Thông tin trên được ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết.
Cụ thể, theo ông Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, đối với việc ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa có thể kể đến như hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Bên cạnh đó, có việc hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…;
Cũng có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa…
Việc nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam cũng đã được phát hiện.
Đối với xuất xứ hàng hóa, theo Tổng cục hải quan, có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu khai xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam.
Việc thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu cũng là một thủ đoạn đã được nhận dạng
Có doanh nghiệp vi phạm bằng cách đưa hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba; sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.
Trong số những vụ nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam điển hình được Tổng cục Hải quan đề cập là vào năm 2016, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế lô hàng đèn led nhập khẩu từ của một Công ty phát hiện 18 bộ phụ kiện đèn led, 1030 đèn led được sản xuất tại Trung Quốc nhưng trên bao bì ghi rõ xuất xứ Việt Nam.
Năm 2017, Cơ quan Hải quan phát hiện 1 công ty nhập khẩu mặt hàng theo khai báo là “Củ loa, sạc điện thoại mới, xuất xứ Trung Quốc” có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm trên sản phẩm có in chữ “Made in Vietnam”.
Năm 2018, Cơ quan Hải quan cũng phát hiện Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam.
Hiện nay, trên cơ sở số liệu rà soát và thông tin nắm được về các hành vi vi phạm của các Công ty trong việc sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu và các đơn vị liên quan cũng đã lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Phi Hùng cho rằng, trong số những nguyên nhân khiến hành vi vi phạm gian lận về xuất xứ C/O và chuyển tải bất hợp pháp diễn ra có nguyên nhân từ việc những biện pháp xử lý đối với những hành vi này còn nhẹ, việc xử lý vi phạm vẫn mang tính kinh tế, thương mại và hành chính nên sức răn đe của việc xử lý còn chưa mạnh, chưa đủ để cảnh tỉnh.
Vì vậy, ông Nguyễn Phi Hùng cho rằng rất cần phải xử lý hình sự đối với những vi phạm này để phòng ngừa, tuyên truyền cảnh tỉnh các tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề này để hưởng lợi.