Đúng chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Năm 1967 theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ chàng thanh niên Lê Đình Can gia nhập bộ đội bộ thuộc Quân khu Tản Ngạn rồi về Tổng Cục Chính trị. Năm 1975 anh được điều động về Viện kiểm sát Quân sự Trung ương và gắn bó đến khi nhận sổ hưu. “Mình rèn luyện từ chiến sĩ lên không bỏ qua một bước nào, lần lượt làm qua các công việc nhỏ nhất của đơn vị, qua các cấp bậc rồi được anh em tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương. Ba mươi ba năm làm trong ngành kiểm sát mình luôn xác định phục vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không làm oan cho ai, không làm sai cho ai và cũng không làm hại ai”, ông Can bộc bạch.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, ông Lê Đình Can. |
Nhớ lại những tháng năm trước khi được Viện Trưởng giao nhiệm vụ giải quyết đơn thư, thẩm tra, truy tìm sự thật, Nguyên Phó Viện trưởng Lê Đình Can cho biết có nhưng vụ việc phải mất nhiều tháng thậm chí vài năm. Đi hết đơn vị này đến đơn vị khác mới ban hành được kết luận cuối cùng.
Như vụ việc của một đồng chí ở dưới Nam Định mắc khuyết điểm bị kỷ luật cho về phục viên, chưa đến mức bị tước quân hàm sĩ quan nhưng khi về địa phương lại không cho tham gia các đoàn thể như Hội cựu chiến binh. Thấy tủi vì danh dự bị xâm phạm, ông này làm đơn cầu cứu lên VKSQSTƯ. “Đồng chí đó cứ gửi đơn kiện đi kiện lại mãi, thấy sự việc kéo dài, Viện Trưởng đã giao cho mình làm trưởng đoàn thẩm tra. Để làm rõ việc này, cả đoàn phải đi vào Miền Nam để tìm lại hồ sơ trước đây, nơi đồng chí hoạt động với địch bị thất lạc. Mấy anh em phải tìm hàng tháng trời mới thấy hồ sơ lưu của các đơn vị, rồi tìm được sổ lý lịch quân nhân để khẳng định sự việc được miễn tố. Nghĩa là có tội nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Nên theo quy định đồng chí vẫn là thiếu úy khi phục viên, đủ tiêu chuẩn để tham gia Hội Cựu chiến binh”, ông Can nhớ lại, ngay sau đó, VKSQSTƯ đã mời đại diện địa phương, hội cựu chiến binh lên thông báo kết luận trả lại danh dự cho người này.
Theo ông Can, đa số đơn thư gửi đến Viện đều là những vụ việc phức tạp đòi hỏi người Kiểm sát viên không những nắm chắc các quy định của pháp luật mà còn phải tìm hiểu cặn kẽ, đến cùng, nắm trong tay được những nội dung xác đáng để khi ra kết luận cuối cùng các bên đều tâm phục, khẩu phục. Ví như vụ cháy kho 5 tại Hải Phòng thời gian trước, các đồng chí ở đó bị kết luận không đúng nên có nhiều tâm tư, khúc mắc. Để giải quyết sự việc, anh em Kiểm sát phải đi sưu tầm tài liệu các bên liên quan rồi gặp gỡ, trao đổi để giải quyết thỏa đáng. “Sau có kết luận, Viện giải thích cho mọi người sự việc có yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan để các bên không kiếu nại thêm. Nếu đi vào chi tiết vụ án thì phức tạp nhưng khi tổ chức gặp mặt đối thoại với mọi người và có chính sách đãi ngộ cùng thì mọi người đều vui vẻ chấp nhận”, bác Can chia sẻ.
Người say mê giải quyết “chuyện thiên hạ”
Năm 2009, ông Can về hưu, nhưng với nhiệt huyết, trách nhiệm của một người lính, ông tiếp tục tham gia các đoàn thể tại địa phương với tâm nhiệm “Còn sức khỏe là còn cống hiến”. “Nhà mình có 6 người, 2 trai, 2 dâu, 2 vợ chồng đều là Đảng viên là bộ đội. Mình nghĩ rằng, mình được Đảng, được quân đội rèn luyện từ 17 tuổi, được ăn cơm gạo dân nuôi, về có lương hưu nữa, được đào tạo về pháp luật nên nếu giúp được cho nhân dân được gì thì giúp mình hết lòng giúp”, ông Can nói.
Tại hội nghị lần thứ nhất ban Thanh tra nhân dân phường Mai Dịch, nhiệm kỳ 2009-2011, ông Can được bầu làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân và từ đó đến nay, ông vẫn được người dân tín nhiệm. Không những thế, ông còn đảm nhận các nhiệm vụ khác của cơ sở như: Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban giám sát đầu tư công đồng phường; Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc quận Cầu Giấy, Trưởng đoàn hội thẩm Tòa án nhân dân quận cầu Giấy; Đại biểu Hội đồng nhân dân phường, Trưởng ban pháp chế HĐND phường Mai Dịch; Hòa giải viên; Tuyên truyền viên pháp luật của UBND phường Mai dịch. Tất cả các nhiệm vụ đã và đang đảm nhận ông Can luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ông đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp như: Bằng khen Người tốt việc tốt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Bằng khen của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Bằng khen của Chánh án TAND Tối cao; Giấy khen của quận ủy, UBND quận, UBND phường…
Chia sẻ về bí quyết thành công trong công tác hòa giải tại cơ sở, ông Can tâm sự: Trước đây, trong thời gian rèn luyện ở quân ngũ, tôi đã được nghe về lời dạy của Bác Hồ là “mỗi chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn phải là những người làm công tác dân vận giỏi”. Vận dụng những bài học trong làm công tác dân vận mà tôi có những kinh nghiệm quý làm cơ sở tiến hành công tác hòa giải sau này. Các vụ mâu thuẫn, tranh chấp của người dân đều được tổ hòa giải nghiên cứu kỹ lưỡng, để ý xem cái “nút thắt” ở đâu để tìm cách giải quyết, tháo gỡ sao cho thấu đáo, có tình, có lý.
Và bằng cách giải quyết công việc này, mà hàng nghìn trường hợp liên quan đến giải phóng mặt bằng ở phường Mai Dịch thời gian qua chỉ duy nhất có một trường hợp chính quyền phải tiến hành cưỡng chế với lý do một mảnh đất thuộc sở hữu của 10 chủ mà những người này không có tiếng nói đồng thuận. “Mình phải luôn khẳng định với chính quyền địa phương rằng, khi mà các đoàn thể không thể vận động được thì mới tổ chức cưỡng chế còn vận động, tuyên truyền được thì phải tuyên truyền, vận động”, ông Can nói.
Là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, các mâu thuẫn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong nhiều năm trở lại, phường Mai Dịch cũng không có trường hợp nào vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của UBND. Theo ông Can có trường hợp đã có quyết định sáng mai tiến hành cưỡng chế rồi, buổi tối hôm trước các hòa giải viên cùng với đại diện chính quyền địa phương vẫn kiên nhẫn xuống tận nhà người dân để tuyên truyền, giải thích thêm một lần nữa về chủ trương, chính sách của thành phố, của quận, của phường cũng như các quy định của pháp luật. Để tăng hiệu quả thuyết phục, bác Can còn đề xuất lãnh đạo quận cần trực tiếp gặp và đối thoại với người dân. “Được nghe trực tiếp người lãnh đạo cao nhất của quận phân tích, giải thích, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, người dân người ta yên tâm, tin tưởng hơn rất nhiều và đến phút chót họ đã tự nguyện chấp hành mà không cần phải cưỡng chế”, ông Can phấn chia sẻ.
Ông Can cũng tham gia tuyên truyền viên pháp luật tích cực của phường, của quận. Những văn bản pháp luật quan trọng, gần dân như Hiến pháp, các bộ luật Đất Đai, Dân sự, Hình sự bác đều tự mình biên soạn đề cương, giới thiệu cho khu dân cư để cho tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân rồi mình tổng hợp. Biết Bộ Tư pháp có đề tài liên quan đến việc hỗ trợ pháp luật cho người yếu thế, nhất là trong hoạt động hòa giải bác thấy hay nên viết một bài tham luận gửi cho Bộ Tư pháp. Ngay sau đó, Thủ tướng ban hành đề án về hòa giải cơ sở, căn cứ thêm vào Luật Hòa giải và đề tài của Bộ Tư pháp, bác Can đã đề xuất với địa phương kiện toàn lại tổ hòa giải. Giới thiệu những ứng viên đến 27 tổ dân phố bầu ra tổ trưởng, tổ phó hòa giải để lấy sự tín nhiệm của nhân dân. Đến nay, tổ hòa giải đều được dân tin, dân mến mà lực lượng lòng cốt là những người am hiểu pháp luật như thanh tra viên, hội viên hội luật.
Kỷ niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Chu Huy Mân. |
Ông Can cho biết, mình đã bước sang tuổi 70, làm công việc này khá bận rộn nhiều lúc làm việc qua trưa, 1 giờ, 2 giờ chiều mới được ăn bữa trưa hoặc 10, 11 giờ đêm mới về nhà nên gia đình cũng lo cho sức khỏe. Bà xã lo cho sức khỏe nên nhiều lúc cũng góp ý nhưng ông luôn tâm niệm còn sức khỏe là còn giúp dân. Có lẽ, chính niềm vui sau những lần giúp được cho bà con trong khu phố hiểu rõ các quy định pháp luật, sau những lần hòa giải thành công để rồi qua đó các mâu thuẫn, va chạm, xích mích được cởi bỏ để con người ta hướng đến những giá trị sống tốt đẹp hơn đã thực sự trở thành nguồn động viên lớn lao để ông Lê Đình Can thêm gắn bó tâm huyết với công tác xã hội.