Bên cạnh Tết cổ truyền thì còn ba cái Tết quan trọng trong năm là: Tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng), Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười). Hai cái tết Thượng Nguyên và Trung Nguyên nhiều người tuy không biết tên nhưng vẫn thường làm lễ cúng. Riêng Tết Hạ Nguyên thì ít người để ý. Kỳ thực, với đồng bào thiểu số, nhất là vùng núi phía Bắc, lại là một cái Tết to, giống như Tết cổ truyền của người Kinh vậy.
Người Việt xưa vốn nền văn hóa lúa nước, ảnh hưởng khá nhiều của tín ngưỡng Trung Hoa. Vụ Năm gặt lúa giữa hè, Vụ Mười thì gặp lúa đầu đông. Sau khi thóc đã đầy bồ, thì đó cũng là lúc người dân tổ chức Lễ cúng Tết Cơm Mới. Trước hết là cúng Thần Nông, vị thần ban mưa thuận gió hòa cho mùa màng tươi tốt. Sau nữa là cúng Thần Linh và Tổ Tông để tạ nghĩa phù trì.
Theo Đạo Giáo, nhân dịp này, Thiên Đình cũng cử Tam Thanh là ba vị trọng thánh xuống tuần sát thế gian, về báo cáo lại Ngọc Hoàng để ban phúc giáng họa. Rằm tháng Mười cũng là ngày thắng hội để Thủy Quan Đại Đế giải ách cho nhân gian.
Vì thế, người xưa coi dịp Rằm Tháng Mười là một lễ lớn, có thể kéo dài cả tuần lễ. Những trò chơi dân gian, những bộ quần áo mới được thi triển như một đại hội mừng công, mừng mùa màng thắng lợi. Trong đợt này, từ cỏ cây muông thú đến ma quỷ chúng sinh cũng mừng vui hóng đợi sự cúng thí của con người. Bởi vậy, nếu biết đem cái thành quả lao động, trước là để hiếu kính cao xanh, tiền nhân liệt tổ, sau là chia ngọt sẻ bùi với vạn vật quần sinh thì phúc nhà càng đặng.
Nhân dịp rằm tháng Mười này, chuyên gia Phong Thủy Nguyễn Hoàng cho rằng, gia chủ muốn được bình an, thịnh vượng thì nên chuẩn bị ba lễ cúng:
– Một lễ cúng Trời Đất, Thần Linh, Thành Hoàng Bản Cảnh, Tổ Tiên: Lễ vật tùy tâm nhưng nên có hoa tươi, quả ngọt, đèn nến, cơm gạo mới; nội dung tạ ơn và xin giải tai ách.
– Một lễ cúng Thần Tài: Lễ vật tùy tâm nhưng nên có hoa tươi, quả ngọt, heo quay và cơm gạo mới; nội dung tạ ơn và xin tiếp thêm tài lộc.
– Một lễ cúng thập loại chúng sinh: Lễ vật tùy tâm nhưng nên có nhiều hoa tươi, quả tốt, nhiều gạo mới, muối mới, cháo mới; nội dung chia lộc nhân gian.
Thời gian tốt nhất là: 9-10 giờ sáng hoặc 5-6 giờ chiều.
Cơm, cháo, gạo, muối khi cúng thì thần tiên và chúng sinh đã thọ hưởng rồi nên gia chủ không cần phải rắc rải ra đường mà nên giữ lại để sử dụng để tránh lãng phí. Trước ngày cúng nên đến các điểm thờ tự Thần Linh và Thành Hoàng Bản Xứ để mời họ về dự lễ. Nếu làm được đầy đủ ba lễ nghi trên, gia chủ sẽ có cải thiện tích cực trong cuộc sống, nhất là những tháng cuối năm.