Nước mắt kẻ ở, người đi…
Cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km theo hướng quốc lộ 14, băng qua những con đường uốn lượn quanh co, theo sườn núi ghé ngang thủy điện Buôn Kuôp đến chân thác Dray Nur. Quang cảnh bạt ngàn bao la trên đường đến chinh phục Dray Nur, một bên là núi, bên là thảm rừng xanh mướt, rải rác những bóng cây cô đơn giữa mênh mông xanh ngắt của Tây Nguyên hùng vĩ…
Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long - Đray Nur - Dray Sáp của hệ thống sông Serepôk, được kết hợp giữa con sông đực Krông Nô và con sông cái Krông Ana.
Xung quanh thác Dray Nur là những con suối nhỏ chảy róc rách uốn lượn qua những mỏm đá lô nhô. Thấp thoáng những bông hoa lục bình tím rung rinh đưa mình theo gió. Bạn có thể thăm thú cảnh vật xung quanh thác rồi ghé nghỉ ăn trưa ngay tại các mỏm đá lớn bên cạnh thác hoặc ghé qua nghỉ chân tại các lán nhỏ được dựng rải rác dọc đường đi.
Thác Dray Nur - một trong 13 thác nước đẹp nhất Việt Nam
Không chỉ là hình ảnh gợi nhớ Tây Nguyên đại ngàn, Dray Sap, Dray Nur - hai ngọn thác hùng vĩ, ngày đêm tung bọt khói trắng xóa giữa núi rừng xanh ngắt còn nhắc về câu chuyện tình yêu cảm động, đượm màu huyền thoại được truyền miệng bao đời vẫn mãi hấp dẫn người nghe.
Nếu thác Dray Nur là nhân vật chính trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ này thì những nhân vật phụ cũng vô cùng xinh đẹp trong bức tranh tổng thể, đó chính là những mỏm đá cứng cáp, nhô lên lõm xuống rất điệu nghệ và còn là những cây cối um tùm, xanh tốt quanh năm, điểm tô thêm sự hoang dã cho Dray Nur. Chính nhờ vẻ đẹp khó tin ấy, thác Dray Nur được công nhận là một trong 13 thác nước đẹp nhất Việt Nam.
Đến với thác Dray Nur, bạn sẽ gặp ngọn thác hùng vĩ, bọt tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến quang cảnh xung quanh thác nên thơ. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m, trải rộng khoảng 150m nối liền địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Nhưng hấp dẫn nhất không phải là việc chiêm ngưỡng thác mà là khám phá, tìm kiếm cảm giác mạnh trong hang động gần 3.000m2 phía sau thác. Bên vách đá sừng sững, thác nước reo vang, làm lan tỏa một vùng không gian rộng lớn âm thành dào dạt, trầm hùng. Nhìn từ xa, thác Dray Nur như một bức tường nước khổng lồ, muôn ngàn sợi nước trắng xóa quấn quít, đan xen, lung linh, huyền ảo. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Dray Nur quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và những huyền thoại, truyền thuyết về sự ra đời của thác.
Chuyện kể rằng, xa xưa, tại nơi này, dòng sông Sêrêpốk chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn xanh biếc. Hồi ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu tha thiết một cô gái bên kia sông. Nhưng vì họ là con của hai dòng tộc có mối hiềm khích lâu đời, nên tình yêu của họ không được chấp nhận.
Đau khổ vì tình yêu vô vọng, trong một đêm trăng, đôi trai gái cùng nhau gieo mình xuống dòng sông để mong được bên nhau mãi mãi. Đêm đó, trời đất bỗng tối sầm, dông bão nổi lên, nước sông sục sôi, cuồn cuộn, rừng núi thét gào.
Sáng hôm sau, người ta thấy sông Sêrêpốk tách thành hai dòng, chia hai ngả, chia cắt đường qua lại giữa hai dòng họ, hai buôn làng. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn thác Dray Nur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, thác Dray Nur và Dray Sáp là hai người anh em song sinh. Khi Mẹ Đất chuyển dạ, tại phía thượng nguồn, người anh Dray Nur ra đời trước, được nhận những đức tính hiền hòa của người mẹ nên quanh năm reo chảy êm đềm. Còn ở phía hạ nguồn, người em Dray Sáp ra đời sau thừa hưởng sự hùng dũng của người cha nên đổ dòng ầm ào, cuồn cuộn quanh năm suốt tháng.
Về tên thác, người già ở buôn Kuốp, buôn sống cạnh dòng thác từ ngàn đời nay, thường truyền nhau câu chuyện rằng, ngày xửa, ngày xưa, Vua Thủy Tề có người con trai là Hoàng tử Nur khôi ngô, tuấn tú, rất thích chu du ngắm cảnh.
Trong một lần lên trần gian, hoàng tử gặp hai nàng công chúa xinh đẹp. Do cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, khi vua cha qua đời, hai công chúa bị bỏ rơi, nghèo khổ, ngày ngày, họ phải đào củ mài ăn để sống. Hoàng tử Nur đã giúp đỡ họ nên được hai công chúa đem lòng yêu thương và họ chung sống cùng nhau. Dù vậy, khi nhớ vua cha, Hoàng tử Nur lại quay về.
Khi chia tay, chàng hóa thành một con dúi vàng trở về hang đá bên trong thác. Sau đó, vì nhớ da diết hai Công chúa, Hoàng tử lại rời vua cha lên trần gian với vợ. Theo tiếng Ê Đê, Dray có nghĩa là thác, Nur là con dúi. Nên từ đó, ngọn thác nơi Hoàng tử hóa thân mang tên là Dray Nur.
Truyền thuyết về Dray Nur, Dray Sap như thiên tình sử “Romeo và Juliet”, mang đậm sắc màu sử thi của người Ê Đê. Dẫu có hai cách giải thích khác nhau, nhưng màn nước đổ ào ạt ngày đêm, tung bọt trắng xoá, được ví như giọt nước mắt của kẻ ở, người đi, về những tình yêu đẹp còn mãi với thời gian…
Thác Dray Nur - một trong 13 thác nước đẹp nhất Việt Nam |
Những vỉa đá trầm tích tựa gành Đá Đĩa
Điểm thu hút sự chú ý không kém đối với du khách là hình ảnh các vỉa đá hình lục lăng nằm xếp lớp đều tăm tắp dưới chân thác trông như có bàn tay sắp đặt tuyệt khéo của tạo hóa. Theo các nhà nghiên cứu, các vỉa đá ở Dray Nur có cấu tạo khá giống với những vỉa đá ở gành Đá Đĩa nổi tiếng của Phú Yên. Đây thực sự là món quà lạ của tạo hóa, được hình thành nên từ các khối nham thạch, một hiện tượng kì thú của hoạt động núi lửa cách đây hàng triệu năm về trước.
Khác với sự kì vĩ của ngọn Dray Nur, Dray Sap lại mang vẻ đẹp thơ mộng, hiền hòa. Từ trên sườn núi cao chừng 20m, hai dòng thác đổ xuống tung lên màn sương khói mờ ảo, có lẽ vì vậy mà nó còn có tên gọi là “thác khói”. Vẻ đẹp của Dray Sap hòa quyện với thiên nhiên xanh mát của những cánh rừng đại ngàn. Từ trong bìa rừng nhìn ra, vùng nước dưới chân thác Dray Sap trông như một cái hồ lớn xanh như ngọc. Ven bờ hồ là những vỉa đá đen lớp lớp xếp chồng lên nhau nhô ra tận bờ nước. Có những tảng đá to phẳng lì như chiếc giường nhân tạo được bóng cây rừng khộp, một loại rừng thường thấy ở Tây Nguyên, che mát quanh năm tạo thành những chỗ dừng chân ngắm cảnh tuyệt đẹp.
Hang động rộng lớn, bí ẩn ở bên trong thác Dray Nur |
Thời điểm đẹp nhất để tham quan thác là mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm. Khi đó thác Dray Nur rẽ ra làm nhiều nhánh nhỏ như những suối tóc bao quanh một nhánh chính. Thời gian này bạn có thể hòa mình vào những dòng thác trắng bạc đầu đổ xuống làn nước xanh biếc như ngọc không quá lạnh lại rất mát mẻ, đủ để bạn thả mình trôi theo dòng nước trong lành hoặc nhìn cá tung tăng bơi lội. Lúc này mùa xuân đến, rừng bắt đầu thay lá, cỏ cây đâm những chồi non lộc biếc, côn trùng chim chóc líu lo dập dìu trong gió sẽ khiến bạn ngẩn ngơ với cảm giác như đi trong tiên cảnh Tây Nguyên. Nước thác chảy cuộn xiết tung bọt trắng xóa. Đi dưới chân thác có cảm giác mát lạnh như đang đi dưới trời mưa phùn mùa xuân. Xung quanh các vách núi đá, được cùng gia đình và bạn bè quây quần nướng thịt và chuyện trò, thật êm đềm biết bao!
Vào mùa mưa, từ trên vách núi cao chừng 30m, ngọn thác Dray Nur rộng hơn 250m ầm ào đổ xuống tung bọt trắng xóa tạo nên một khung cảnh hoang sơ, ngoạn mục giữa núi rừng. Khác với khung cảnh dữ dội của ngọn thác, dưới chân thác là một vùng nước cạn rộng mênh mông khoan thai chảy tràn qua những gờ đá lô nhô sóng vỗ. Mùa khô, thác Dray Nur ít nước hơn nên dòng suối bên dưới chân thác cũng hiền hòa, du khách có thể lội bộ để tận hưởng cái cảm giác được giẫm đôi chân trần lên những phiến đá phủ đầy rêu êm mượt nằm dưới lòng suối và nghe dòng nước mát lạnh mơn man lên làn da thịt.
Từ thác Dray Nur, bạn có thể lang thang theo những con đường mòn trong rừng nguyên sinh, ngắm những gốc cây đại thụ hàng ngàn năm tuổi, rễ của chúng ôm chặt những tảng đá lớn. Hoặc khám phá những hang động kì thú, hay đợi hoàng hôn buông xuống để ngắm đàn dơi hàng ngàn con bay vào hang trú ẩn.
Dray Nur cũng níu giữ bước chân bạn đến với cuộc sống thuần phác tại các buôn Kuốp, buôn Nui, buôn Tua của đồng bào Ê Đê sinh sống gần thác. Đến đây, bạn sẽ được xem giã gạo chày đôi, ngắm những chiếc váy thổ cẩm được dệt tinh xảo và những dụng cụ săn bắt độc đáo của người Ê Đê.
Cùng với đó, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những món ngon độc đáo của người Tây Nguyên như cơm lam nướng ống tre thơm nức mũi hay các món thịt nướng tẩm ướp đậm đà từ các loại gia vị thiên nhiên… Tối tối, bạn được ngồi quây quần bên bếp lửa, thưởng thức những món ăn ngon, nhâm nhi chum rượu cần thơm ngọt, đưa đến khoảnh khắc bình dị, êm đềm. Và bạn sẽ được hòa mình vào những điệu múa sạp cùng lời hát trong trẻo của các cô gái nơi núi rừng… Dường như đó là nơi bạn có thể tạm quên lãng nhịp sống hối hả, khói bụi nơi thị thành của chính mình…