Với kinh nghiệm thực tiễn của một người làm công tác đấu giá tài sản, ĐB Hoàng Thị Thu Trang – Nghệ An có ý kiến: Tình trạng “quân xanh quân đỏ” là một thực tiễn không thể phủ nhận, là sự bức xúc của công tác đấu giá tài sản.
Luật đã đưa ra nhiều quy định để đảm bảo khách quan trong quá trình bán đấu giá.Tuy nhiên trong đấu giá tài sản thì ngoài đấu giá viên, còn có một hệ thống những người giúp việc cho công tác này. Thực tiễn cho thấy những người đó cũng có khả năng vi phạm lớn, gây nên tình trạng bất công bằng trong công tác đấu giá.
Do vậy, theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang, ngoài những quy định về tiêu chuẩn đối với đấu giá viên, cần có những quy định về nhóm người này,
Bà cũng nhận định: “Thực tiễn cho thấy việc đấu giá tài sản đang bị ảnh hưởng bởi các đối tượng thường được gọi là ‘cò’, ‘xã hội đen’.”
Từ thực tiễn công tác, ĐB này cho biết tại Nghệ An, đã có những vụ mà ‘xã hội đen’ dùng vũ khí nóng, dùng súng gây ảnh hưởng đến cuộc đấu giá, nhằm thu lợi bất chính. “Chúng tôi không chắc chắn các quy định như dự thảo luật này sẽ triệt để được vấn nạn đó” – bà nói.
Theo ĐB tỉnh Nghệ An, Luật cần quy định thêm về vai trò của các cấp, ngành liên quan, có sự phối hợp với các lực lượng chức năng để bảo vệ phiên đấu giá, nhất là những trường hợp đấu giá tài sản lớn.
Việc ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản nhằm tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản.
Theo Báo cáo, một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Thậm chí có trường hợp dùng vũ lực đe dọa, ngăn cản không cho tổ chức đấu giá tài sản niêm yết...
Để hạn chế những vấn đề này, Dự thảo luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: cấm lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; cấm thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; cấm hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá trái quy định của pháp luật;
Đối với các tổ chức đấu giá tài sản, nghiêm cấm thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, giám định tài sản đấu giá, tổ chức, cá nhân khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ đấu giá và kết quả đấu giá.
Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá, giao, nhận tài sản đấu giá; nghiêm cấm nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận.
Đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác nghiêm cấm cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; cấm thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; nghiêm cấm cản trở hoạt động đấu giá tài sản;
Luật cũng nêu rõ cấm gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; nghiêm cấm đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá./.