Năm 2008, ông Phiếu gửi đơn tố cáo Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình lúc đó về các hành vi chuyên quyền, độc đoán trong công tác tổ chức cán bộ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, có lối sống đạo đức không lành mạnh.
Ông đã bị truy tố, xét xử vì tội vu khống và chịu mức án 5 năm tù giam. Đến năm 2010, Ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận công khai về những sai phạm của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Những sai phạm được chỉ ra và làm rõ đó không khác gì những việc mà ông Phiếu đã tố cáo trước đó. Vậy, những tố cáo đó là đúng sự thật thì tại sao ông Phiếu lại bị quy kết mắc tội vu khống được và lý do gì phải chịu mức án nặng nề là 5 năm tù giam đối với một ông già mang đầy bệnh tật và cả công trạng trong mình?
Nếu ông vi phạm những điều không được làm theo quy định của đoàn thể thì ông chịu sự kỷ luật nội bộ chứ không thể đem luật hình sự ra để nghiêm trị ông theo cách mà các cơ quan tư pháp Ninh Bình đã áp dụng đối với ông. Theo đơn khiếu nại của bà vợ ông Phiếu thì phiên tòa xét xử ông mở ra chóng vánh, không nhân chứng, không luật sư, mặc dù ông Phiếu có tiền sử bệnh tâm thần.
Pháp luật chỉ thực sự được tôn trọng khi thực hành nghiêm minh, xét xử đúng người, đúng tội. Còn ngược lại sẽ chỉ làm pháp luật mất thiêng và ý nghĩa giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh không còn nữa. Vụ việc này, không chỉ cần đến sự xem xét theo trình tự pháp luật mà cần hơn là cách ứng xử quang minh, chính đại của các cơ quan tố tụng và cá nhân những người có trách nhiệm tại Ninh Bình.
Nhị Ngọc