Chuyện nghe qua thấy phi lý mà lại có thật và vừa mới xảy ra ở nước Mỹ. Sau hơn 18 năm ngồi tù, ba chàng trai ở West Memphis (bang Arkansas, Mỹ), được trả tự do với điều kiện phải công nhận là đã phạm tội. Có tội mà trắng án - phán xử như thế được quy định hẳn hoi trong luật pháp nước Mỹ.
Vụ việc có liên quan đến chuyện có ba cậu bé 8 tuổi bị giết rất dã man ở West Memphis cách đây hơn 18 năm. Ba chàng trai 16 tuổi khi ấy bị coi là thủ phạm, bị ép cung và xét xử cho dù cả ba suốt từ đó đến nay vẫn kiên định quả quyết hoàn toàn vô tội. Cả ba đều bị tình nghi và bắt giam ngay vì họ không giống như những thanh thiếu niên cùng lứa khác. Họ đều để tóc dài, nghe loại nhạc mạnh, ăn vận quần áo như lũ bụi đời.
Cho dù không có bằng chứng xác thực nào ngoài sự thú nhận của một trong ba người ấy, nhưng sau đó phản cung ngay và tố cảnh sát đã dùng nhục hình để ép cung, họ vẫn bị toà tuyên phạt một tử hình và hai tù chung thân. Bản án tử hình không được thực hiện bởi dư luận xã hội ở Mỹ bất bình và phản đối quyết liệt vụ xét xử này. Đã có hai bộ phim tài liệu được quay và trình chiếu rộng rãi về vụ án này và một bộ phim truyện hẳn hoi cũng đang chờ ngày trình chiếu ở Mỹ.
Toà án đã kết tội ba chàng trai khi xưa giờ buộc phải trả tự do cho họ vì muốn tránh khả năng vụ án được đưa ra xét xử lại với kết quả cuối cùng ai cũng có thể thấy được là toà đã xử sai và ba chàng trai vô tội. Điều khoản lạ lùng nó trên trong pháp luật của nước Mỹ được đưa ra vận dụng để giữ thể diện cho cơ quan tư pháp này và tránh phải bồi thường khoản tiền không nhỏ cho ba người vô tội phải chịu cảnh tù giam hơn 18 năm nay. Chỉ cần một trong ba người ấy công nhận là đã phạm tội nhưng đồng thời lại vẫn quả quyết là vô tội là đủ để cả ba được tự do.
Toà án này tuyên phạt họ chịu tù đúng thời gian họ đã phải ngồi tù và coi họ trắng án. Thế là hoà cả làng. Ba người ka chấp nhận giải pháp kỳ cục này vì không muốn phải tù lâu hơn nữa. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để chứng minh cho sự vô tội của họ.
Khát vọng đó thật dễ hiểu nhưng rất khó trở thành hiện thực vì qua vụ việc có thể thấy cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Mỹ luôn có dư địa để lách luật đảm bảo giữ được thể diện và tránh trách nhiệm mỗi khi mắc sai lầm, chứ dân thường đâu có được như vậy.
Thiên Lang