Thông tư trên thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thông tư số 07/2020/TT-BTP đã có sự rà soát để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cho phù hợp với các văn bản luật có liên quan đã được ban hành trong thời qua như: Luật ban hành VBQPPL sửa đổi năm 2020, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật phá sản và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ; Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về hòa giải thương mại; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại….
Thông tư này cũng đã bổ sung nhiệm vụ: “Giúp UBND cấp tỉnh quản lý các hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật” để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của Sở Tư pháp, đặc biệt trong việc quản lý các hội thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Thông tư cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý nhiệm vụ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đồng thời, bổ sung nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong việc giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật tại địa phương theo Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.
Đáng chú ý, Thông tư số 07 không quy định về cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để đảm bảo phù hợp với trách nhiệm của Bộ trưởng được quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các Bộ chỉ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và không hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp. Cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp sẽ do UBND tỉnh quyết định đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và theo quy định của pháp luật.