Theo AFP, số ca mắc mới COVID-19 trung bình hàng ngày trong 7 ngày tính đến ngày 13/9 tại Mỹ là 172.000 ca. Đây là mức tăng trung bình cao nhất trong đợt bùng phát dịch hiện nay tại nước này. Mỗi ngày, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ vẫn ở mức hơn 1.800 người và hơn 100.000 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện vì bị mắc COVID-19 nghiêm trọng. Thực tế này đặt ra thách thức cho chính quyền Mỹ trong việc tiêm chủng đầy đủ cho người dân trong bối cảnh có nhiều thông tin sai lệch và ảnh hưởng của các khuynh hướng chính trị.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng các ca bệnh mới hàng ngày tại Mỹ đang chậm lại và số ca bệnh mới được ghi nhận đang giảm ở hầu hết các bang của nước này. Bà Bhakti Hansoti - Phó giáo sư về y học cấp cứu tại Đại học John Hopkins và là một chuyên gia về chăm sóc sức khỏe đối với các trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng – cho rằng, theo quan sát của bà, dịch bệnh tại Mỹ đang đi theo quỹ đạo như Ấn Độ. Các nước ở khu vực tây Âu cũng đã chứng kiến sự sụt giảm tương tự trong các đợt bùng phát dịch vừa qua.
Dù lạc quan về khả năng đợt bùng phát dịch hiện nay tại Mỹ sẽ sớm kết thúc, bà Hansoti tỏ ra lo ngại về diễn biến dịch bệnh thời gian tới. Theo bà, sự xuất hiện có thể có của các biến thể mới, đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 cộng với việc các sự kiện dự kiến sẽ được tổ chức trong các không gian kín nhiều hơn do thời tiết lạnh hơn trong thời gian tới có thể dẫn đến sự phục hồi số ca mắc mới COVID-19 “trừ khi chúng ta học được từ các bài học của làn sóng dịch bệnh thứ tư”.
Ngược lại, bà Angela Rasmussen - một nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada – lại hoài nghi về khả năng đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư tại Mỹ đã kết thúc. “Nếu nhìn vào làn sóng dịch bệnh đợt Thu-Đông, quý vị sẽ thấy là có những giai đoạn số ca bệnh gia tăng theo cấp số nhân, sau đó dường như đang giảm rồi lại có một đợt tăng khác”, bà nói. Để duy trì được các kết quả phòng, chống dịch hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc tăng nhanh số lượng những người được tiêm chủng là vô cùng quan trọng.
Tính đến nay, 63,1% dân số trên 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 54% tổng dân số của nước này. Tuy nhiên, Mỹ hiện vẫn xếp sau các nước có tỷ lệ người dân tiêm phòng cao như Bồ Đào Nha và UAE (81% và 79% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ). Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã công bố một số biện pháp mới nhằm tăng cường chiến dịch tiêm chủng, bao gồm các yêu cầu mới về vaccine đối với các công ty có trên 100 nhân viên. Song, tác động của các biện pháp này vẫn chưa được thể hiện rõ ràng.
Ngoài tiêm chủng, các chuyên gia cho rằng, cần áp dụng các biện pháp can thiệp khác. Theo ông Thomas Tsai - bác sĩ phẫu thuật và là nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Harvard - cho rằng, cùng với quy định về đeo khẩu trang tại các điểm nóng dịch bệnh, Mỹ cũng nên xem xét áp dụng việc xét nghiệm nhanh trên quy mô lớn tại các trường học và doanh nghiệp đang được một số nước triển khai. Tại Mỹ, chi phí cho thiết bị xét nghiệm nhanh như vậy vẫn ở mức cao bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm giảm chi phí thông qua thỏa thuận với các nhà bán lẻ.
Các chuyên gia hy vọng rằng vaccine sẽ tiếp tục giúp giảm thiểu những diễn tiến tồi tệ nhất do dịch bệnh COVID-19 đối với hầu hết mọi người. Họ cũng khuyến nghị cho phép sử dụng vaccine ở trẻ em dưới 12 tuổi trong những tháng tới. Các chuyên gia cũng cho rằng, thay vì tiêu diệt tận gốc virus, mục tiêu đối phó với dịch bệnh đã chuyển sang việc thuần hóa virus ở những người được tiêm chủng. Như vậy, trong một số trường hợp hiếm hoi nhiễm các dạng đột biến của virus, người bệnh cũng sẽ chỉ có các triệu chứng giống bị cúm. Ông Greg Poland - một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic - dự đoán nhân loại vẫn sẽ phải đối phó với Covid trong nhiều thế hệ tiếp theo. “Chúng ta vẫn đang tiếp tục chủng ngừa để chống lại các dạng của virus cúm năm 1918”, ông ví dụ.
Quân đội Mỹ vừa chính thức yêu cầu tất cả các quân nhân đang tại ngũ phải được tiêm phòng COVID-19 trước ngày 15/12/2021 và tất cả các quân nhân dự bị và vệ binh quốc gia phải được tiêm phòng trước ngày 20/6/2022. Trung tướng R. Scott Dingle – bác sỹ của quân đội Mỹ - trong một phát biểu nhấn mạnh “đây thực sự là một vấn đề sinh tử đối với những người lính Mỹ, gia đình họ và cộng đồng”. “Số trường hợp mắc bệnh và số ca tử vong tiếp tục gây lo ngại khi biến thể Delta lan rộng, điều này làm cho việc bảo vệ lực lượng thông qua tiêm chủng bắt buộc trở thành ưu tiên nhằm đảm bảo sức khỏe và sự sẵn sàng cho toàn quân”, ông Dingle nói.
Theo tuyên bố của quân đội Mỹ, những người không tuân thủ có thể phải đối mặt với “đình chỉ làm nhiệm vụ và cho xuất ngũ”. Như vậy, tất cả quân nhân tại ngũ của 4 quân chủng của Mỹ được yêu cầu phải tiêm chủng trước cuối năm nay. Trước đó, lực lượng Không quân Mỹ cũng cho biết các quân nhân tại ngũ sẽ phải tiêm chủng trước ngày 2/11/2021. Quân nhân của lực lượng dự bị và vệ binh quốc gia có hạn chót để hoàn thành việc tiêm chủng là ngày 2/12/2021. Lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã đặt thời hạn để các thành viên đang tại ngũ tiêm phòng đầy đủ trước ngày 28/11/2021 còn thời hạn với các thành viên dự bị là ngày 28/12/2021.