Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn thành lập cuối năm 2006, có tốc độ tăng vốn điều lệ cực kỳ nhanh từ 10 tỷ đồng ban đầu lên 1200 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động! Ngày 17/12/2009, Công ty chính thức niêm yết 100 triệu cổ phiếu (CP) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã SQC. Từ lúc chào sàn đến nay, SQC dần dần lộ ra những điều không bình thường . Đỉnh điểm là Nhà máy sản xuất xỉ Titan ngừng hoạt động, nhưng đến khoảng 3 tháng sau các cơ quan chức năng, nhà đầu tư (NĐT) mới tự biết thông tin bất thường này...
Những hiện tượng lạ của SQC
Chỉ với 10 phiên giao dịch đầu tiên của mình, SQC tăng trần về giá khủng khiếp, từ 81.000 đồng lên 161.000 đồng/CP. Sau vài tháng trên sàn, SQC luôn trong tình trạng giá cao, chỉ số P/E (hệ số giữa giá giao dịch 1 CP với lợi nhuận) rất cao, nhưng tính thanh khoản và lợi nhuận thì quá thấp, nên tháng 3/2010, HNX đã quyết định đưa 88% CP của SQC ra khỏi diện tính chỉ số của sàn Hà Nội để giảm bớt sự bất hợp lý! Tiếp theo, một sự kiện “hấp dẫn” khác xảy ra từ tháng 6 năm nay, Nhà máy sản xuất xỉ Titan của SQC đã ngừng hoạt động, nhưng SQC không hề công bố thông tin (CBTT) bất thường này cho đến khi một vài cơ quan truyền thông lên tiếng, thì HNX mới có Thông báo số 918 ngày 4/10/2010 yêu cầu SQC giải trình. Khi bị phát hiện, đúng một ngày sau (5/10) HĐQT của SQC ra nghị quyết để xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc ngừng niêm yết CP.... Đồng thời SQC có công văn gửi UBCKNN và HNX xin tư vấn về việc có nên rút niêm yết khỏi sàn hay không và đưa ra lý do thuế xuất khẩu xỉ ti tan quá cao nên nhà máy của SQC phải tạm ngừng sản xuất vì sợ bị lỗ...
Nhà máy sản xuất Titan của Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn tạm ngừng hoạt động. Ảnh:H.P |
Những bức xúc, e ngại của NĐT, dư luận ngày càng tăng mạnh mẽ vì: Nhà máy tạm ngừng hoạt động, lãi quý I và II/2010 rất nhỏ, lợi nhuận 2 quý còn lại trong năm được dự báo âm. Trong 10 phiên giao dịch cuối tháng 9 vừa qua, SQC có lượng mua bán trung bình chưa đến 300 CP/phiên; Đặc biệt tính đến ngày 1/10 chỉ số P/E của CP này lên quá cao. Còn chỉ số EPS hết tháng 6/2010 xuống rất thấp (0,08). Tất cả những hiện tượng trên đều “chống lại” SQC, nhưng điều bất thường vẫn xuất hiện bởi CP này hiện nay vẫn cao nhất sàn Hà Nội (khoảng 90.000 đồng/CP).
SQC vi phạm như thế nào?
Thông tư 09/2010/TT–BTC của Bộ Tài chính ngày 15/1/2010, tại Điểm 2.1.3, Khoản 2, Mục IV quy định “khi có các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết” thì tổ chức (TC) niêm yết phải CBTT bất thường trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên SQC đã không thực hiện điều này!.
Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Quang Trung-Phó Tổng Giám đốc HNX cho biết: Sở Giao dịch chứng khoán chỉ quản lý nghĩa vụ của doanh nghiệp(DN) niêm yết như báo cáo định kỳ, CBTT cho NĐT phải chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, cũng như có những thông tin bất thường thì phải công bố ngay... Trong vai trò giám sát của mình, chúng tôi tôn trọng tính tự giác, kỷ luật của các TC niêm yết. Đơn vị nào không tự giác, khi phát hiện được chúng tôi yêu cầu giải trình ngay. Cụ thể là ngày 4/10 HNX đã yêu cầu SQC giải trình về thông tin đóng cửa nhà máy. Ông Trung còn “giải thích” thay cho SQC là “theo đánh giá sơ bộ ban đầu của tôi, việc không CBTT là do vô tình và sự thiếu hiểu biết của SQC”!? Cũng theo ông Trung, có thể xem SQC là hiện tượng bất thường, hình ảnh của SQC trên sàn là không tốt, bản thân luật chứng khoán không hình dung hết tất cả các trường hợp như vậy...
Bình luận về CP SQC, lãnh đạo một công ty có CP niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) cho chính kiến: “Nếu DN nào cũng học theo cách của SQC để nổi tiếng và làm giàu trên sàn chứng khoán thì ai cũng làm được thôi! Mặt khác, DN niêm yết cần phải biết tôn trọng NĐT và tôn trọng thị trường, nếu không thì TTCK Việt Nam sẽ luôn bị méo mó và ảm đạm.
Vì TTCK có lành mạnh, trong sạch thì mới thu hút nguồn vốn lớn từ các NĐT trong và ngoài nước”. Còn ông Mai Văn Anh-Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ 19-8 ở Hà Nội (chuyên đầu tư lớn vào TTCK) phát biểu rằng:“Tôi thấy SQC có những thông tin rất xấu, không minh bạch. Động thái không CBTT là vi phạm, xem thường NĐT, làm cho NĐT có thể có những quyết định sai lầm. Chúng tôi dứt khoát không mua bán những CP như vậy. UBCKNN cần có biện pháp kiểm soát, chế tài chặt chẽ, nặng tay đối với trường hợp SQC và NĐT trước tiên hãy biết tự bảo vệ mình”.
Câu chuyện SQC đang được HNX yêu cầu giải trình lại. Sau đó HNX sẽ báo cáo lên UBCKNN xem xét giải quyết. Kết quả việc xử lý như thế nào, CP SQC có tiếp tục niêm yết hay không, còn chờ câu trả lời ở phía trước. Trong trường hợp SQC tạm ngừng niêm yết , danh sách 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam vào cuối năm nay chắc chắn sẽ có sự thay đổi.
Trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam xoay quanh tình hình CP SQC khi gặp gỡ báo chí vào cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Liên Hoa-Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: SQC vi phạm rõ ràng rồi, chờ SQC giải trình, làm việc với HNX, xem mức độ vi phạm thế nào thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Thực ra mà nói chẳng cần sự việc cụ thể nào cả, chỉ cần có những thông tin không tốt đẹp về mọi việc thì chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của NĐT, ảnh hưởng TTCK nước ta. Tôi mong tất cả các TC niêm yết phải minh bạch hơn, phải chấp hành tốt pháp luật thì NĐT mới tin tưởng, làm cho thị trường phát triển tốt. Bên cạnh đó, khung pháp luật cần được thường xuyên hoàn thiện để thích ứng với tình hình thực tế...
Lê Minh Hùng