Hơn 15 năm qua, anh đã lặng lẽ chứng kiến không biết bao nhiêu buồn vui, những thay đổi của phận người đi qua cây cầu. Bản thân Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 - Công an TP. Hà Nội và đồng đội đã trực tiếp cứu sống rất nhiều nạn nhân của những cuộc tự tử bất thành. Anh được cộng đồng mạng bình chọn là người CSGT "tốt bụng" và "đáng yêu" nhất trong năm.
Người ngăn cái chết trên cầu Chương Dương
Chỉ cần tra trên google trong vòng 0,14 giây sẽ có tới cả trăm nghìn kết quả nói về anh - “Người ngăn cái chết trên cầu Chương Dương”. Còn anh thì không nhớ rõ mình từng cứu được bao nhiêu người cố tình tìm đến cầu Chương Dương để kết liễu cuộc sống của mình. Và cũng tại điểm cầu này, tôi đã nhiều lần chứng kiến anh “thuyết khách”, khuyên nhủ nhiều cô gái dại dột ngồi vắt vẻo trên thành cầu từ bỏ ý định tự tử.
Đó là một buổi chiều không quên giữa trung tuần tháng bảy. Hình ảnh cô gái trẻ trong lúc bấn loạn từ từ bỏ tay ra khỏi lan can bỗng chốc có cánh tay người sỹ quan CA nhoài người lao ra, kéo trở về cuộc sống sẽ còn in đậm trong lòng nhiều người.
Chưa hết, rồi người sỹ quan ấy còn phải vật lộn với chính “quyết tâm” chết của cô gái này mới có thể hoàn toàn kéo được cô gái dại dột lên trên thành cầu và đưa về chốt gác an toàn. Đầu óc mụ mị, cô gái chỉ ngồi rưng rức khóc và khóc, không biết có phải vì xúc động hay biết mình dại dột khi vừa được cứu sống.
Gần gũi với người dân |
Chỉ vì mâu thuẫn gia đình mà Trương B.L (tên nạn nhân) dù đã có 1 cô con gái kháu khỉnh lên 6 nhưng trong lúc quẫn trí đã muốn trầm mình xuống sông tìm đến cái chết. Sau nửa buổi chiều được động viên, cô gái này mới tỉnh ngộ.
Đồng thời được Thượng tá Đoàn đưa về nhà gặp đứa con gái lúc này mới vừa đi học về, đang chờ mẹ ở trước cửa nhà. Nhìn 2 mẹ con người phụ nữ vừa thoát khỏi cõi tử ôm chầm lấy nhau, đôi mắt hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ hỏi mẹ vì sao lại khóc, bất giác, người lính già đứng cạnh mắt cũng đỏ hoe.
Hay như trong dịp nghỉ Tết độc lập (30/4) vừa qua, vào khoảng 15h40 khi đang làm nhiệm vụ tại chốt phía nam cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn nghe tiếng hô hoán cướp xe máy của một người phụ nữ.
Đồng thời lúc đó, một thanh niên đi xe máy SCR màu bạc lạng lách nhanh trong dòng người đông đúc để tẩu thoát sang phía quận Hoàn Kiếm. Nhanh chóng phán đoán tình tình, Thượng tá Đoàn đã mưu trí dùng hiệu lệnh giao thông chặn dòng xe máy đang lưu thông từ phía đầu cầu, đồng thời chạy ngược chiều tiếp cận đối tượng.
Tên cướp là Nguyễn Thế Anh (SN 1977) ở Hoàng Văn Thụ, Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai có khổ người cao to. Ban đầu, tỏ ra hung hãn, y lôi trong người cả bình xịt hơi cay để chống trả nhưng đã bị Thượng tá Đoàn quật ngã và khóa tay. Y cũng không thể tẩu tán nhiều vam phá khóa đang cất giữ trong người. Chiếc xe máy vừa cướp được ngay sau đó được trao trả lại cho khổ chủ là ông Nguyễn Văn Tý ở thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).
Biết được câu chuyện may mắn nhà ông Tý, bà con thị trấn Yên Viên không ai bảo ai đã cùng nhau kéo về trụ sở CA thị trấn để tận mắt nhìn thấy “người hùng” của mình. Thay mặt bà con thị trấn Yên Viên, bác Trần Văn Phúc, Tổ trưởng tổ dân phố Yên Tân cứ năm chặt tay Thượng Tá Lê Đức Đoàn giãi bày: "Nhận được tin nhà ông Nguyễn Văn Tý nhanh chóng tìm lại được chiếc xe máy vừa bị mất nhờ sự tận tụy của các chiến sỹ CA, bà con chúng tôi vô cùng cảm kích. Càng cảm kích hơn khi biết được người đồng chí vừa dũng cảm bắt cướp cũng từng nổi tiếng trên báo với biết bao nghĩa cử cứu người".
Cũng vào thời điểm cách đó 1 tháng, Thượng tá Lê Đức Đoàn trong khi làm nhiệm vụ đã cứu một phụ nữ định nhảy cầu Chương Dương tự tử. Nhiều đồng nghiệp của Thượng tá Đoàn cho biết, đây không phải lần đầu tiên, Thượng tá Đoàn ngăn chặn một vụ việc đau lòng như trên. Trong thời điểm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tá Đoàn đã giúp một cháu bé bị lạc bố mẹ tìm lại được gia đình.
Sau này, khi tấm sự riệng với tôi, Thượng tá Lê Đức Đoàn giãi bày: “Mình cũng là một thương binh thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chiến công lập đúng ngày Tết Độc lập hôm đó vô cùng ý nghĩa. Bởi mình muốn dành trọn nó cho những người đồng đội đã cùng mình làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc".
"Thương hiệu" mang tên... Lê Đức Đoàn
Giữa trung tuần tháng 11, một ngày sương giăng mù mịt khắp sông Hồng, đứng ngay cạnh nhau mà còn nhìn nhọ mặt, đang trực tại chốt giao thông phía Nam cầu Chương Dương, nhận được tin báo của quần chúng về một thanh niên có ý định trèo qua lan can cầu Chương Dương lao xuống dòng sông Hồng, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 đã kịp thời có mặt khu vực xảy ra sự cố.
Lúc này, dù được sự can ngăn của người đi đường và lực lượng chức năng nhưng thanh niên trên vẫn quyết chí buông tay khỏi lan can cầu để gieo mình xuống dòng nước xiết. Nhưng ý định tự tử này đã không thành khi Thượng tá Lê Đức Đoàn nhanh trí đứng từ trên lan can cầu cao hàng chục mét, hét gọi một chiếc thuyền chài cách vị trí cầu Chương Dương 100m, khua mái chèo quay lại cứu người.
Thượng tá Đoàn trong 1 lần giải cứu cô gái nhảy cầu |
Rồi sau đó, nhanh chóng triển khai đội hình cứu hộ gồm nhiều người dân chài trên chiếc thuyền vừa được trưng dụng, Thượng tá Lê Đức Đoàn cùng nhiều người dân tốt bụng đã vớt được thanh niên trên từ dưới sông Hồng đưa lên bờ và tiến hành hô hấp nhân tạo, lấy lại hơi thở cho thanh niên trên.
Tỉnh lại tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Nguyễn Bá Quyên (SN 1985) ở Cao Viên, Thanh Oai cảm động rơi nước mắt khi biết người sinh ra mình lần thứ 2 là người CSGT được yêu thích nhất trên cộng đồng Internet – Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1.
Chốt ở đầu Nam cầu, bất kể mùa đông lạnh tái tê hay cái nóng oi nồng của mùa hè thì trông anh cũng vẫn chẳng khác đi là mấy, duy chỉ có bộ quân phục màu lúa chín của người CSGT anh mặc là dày mỏng thay đổi theo mùa.
Vẫn khuôn mặt đen sạm, cái miệng luôn thường trực nụ cười rất riêng mà như nhiều người khen anh đó là “nụ cười thuốc lào”, anh khiến người đối diện phải nhớ tới bằng sự hóm hỉnh với những câu chuyện tếu táo đến lạ. Đã nhiều lần tôi gạn hỏi anh rằng, sao hàng ngày, đơn vị của anh lại bố trí anh - một “bô lão” chốt chặn tại một nút giao thông được xem là quan trọng bậc nhất của Thủ đô mà không phải ở nơi nào khác.
Ở hai bên đuôi mắt đã bắt đầu hằn vết chân chim, anh cứ cười khề khà để lộ hàm răng ám khói thuốc lào mà chẳng nói chẳng rằng. Cũng câu hỏi này, khi nói chuyện, mấy chiến sỹ trẻ của đơn vị cứ đùn đẩy nhau thầm thì với tôi rằng: “Lo” nhất vẫn là khi cấp trên giao cho trực ở cầu Chương Dương”.
Khi thấy tôi đem thắc mắc ấy đến hỏi, Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng Đội CSGT số 1 không giấu được niềm tự hào: “Đơn vị đã sàng lọc, chọn lựa kỹ lắm nhà báo ơi. Trong việc điều hành giao thông và cứu người thì “gừng càng già càng cay". Đồng chí Đoàn đội mình thuộc hàng “bô lão” nhưng còn khỏe lắm!”.
Thượng tá Đoàn nhanh chóng cứu nạn nhân. |
Cái ý “càng già càng cay” mà Trung tá Tòng tâm sự với tôi về anh đã được chính bản thân Thượng tá Đoàn khẳng định như một “thương hiệu”, bằng công việc của bản thân trong hơn 30 năm nay.
"Bí mật” của anh nằm ở chỗ, anh đã hòa quyện nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm cùng sự phán đoán và phản ứng rất linh hoạt trong quá trình xử lý, phân luồng giao thông.
Anh nắm trong lòng bàn tay những lịch trình của các tuyến xe buýt, sự thay đổi về lưu lượng phương tiện trong từng thời gian và thậm chí là cả tâm lý của những trường hợp ra vào Thủ đô ở mỗi thời điểm khác nhau.
Chỉ tay về phía những nhịp cầu, nơi các phương tiện nối đuôi nhau ngược xuôi ra vào trung tâm thành phố, anh ví von với tôi bằng hình ảnh rất độc đáo: “Giao thông của mình nó cũng giống như dòng nước chảy. Chỗ nào hẹp thì nước chảy ít nhưng gầm gào ghê lắm. Còn ở những đoạn, tuyến rộng rãi thì hiền hòa, dịu dàng. Mình là CSGT thì nhiệm vụ phải biết điều tiết, dung hòa giữa đoạn hẹp và khúc rộng để cân bằng lưu lượng phương tiện, phòng ngừa không để xảy ra sự cố và TNGT”, Thượng tá Đoàn chia sẻ.
Sự "hài hòa" còn được anh hiện thực hóa bằng cái tình, cái lý trong xử lý vi phạm. Anh nói với tôi, điều khiển giao thông ở các đầu cầu tính chất rất khác so với tuyến phố nội đô. Chỉ cần cứng nhắc, không mềm dẻo trong khi xử lý là sự cố cũng có thể ảnh hưởng gây ùn tắc tới giao thông ở 2 đầu cầu.
Ví như một người nông dân đèo con bằng xe máy ra Hà Nội để đi thi đại học, có lỡ không biết đường mà vi phạm thì điều cần làm của CSGT là phải chỉ dẫn tận tình hay thậm chí là vẽ đường, viết địa chỉ ra giấy để cho họ biết, họ đi an toàn chứ không phải chăm chăm xử phạt lỗi.
Để xử phạt thì CSGT cần soi, cân nhắc giữa “tình” và “lý” phải đi đôi với nhau mà theo anh, người Việt mình thì ai và ở đâu cũng vậy, vẫn trân trọng gìn giữ cái tình người vô cùng. Với những người dân hiền lành, vô tình vi phạm, anh cứ khề khà phân tích, giảng giải luật và bỏ qua, chứ cái đám trẻ đầu xanh tóc đỏ, nói năng nhăng cuội, vi phạm đủ lỗi, phóng xe vè vè trên cầu thì anh nhất quyết không tha.
Đi giữa đời thường bình lặng như vậy, dù công việc còn bao bộn bề lo toan nhưng người lính già vẫn thấy hạnh phúc khi bên anh đang có một đại gia đình. Mỗi một lần ra tay nghĩa hiệp giúp đời, cứu người anh lại có thêm những đứa con. Đơn giản, những con người trong giây phút thiếu suy nghĩ chán sống ấy, khi được anh kéo khỏi tay tử thần đã coi anh là ân nhân, nhận anh là người cha nuôi, sinh ra mình lần thứ 2.
Giữa đời thường, Thượng tá Lê Đức Đoàn có thể nói là một người hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Cháu trai lớn của anh hiện cũng đang công tác trong một đơn vị CSĐT – CATP với cấp bậc Trung úy. Con gái út đang là sinh viên Học viện Ngoại giao.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT - Công an Hà Nội bày tỏ: “Tấm gương nuôi dạy con cái trưởng thành và luôn vượt qua khó khăn, xuất sắc hoàn thành công việc của đồng chí Lê Đức Đoàn sẽ là tiêu chí phấn đấu và là bài học cho người CSGT hôm nay, trong việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh, thanh lịch của Thủ đô”.
Còn trong các cuộc tập huấn, cuộc họp giao ban giữa Bộ CA với các địa phương, lần nào, những câu chuyện giản dị của Thượng tá Lê Đức Đoàn cũng được các đồng chí lãnh đạo Bộ nêu gương như một bài học quý về việc giữ gìn hình ảnh và phẩm chất cao quý của người chiến sĩ CA trong lòng nhân dân.
Theo VTC