nếu không lưu giữ thì nhiều món đồ sẽ không bao giờ còn”.
Không ít nhà nghiên cứu văn hóa đã cho rằng, việc sưu tầm, xây dựng bảo tàng tư nhân đã khó, việc “nuôi” cho bảo tàng có sức sống lại là thử thách khó khăn hơn bội phần. Bởi thế, cần các cơ quan chức năng có những chính sách, khuyến khích phát triển và duy trì hoạt động của các bảo tàng tư nhân, ghi nhận những đóng góp của các nhà sưu tầm cổ vật, giúp trao truyền, gìn giữ giá trị, tinh hoa của dân tộc.