Nhiều nhà máy lớn giảm "ăn" than
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) đã có buổi làm việc về tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho hay, từ đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên diễn biến nhu cầu phụ tải trên hệ thống điện biến động mạnh và khó dự báo.
Điện sản xuất toàn hệ thống 11 tháng năm nay đạt 235 tỷ kWh, tăng 4,21% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn gần 5 tỷ kWh so với kế hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt. Sử dụng điện có sự thay đổi lớ, bởi nhu cầu điện trong các tháng 4, 5, 6 tăng ở mức rất cao nhưng thực tế tiêu thụ điện lại giảm mạnh kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh/thành phố.
Do vậy, nhu cầu huy động các nhà máy điện nói chung và các NMNĐ than nói riêng cũng phải điều chỉnh giảm trong các tháng cuối năm. Trong đó, các NMNĐ than sử dụng than nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều hơn các nhà máy sử dụng than trong nước.
Tổng Giám đốc EVN khẳng định, bắt nguồn từ nhu cầu sử dụng điện giảm so với kế hoạch nên việc sử dụng than cũng giảm theo. Lũy kế đến tháng 11/2021, các nhà máy của EVN đã tiếp nhận 14,48 triệu tấn than do VINACOMIN cung cấp, bằng 80,04% so với tổng khối lượng hợp đồng năm 2021.
Dự kiến, đến hết năm 2021, tổng khối lượng than các nhà máy của EVN nhận từ VINACOMIN là 16,19 triệu tấn, đạt 88,69% tổng khối lượng hợp đồng năm 2021.
Nhiều NMNĐ than có tỷ lệ tiêu thụ than thấp so với hợp đồng đã ký như Quảng Ninh đạt 84,24%, Duyên Hải 1 đạt 77,56%, Phả Lại đạt 54,22%, Mông Dương 1 đạt 92,74%. Hầu hết các nhà máy không thực hiện được theo khối lượng hợp đồng đã ký do nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh dẫn đến huy động các nhà máy giảm từ tháng 7/2021 tới nay.
Đại diện EVN đánh giá, tình hình cung cấp than của VINACOMIN trong năm 2021 tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu vận hành của các NMNĐ của EVN.
Tuy nhiên, từ khi VÍNACOMIN cung cấp than trộn, chất lượng than thường không đồng đều (ảnh hưởng đến chế độ cháy ổn định của lò hơi, tăng suất hao nhiệt) và có nhiều chỉ tiêu kỹ thuật khác so với than cùng loại sản xuất trong nước và chưa hoàn toàn tương thích với dải thiết kế của nhà máy điện như độ ẩm, hydro (làm giảm hiệu suất lò hơi, tăng suất hao nhiệt),...
Đại diện VINACOMIN khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu, xử lý để đảm bảo nguồn than tốt nhất cho các nhà máy điện nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Nhiều kịch bản huy động điện cho năm 2022
Để đảm bảo than cho sản xuất điện năm 2022, các đơn vị của EVN đã triển khai đàm phán hợp đồng cung cấp than với VINACOMIN từ tháng 10/2021. Tổng khối lượng than dự kiến của các nhà máy ký với VINACOMIN là 18,08 triệu tấn, thấp hơn khối lượng theo hợp đồng dài hạn đã ký của các nhà máy 1,12 triệu tấn.
Cảng nhập than của một nhà máy nhiệt điện |
Đáng chú ý, để đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện được tốt nhất trong năm 2022, EVN đề xuất cùng với VINACOMIN bổ sung các điều khoản mang tính ràng buộc với các chỉ tiêu ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả vận hành tin cậy và kinh tế của các NMNĐ là hàm lượng Hydro, nhiệt độ nóng chảy xỉ, hàm lượng oxit sắt và chỉ số nghiền HGI.
Tổng Giám đốc EVN cũng khẳng định, do phụ tải năm 2022 rất khó dự báo, khả năng nhu cầu than các NMNĐ, đặc biệt là khu vực phía Nam sẽ có biến động lớn, nên cần có cơ chế linh hoạt, điều chuyển than giữa các nhà máy, hoặc mở rộng dải điều chỉnh khối lượng hợp để phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhà máy.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VINACOMIN Lê Minh Chuẩn cho rằng, trong thời gian qua 2 Tập đoàn đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, đặc biệt việc cung cấp than cho sản xuất điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng mua bán than đã được lãnh đạo 2 Tập đoàn kịp thời giải quyết.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá than trên thế giới tăng cao nên việc nhập khẩu than cũng gặp thách thức, vì vậy EVN cần sớm đưa ra kế hoạch cụ thể, chi tiết về nhu cầu than cho sản xuất điện để VINACOMIN xây dựng kế hoạch điều hành, tránh tình trạng tồn kho như năm 2021.
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN - cho biết, năm tới EVN sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiều kịch bản để điều hành đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, trong đó có kịch bản huy động nguồn nhiệt điện than.
EVN yêu cầu các đơn vị thuộc Tập đoàn sớm ký hợp đồng mua bán than với VINACOMIN để các đơn vị thuộc Tập đoàn này có kế hoạch cung cấp than cho điện, đồng thời sẵn sàng để hệ thống điện huy động cao nguồn điện vào đầu năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi.