[links()]Nói về vụ việc lái xe, phụ xe Buýt chuyến 34 là Đỗ Hữu Long và Nguyễn Chí Thanh có hành vi lăng mạ, chửi bới, làm nhục hành khách Nguyễn Ngọc Phúc, Luật sư Phạm Quốc Thanh, trưởng văn phòng LS Quốc Thái cho biết, tùy theo từng trường hợp, vẫn có thể khởi tố hình sự đối với lái xe và phụ xe.
Cũng theo ông Thanh, trong Luật Hình sự đã quy định rõ hành vi lăng mạ, làm nhục người khác. Với trường hợp của lái, phụ xe Long và Thanh, cần làm rõ những nhân chứng vào thời điểm đó rằng có phải 2 người đã có hành vi bắt khách quỳ van xin đúng hay không?. Ở đây, hành vi làm nhục là đã rõ bởi lái, phụ xe đã thừa nhận hành vi đó.
Ông Thanh cho biết, điều kiện để có thể khởi tố lái xe và phụ xe là người hành khách bị lăng mạ(anh Nguyễn Ngọc Phúc) cần phải có đơn đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền xem xét khởi tố vụ việc này. Cơ quan Công an tham gia vào cuộc lấy lời khai của các nhân chứng xem có đúng là lái xe, phụ xe có hành vi chửi bới, lăng mạ, làm nhục người khác hoặc đánh, đập hay như hành vi bắt khách quỳ xuống mà lái xe thừa nhận hay chưa. Nếu có là đã đủ yếu tố khởi tố vụ án theo điều 121 Bộ Luật Hình sự.
Theo LS Thanh, nếu người bị làm nhục yêu cầu, khả năng khởi tố lái xe Long và phụ xe Thanh là có thể. |
Bên cạnh đó, LS Thanh cũng xét đến việc phải xem xét nhân thân của lái xe, phụ xe Bus đã từng phạt hành chính về hành vi tương tự hay chưa, đã có tiền án, tiền sự hay chưa… Đó cũng là một yếu tố để xem xét có khởi tố vụ việc hay không.
Trao đổi về tình chất nghiêm trọng của vụ việc, LS Thanh cho biết, đây chỉ là tội nhẹ và trên thực tế ở Việt Nam, việc xét xử bị cáo về tội làm nhục người khác hay vu khống, vu cáo 1 năm chỉ có 3 – 4 vụ. Thực tế tỷ lệ xét xử rất ít bởi phụ thuộc nhiều vào người bị chửi, bị làm nhục đó có đưa ý kiến, làm đơn xem xét xử lý người làm nhục mình hay không. Việc cơ quan pháp luật chủ động tìm ra sự việc để khởi tố hầu như không có.
Hoàng Phan
Lái xe Đỗ Hữu Long và nhân viên bán vé Nguyễn Chí Thanh đã bị sa thải. Nhưng liệu hành vi gây phẫn nộ của họ có phải nhận thêm hình phạt đích đáng từ pháp luật? |
Điều 121 Bộ Luật Hình sự: Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |