Trở về miền ký ức
Câu chuyện về già làng Tráng Lao Lử (SN 1940), dân tộc Mông, ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cứ dài mãi như con suối trong chảy về phía trước. Câu chuyện của ông in trên khắp các bản làng, con suối, đường đi nơi núi rừng biên cương. Ở đó có cả chuyện về sự bứt phá vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc Mông ở biên giới Lao Khô.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu cho biết: Bản Lao Khô cái tên gắn liền với tên của cụ Tráng Lao Khô (dân tộc Mông, thân sinh của ông Tráng Lao Lử), người có mối thân tình đặc biệt với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (Chủ tịch nước CHDCND Lào). Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cụ Tráng Lao Khô từng tham gia nuôi giấu, mang lương thực, thực phẩm cho cán bộ Việt Minh và cán bộ nước bạn Lào cũng như Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn.
Hình ảnh cụ Tráng Lao Khô thân sinh của ông Tráng Lao Lử. |
Gặp ông Tráng Lao Lử trong ngôi nhà gỗ, mái thấp kiểu truyền thống người Mông. Xung quanh nhà cây cối xum xuê, vườn đào, mận xanh mướt lấp ló bên triền đồi. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về ông là sự gần gũi, thân thiện, phúc hậu, giọng nói rõng rạc. Năm nay, đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Tráng Lao Lử vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông bồi hồi nhắc lại những câu chuyện đã được cha mình kể cho nghe về thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn tại bản Lao Khô.
Những kỷ niệm về tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn luôn được cha ông trân trọng, coi đó là niềm vinh hạnh nhất trong cuộc đời. Cha ông thường xuyên kể lại những câu chuyện này cho con cháu nghe và nhắc nhở mọi người luôn phải giữ gìn sự đoàn kết, tình cảm sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Lào.
Khu di tích Cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, một địa danh lịch sử ghi dấu thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn giai đoạn 1948 - 1950. |
Lớn lên, khoảng những năm 1965 – 1969, ông Tráng Lao Lử tình nguyện gia dân quân tự vệ, hàng ngày cùng bộ đội Đồn biên phòng Nà Đít (nay là Đồn biên phòng Chiềng On) tham gia bảo vệ biên giới.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu nói rằng: Những tình cảm tốt đẹp của các thế hệ cha ông đi trước để lại giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào đến nay vẫn duy được duy trì.
Năm 2013, UBND huyện Yên Châu (Sơn La) và chính quyền huyện Xiềng Khọ (CHDCND Lào) tổ chức lễ ký hoạt động “kết nghĩa” giữa bản Lao Khô và bản Nà Khạng (cụm Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn).
Hai bản thống nhất phối hợp, thường xuyên giáo dục tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về truyền thống đoàn kết gắn bó, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển.
Xóa bỏ hủ tục xây dựng cuộc sống mới
Ông Tráng Lao Lử sống trong ngôi nhà gỗ truyền người Mông ở bản Lao Khô, ngôi nhà nằm lấp ló bên triền đồi, xung quanh cây trái xanh tươi. |
Trở lại câu chuyện, ông Tráng Lao Lử được tham gia học lớp y tá tại huyện Yên Châu, rồi trở về công tác tại Trạm y tế xã Phiêng Khoài. Ngày ấy, do bản Lao Khô ở cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn, hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa có, Lao Khô vẫn còn là vùng đất hoang vu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Ông Lử nhớ lại, cuộc sống của người Mông ở nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới rất khó khăn. Lúc đó, nhiều hủ tục của người Mông còn lạc hậu lắm, ma chay, cúng bái… ăn sâu vào nếp sống, suy nghĩ của bà con. Muốn bà con thay đổi cuộc sống, thay đổi thói quen không phải chuyện một sớm một chiều. Hồi đó, tôi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, họ mới nghe, mới hiểu, tin và là theo.
Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, dần dần các hủ tục cũng được đẩy lùi ra khỏi cộng đồng. Từ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe được học, ông Lử còn đi vận động bà con ăn chín, uống sôi, nhà có người ốm phải đưa đến bệnh viện… Những lần vận động đã làm thay đổi thói quen, nhận thức của đồng bào Mông ở Lao Khô.
Nhớ lại trước đây, có thời điểm người Mông ở bản Lao Khô rất nhiều nhà trồng cây thuốc phiện trên nương, trong bản xuất hiện nhiều người nghiện, kéo theo đó là nạn trộm cắp, gây mất an ninh trật tự địa phương. Thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện của Đảng, trong vai trò người uy tín ông Lử đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xuống bản vận động bà con từ bỏ cây thuốc phiện. Ngày ấy, Lao Khô trở thành điểm sáng về xóa cây thuốc phiện của tỉnh Sơn La, đến nay Lao Khô không có người nghiện ma túy.
Được sự tín nhiệm của chính quyền cơ sở và người dân, năm 1971 ông Tráng Lao Lử được bầu làm Phó Chủ tịch xã Phiêng Khoài, rồi làm Chủ tịch xã. Thời gian công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều danh hiệu cao quý. Ông được ví như sợi dây gắn kết tình cảm của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới.
Giờ đây, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia các công việc của bản, bám bản, bám làng, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, xóa bỏ tập quán lạc hậu xây dựng nếp sống văn minh, thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Thắp sáng tình đoàn kết
Lật giở những bức ảnh, tấm bằng khen được Đảng và Nhà nước tặng, ông Tráng Lao Lử xúc động nhớ lại một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất thời gian mình công tác.
Ảnh ông Tráng Lao Lử chụp tại nhà nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. |
Ông Tráng Lao Lử nhớ lại ký ức được Đảng, Nhà nước tặng bằng khen. |
Ông kể: Đó là vào năm 1968, khi ông đang làm y tế xã, một gia đình người Mông ở bản Phiêng Sa (nước bạn Lào) có con dâu chuyển dạ chuẩn bị sinh nhưng đâu từ sáng đến tối không sinh được. Người Mông có tục khi đẻ thường gọi thầy mo đến cúng, nhưng càng cúng tình hình càng xấu đi, nguy hiểm đến tính mạng. Thấy vậy, người nhà đến mời ông sang giúp, đến nơi sau khi làm xong công tác tư tưởng cho gia đình, ông tiêm thuốc trợ tim rồi đỡ đẻ. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy mẹ tròn con vuông. Tiếng lành đồn xa, sau lần đó nhiều người Mông bên nước Lào biết ông chữa được bệnh nên thường xuyên đến nhờ. Cũng từ đó, tình đoàn kết giữ hai dân tộc càng thêm khăng khít, bền chặt. Cứ vào ngày lễ, tết bà còn hai bên lại sang thăm nhau, quý nhau như người trong nhà.
Là người sống ở bản Lao Khô nhưng ông Lử còn được mời sang tận bản Pa Sang (xã Sặp Vạt, Yên Châu) để hòa giải việc một vài người Mông cùng bản chia bè phái xô xát với nhau, may nhờ có ông hoà giải kịp thời nên không xảy ra án mạng. Lý do chỉ vì mê tín, thiếu hiểu biết, khi gia đình nọ có cháu bị thương ở chân, đi chữa trị về không khỏi rồi mất, lúc này gia đình nghi rằng có người làm bùa đầu độc cháu mình. Rồi trong bản xảy ra mâu thuẫn, nghi kị, chia bè phái gây mất tình làng nghĩa xóm, mất an ninh trật tự. Sau nhiều lần chính quyền địa phương hòa giải không thành, ông Lử được mời đến giải quyết. Đến nơi, ông gọi các bên tập trung về một chỗ để giải thích, vận động, rằng vết thương nhiễm trùng không được chữa trị kịp thời nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc... Thấy ông phân tích hợp tình, hợp lý các bên đã buông bỏ sự nghi ngờ, giận dữ, giảng hòa với nhau, rồi hứa cùng nhau sống đoàn kết, làm ăn.
Tương tự những như việc trong xã có 2 gia đình lấn đất sản xuất của nhau khi canh tác trồng ngô dẫn đến xích mích, mâu thuẫn, chuyện kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Là người có uy tín nên ông Lử được được giao nhiệm vụ đứng ra hòa giải. Thông qua việc giải thích, bằng những lý lẽ thuyết phục, hợp tình, cuối cùng cả 2 gia đình đồng ý giảng hòa, từ đó đến nay sống hòa đồng, đoàn kết với nhau.
Ông Tráng Lao Lử chia sẻ, “Để làm tốt việc hòa giải, mình phải là người am hiểu phong tục tập quán của dân bản và làm việc khách quan, cương quyết, không để những việc nhỏ hóa thành to. Qua những buổi hòa giải, kết hợp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, quy ước, hương ước của bản làng cho bà con hiểu và làm theo. Vì thế hầu như các cuộc hòa giải đều thành công, không để chuyện nhỏ xé to, không để đơn thư vượt cấp. Nhờ đó, ông Lử luôn được bà con trong bản tin yêu, trân trọng, quý mến bầu chọn làm “già làng uy tín”. Không dừng lại ở đó, ông Lử còn tiên phong trong việc vận động đồng bào Mông ở bản Lao Khô xây dựng nếp sống văn hóa mới, bài trừ những hủ tục lạc hậu, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Giờ trở lại bản Lao Khô nơi có 224 hộ dân tộc Mông, dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây đã biết cùng nhau đoàn kết, viết nên những câu chuyện thật đáng trân trọng mà không phải nơi nào cũng làm được... Người dân chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều. Một điều hay nữa là trong bản Lao Khô cũng không còn tình trạng du canh du cư, không có người nghiện ma túy, không để người chết nhiều ngày trong nhà…
Ở bản Lao Khô bây giờ, những câu chuyện hiếu học trong các gia đình không còn là hiếm. Người Mông nơi đây đã biết chăm lo việc ăn học của con em, khuyến khích con cái học hành, biết cái chữ để thoát nghèo, lạc hậu. Nhiều thanh niên trong bản thi đỗ các trường đại học, cao đẳng, ra trường công tác trong các cơ quan Nhà nước rồi thành đạt. Chính ánh sáng của sự học đã thắp sáng bản làng xa xôi của mảnh đất Lao Khô này. Có được những đổi thay đó, có một phần đóng góp không nhỏ của ông Tráng Lao Lử.
Bằng những đóng góp của mình, ông Tráng Lao Lử được Đảng, Nhà nước tặng nhiều bằng khen như: Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến hạng ba; Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương đại đoàn kết dân tộc; Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam tặng Bằng khen đã có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tặng Bằng khen người có uy tín bản Lao Khô; Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa… Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh những đóng góp của ông Lử cho bản Lao Khô nói riêng và xã Phiêng Khoài nói chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.