Cố tình phạm tội để… bị tống giam

Những người già trong nhà tù ở Nhật Bản.
Những người già trong nhà tù ở Nhật Bản.
(PLO) -Một số người già tại Nhật Bản đã cố tình phạm các tội nhẹ để bị bắt vào tù bởi họ cho rằng cuộc sống ở trong tù thậm chí còn tốt hơn cuộc sống bên ngoài.

Xu hướng đáng lo ngại

Nhật Bản hiện là nước có dân số già nhất thế giới, với hơn 1/4 công dân của nước này hiện từ 65 tuổi trở lên. Dân số già đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống tài chính và ngành công nghiệp bán lẻ của Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một xu hướng khác đầy bất ngờ đã dần nổi lên ở Nhật khiến giới chức nước này đau đầu tìm biện pháp đối phó, đó là việc số lượng người già phạm các tội nhẹ để có thể sống nốt những năm tháng cuối đời trong tù gia tăng đến mức kỷ lục.

Theo hãng tin Bloomberg, số đơn tố cáo và những vụ bắt giữ liên quan đến người già ở Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ, thời gian qua luôn ở mức cao hơn bất cứ nhóm nhân khẩu học nào khác. Tính trung bình, cứ 5 phụ nữ hiện bị giam giữ trong các nhà tù của Nhật có 1 người già. Điều đáng chú ý là các tội danh mà họ phạm phải thường là tội nhẹ: 9/10 phụ nữ có tuổi bị buộc tội về hành vi trộm cắp.

Lý giải về nguyên nhân có quá nhiều phụ nữ lớn tuổi ở Nhật Bản thay vì tuân thủ luật pháp lại có hành vi trộm cắp, Bloomberg cho hay, trước đây, trách nhiệm chăm sóc người già ở Nhật Bản thường thuộc về gia đình hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây, tình hình đã thay đổi. Từ năm 1980 đến năm 2015, số người già sống một mình ở Nhật đã tăng hơn 6 lần, lên đến gần 6 triệu người. 

Một khảo sát do chính quyền Tokyo thực hiện trong năm 2017 cho thấy có đến hơn 1 nửa người già bị bắt quả tang đang có hành vi trộm cắp sống 1 mình, 40% không có gia đình hoặc hiếm khi chuyện trò với người thân. Những người này nói rằng họ không có ai để nhờ đến khi cần giúp đỡ. Ngay cả những phụ nữ có nơi nương tựa cũng cho biết họ cảm giác như người vô hình. 

“Họ có thể có nhà để ở. Có thể họ cũng có gia đình nhưng điều đó không có nghĩa là họ có một nơi cho họ cảm giác gia đình. Họ cảm thấy họ không được thấu hiểu”, bà Yumi Muranaka, quản lý ở Nhà tù nữ Iwakuni nằm cách Hiroshima gần 50km, lý giải.

Bên cạnh đó, những phụ nữ già ở Nhật Bản cũng thường là những người dễ bị tổn thương về mặt kinh tế. Theo các số liệu chính thức, có đến gần 1 nửa những phụ nữ từ 65 tuổi trở lên sống 1 mình ở Nhật Bản phải sống trong cảnh nghèo. Tỉ lệ này ở đàn ông là 29%. 

“Chồng tôi đã qua đời hồi năm ngoái. Chúng tôi không có con nên tôi rơi vào cảnh 1 thân một mình. Khi đến siêu thị để mua rau, tôi nhìn thấy một gói thịt bò. Tôi muốn mua gói thịt nhưng không có tiền. Vì thể, tôi đã đánh cắp gói thịt đó”, một nữ tù nhân ở nhà tù Iwakuni kể về hoàn cảnh và lý do khiến bà phải vào tù.

Tỉ lệ tái phạm tội ở người già tại Nhật Bản cũng tương đối cao. Theo số liệu thống kê được Chính phủ Nhật Bản công bố năm 2015, có đến 1/4 trong số các tù nhân từ 65 tuổi trở lên đã tái phạm tội và bị tống giam trở lại trong vòng 2 năm sau khi được thả ra. Tỉ lệ này cao hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác. 

“Nếu anh còn trẻ, anh có thể tìm được việc làm và có cơ hội để có thể sống một cuộc sống bình thường. Chính việc thiếu các cơ hội việc làm cộng với việc bị mang danh là người có tiền án đã khiến cho việc tái hòa nhập cộng đồng ở người già trở nên khó khăn hơn”, ông Yasuyuki Deguchi, Giáo sư của trường Đại học Tương lai Tokyo, lý giải.

Vẫn theo các thống kê, trong số những người bị tống giam vào năm 2016, 36% những người từ 60 tuổi trở lên đã ngồi tù ít nhất là lần thứ 6, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình 16% của tất cả các tù nhân đang bị giam giữ vào năm đó. Nhóm có số lượng đông thứ 2 là những người phạm tội lần đầu. Trong nhóm này cũng có 29% là những tù nhân từ 60 tuổi trở lên.

Những nỗi niềm thầm kín

Một cựu tù nhân 71 tuổi ở Nhật Bản, từng 7 lần bị tống giam về các tội danh trộm cắp và lừa đảo nói rằng việc thiếu việc làm và nơi trú ẩn đã khiến ông ta liên tục tái phạm. 

“Khi bước qua tuổi 65, anh sẽ không có nhiều công việc có thể làm. Nếu có việc làm và nơi để ở, anh có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng nếu không có việc làm và nhà ở, đôi khi anh sẽ phải ăn trộm đồ trong cửa hàng chỉ để có chút thức ăn bỏ vào miệng. Tôi biết có nhiều người vì hoàn cảnh nên muốn quay trở lại nhà tù. Miễn là còn ở trong tù, anh vẫn có thức ăn và một căn phòng để ở”, một tù nhân đang bị giam giữ ở Tokyo chua chát nói. 

Bà T, 80 tuổi, đang thụ lý bản án 2,5 năm tù giam vì tội trộm trứng cá tuyết, hạt giống và một chiếc chảo cho biết đây là lần thứ 4 bà phải ngồi tù. Khi còn trẻ, bà làm công nhân tại nhà máy cao su rồi chuyển sang làm nhân viên tại một bệnh viện. Tiền bạc trong nhà không dư dả nhưng bà vẫn cố cho con trai đi học đại học. 

6 năm trước, chồng bà bị đột quỵ và nằm liệt giường. Ông còn mắc thêm chứng mất trí nhớ, ảo giác và hoang tưởng, khiến cho việc chăm sóc trở nên vô cùng vất vả. Ấy thế nhưng bà không biết chia sẻ nỗi khổ cực với ai. 

“Lúc trộm đồ tôi vẫn có tiền trong túi nhưng khi nghĩ về cuộc đời khốn khổ của mình và không muốn trở về nhà. Nghĩ mãi chẳng biết đi đâu, tôi nghĩ rằng vào tù là cách duy nhất. Cuộc sống trong tù hiện nay dễ chịu hơn nhiều so với ở ngoài. Tôi có thể là chính mình và có thể thở phào nhẹ nhõm dù chỉ là trong chốc lát”, bà nói. 

Hoàn cảnh của bà N, 80 tuổi, phải ngồi tù 3 năm, 2 tháng tù vì trộm sách, quạt tay và bánh cuốn, lại trái ngược. Theo bà N, dù có chồng, 2 con trai và 6 cháu nội nhưng lúc nào bà cũng cảm thấy cô đơn. 

“Chồng tôi đưa cho tôi rất nhiều tiền. Người đời nhìn vào lúc nào cũng nói rằng tôi thật may mắn. Thế nhưng, tiền không phải là thứ tôi muốn. Nó không khiến tôi hạnh phúc. Tôi đi trộm đồ lần đầu là 13 năm trước. Khi đó, tôi đã vào một nhà sách và trộm một cuốn tiểu thuyết. Tôi bị bắt và bị đưa đến đồn cảnh sát. Viên cảnh sát thẩm vấn tôi là viên cảnh sát dễ thương nhất mà tôi từng gặp. Cậu ấy lắng nghe mọi thứ mà tôi muốn nói. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình được lắng nghe”, cụ bà cho hay. 

Bà N cũng cho biết bà rất thích làm việc trong tù, thích những lời khen làm việc tỉ mỉ và hiệu quả của các quản giáo. “Càng ngày tôi càng thích cuộc sống trong tù hơn. Ở đây có nhiều người nên tôi không cảm thấy cô đơn. Sau lần ngồi tù thứ 2, tôi từng tự hứa sẽ không quay trở lại nhà tù nhưng đến khi đã được thả ra, tôi lại cảm thấy nhớ nơi này”, bà nói thêm.

Bà O, 78 tuổi, thậm chí cho rằng nhà tù là thiên đường bà bởi ở đó bà được thoải mái và thư giãn, lại không phải lo lắng gì. “Ở đây có rất nhiều người để nói chuyện. Mỗi ngày tôi được cho ăn 3 bữa. Hàng tháng con gái tôi lại vào thăm”, bà nói. 

Với bà F, 89 tuổi, cuộc sống trong tù cũng dễ chịu hơn nhiều so với cảnh sống với người con rể ngang ngược và bạo lực”. Cuộc sống ở nhà tù không bao giờ dễ dàng. Nhưng với một số người, cuộc đời bên ngoài còn tồi tệ hơn”, một nhân viên bảo trợ xã hội tên Takeshi Izumaru nhận định.

Vấn đề nan giải

Sự gia tăng số người già phải ngồi tù vì phạm pháp đã khiến một số nhà tù trở nên giống với cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người già hơn là nhà tù giam giữ tội phạm. Những khoản chi liên quan đến chăm sóc người già đã đẩy chi phí y tế tại những nơi này vượt mức 6 tỉ yên (tương đương hơn 50 triệu USD) vào năm 2015, tăng cao hơn 80% so với con số của 1 thập kỷ trước. 

Tại các cơ sở giam giữ này, giới chức Nhật phải thuê những nhân viên đặc biệt để giúp tắm rửa hay làm vệ sinh cho những tù nhân già vào ban ngày. Còn ban đêm, trách nhiệm được giao lại cho các quản ngục. Vì vậy, tại một số cơ sở giam giữ, các quản ngục luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để trở thành các điều dưỡng viên. 

Cô Satomi Kezuka – một nhân viên kỳ cựu tại Nhà tù nữ Tochigi ở cách Tokyo gần 100km về phía bắc – cho biết, công việc hàng ngày của cô giờ đây bao gồm cả việc giải quyết việc tiểu tiện không tự chủ của các tù nhân. Đây được cho là một phần lý do khiến hơn 1/3 các nhân viên tại các cơ sở giam giữ nữ giới ở Nhật Bản bỏ việc trong 3 năm đầu tiên làm việc.

Chuyện cố tình phạm tội để bị bắt không phải chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Ví dụ, ở Mỹ cũng đã có những trường hợp một số người cố ý phạm tội để bị tống giam hòng được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tránh thời tiết khắc nghiệt hay là để buộc bản thân họ phải từ bỏ thói nghiện ngập. 

Tuy nhiên, mức độ của vấn đề tại Nhật Bản được cho là đã đến mức báo động. Chính phủ nước này đang tìm cách đối phó với tình trạng phạm tội ở người già bằng cách cải thiện hệ thống phúc lợi và các dịch vụ xã hội. Song, làn sóng người già phạm tội ở Nhật được cho là sẽ không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.