Cố vấn Mỹ lại “cãi” Tổng thống Trump về mở cửa lại nền kinh tế

Ông Fauci và ông Trump.
Ông Fauci và ông Trump.
(PLVN) - Mục tiêu khởi động lại nền kinh tế vào ngày 1/5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “quá lạc quan”, ông Anthony Fauci - cố vấn hàng đầu của Tổng thống về các bệnh truyền nhiễm – tuyên bố.

“Quá lạc quan”?

Theo Reuters, phát biểu của ông Fauci - người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - được đưa ra sau khi nổ ra trận chiến giữa ông Trump và các thống đốc tại các bang của Mỹ về việc ai là người có quyền dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiềm chế đại dịch do virus corona gây ra.

Trong phát biểu vừa được đưa ra, ông Anthony đã lặp lại lời của nhiều thống đốc Mỹ khi nói rằng các quan chức y tế trước tiên phải có thể xét nghiệm virus một cách nhanh chóng, cách ly các trường hợp nhiễm bệnh mới và truy vết các ca bệnh mới trước khi các biện pháp giãn cách xã hội có thể được giảm bớt một cách an toàn.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã khuyến nghị người dân ở nhà cho đến cuối tháng 4 và Tổng thống Trump đến nay để ngỏ khả năng bắt đầu mở cửa trở lại một số lĩnh vực từ ngày 1/5.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, Cố vấn hàng đầu của ông Trump - người đã trở thành một nhân vật đáng tin cậy của nước Mỹ trong đại dịch - cho rằng ngày này có thể là “hơi lạc quan quá mức”.

“Chúng ta phải có sẵn cái gì đó hữu hiệu mà chúng ta có thể trông cậy vào nhưng giờ chúng ta chưa có”, ông Fauci nói thêm.

Ông Fauci - người thường xuyên xuất hiện cùng ông Trump tại các cuộc họp báo về dịch Covid-19 Nhà Trắng - trước đây đã mâu thuẫn với ông Trump về nhiều vấn đề, bao gồm cả cách điều trị bằng thuốc chữa sốt rét chưa được chứng minh hiệu quả mà Tổng thống tích cực ủng hộ.

Hôm 5/4, ông Trump đã đăng lại trên Twitter kêu gọi sai thải ông Fauci của một nhân vật chính trị bảo thủ nhưng tổng thống sau đó đã bác bỏ việc có kế hoạch sa thải cố vấn của mình.

“Cao nguyên không phải nơi thoải mái để sống”

Ông Trump trong phát biểu vừa qua cũng đã chỉ trích một số thống đốc các bang là “kẻ nổi loạn” sau khi Thống đốc Andrew Cuomo của New York nói rằng ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống để mở lại nền kinh tế quá sớm.

“Nếu ông ta ra lệnh cho tôi mở cửa trở lại các hoạt động theo cách gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng của người dân bang tôi, tôi sẽ không làm điều đó”, ông Cuomo tuyên bố.

Reuters cho biết, các biện pháp giãn cách xã hội được các thống đốc ở 42 tiểu bang của Mỹ áp đặt từ tháng trước đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, với nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và hàng triệu người Mỹ đã phải nghỉ việc.

Theo thống kê của hãng tin này, số người chết vì dịch bệnh Covid-19 của Mỹ đến ngày 14/4 đang đứng đầu thế giới với 25.700 ca, trong số hơn 600.000 ca nhiễm bệnh đã được xác nhận.

Mặc dù có những dấu hiệu trong những ngày gần đây rằng dịch bệnh bắt đầu hạ nhiệt nhưng số người chết ở Mỹ trong ngày 14/4 đã tăng thêm ít nhất 2.104 - là con số tử vong trong 24 giờ cao nhất trong nhiều ngày qua.

Ông David Reich – người đứng đầu Bệnh viện Mount Sinai của New York - cho rằng, ngay cả khi các ca nhập viện đã chững lại, hiện vẫn là thời gian cực kỳ căng thẳng với các nhân viên y tế và các nguồn lực.

“Cao nguyên không phải là một nơi rất thoải mái để sống”, ông Reich ví von khi nói về việc dịch bệnh có xu hướng chững lại ở Mỹ. “Vì vậy, tôi không nghĩ mọi người nên ăn mừng sớm”, ông nói.

Ngày 13/4, ông Trump dẫn quyền lực của Tổng thống khẳng định ông có toàn quyền “quyết định” mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ông Cuomo – lãnh đạo bang là tâm điểm của đợt bùng phát dịch ở Mỹ - và các thống đốc của 6 bang khác ở phía đông bắc nước Mỹ trong khi đó đã công bố kế hoạch xây dựng một kế hoạch cấp vùng để dần dần dỡ bỏ các hạn chế. 

Ở bờ biển Thái Bình Dương, các thống đốc bang California, Oregon và Washington cũng đã công bố cách tiếp cận mang tính khu vực tương tự.

Hiệu quả từ California

Những tranh cãi trên diễn ra trong bối cảnh AFP dẫn lời các chuyên gia y tế tại bang đông dân nhất nước Mỹ này cho hay, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và nhanh chóng ở California dường như đã thành công trong việc giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện và số ca tử vong hàng loạt do virus corona.

California là một trong những tiểu bang đầu tiên của Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Khi Thống đốc bang Gavin Newsom áp đặt các yêu cầu không rời khỏi nhà đối với tất cả 40 triệu người dân ở California vào ngày 19/3 nhưng 3 ngày trước đó hàng triệu người ở khu vực San Francisco – khu vực của bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh vào thời điểm đó - đã phải ở nhà theo lệnh phong tỏa được đưa ra theo quyết định phối hợp của 6 hạt của bang.

Đến nay, bang này đã áp dụng lệnh phong tỏa được gần 4 tuần. Trong thời gian đó, số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và số người chết ở bang đã nhanh chóng bị các bang khác vượt qua. “Từ các dữ liệu có thể thấy rất rõ ràng rằng việc giảm thiểu sớm tạo ra sự khác biệt trong cách chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của virus”, bà Anne Rimoin - Giáo sư Y tế công cộng tại Đại học California, Los Angeles - nói.

Theo bà này, tất cả những biện pháp mà California đã áp dụng như các quy định để buộc mọi người ở nhà nhằm đảm bảo an toàn hơn, thúc đẩy việc giãn cách xã hội, đóng cửa các buổi hòa nhạc, đóng cửa các sự kiện lớn và ... khuyến khích mọi người đeo khẩu trang vải đã tạo ra một sự khác biệt rất lớn. Đến nay, California đã ghi nhận chỉ khoảng 1.000 trường hợp nhiễm bệnh và 19 người chết.

Reuters cho biết, tại cuộc họp báo ngày 14/4, Thống đốc bang Gavin Newsom cho biết, bang này đang có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế và phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên các sự có sự tham gia của hàng trăm hoặc hàng ngàn người có thể sẽ bị cấm ở California ít nhất là qua mùa hè.

Các bước tăng dần để nới lỏng các lệnh yêu cầu người dân ở nhà tại bang này có thể bắt đầu sau “một vài tuần” có những bằng chứng cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh Covid-19 và nhập viện ở bang đang giảm.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.