Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất và giữ vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số vẫn là con người. Nguồn nhân lực có chất lượng cao chính là “chìa khóa” tạo nên thành công của chuyển đổi số. Trong cơ quan báo chí, từ cấp bậc lãnh đạo, quản lý cấp cao tới đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên… đều là những nhân tố quan trọng góp phần giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả.
“Con người chứ không phải là công nghệ”
Mới đây, tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”, các ý kiến và tham luận gửi tới Hội thảo đã chỉ rõ những thách thức, vấn đề đặt ra đối với nhân lực báo chí và công tác đào tạo báo chí hiện nay; đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm đào tạo sinh viên báo chí - truyền thông đáp ứng yêu cầu mới.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là nói đến con người chứ không đơn giản chỉ là nói đến công nghệ. Chuyển đổi số, trước hết phải nghĩ đến yếu tố con người. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó. Con người là yếu tố quan trọng nhất và cần phải đầu tư một cách có chọn lọc những người có khả năng thích nghi với những kỹ năng, ham học hỏi và linh hoạt. Còn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhiều lần nhấn mạnh, câu chuyện chính của Cách mạng công nghệ 4.0, của chuyển đổi số là có muốn hay không, có dám hay không, chứ không phải có khả năng hay không. Trước hết, phải bắt đầu từ nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu trong việc dẫn dắt chuyển đổi số.
PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 1995, Đại học Columbia (New York, Hoa Kỳ) thành lập Trung tâm Báo chí số - một trong những trung tâm nghiên cứu và đào tạo báo chí số đầu tiên trên thế giới. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Báo chí Pew, vào năm 2020 có khoảng 71% nhà báo ở Hoa Kỳ đã tham gia các khóa đào tạo về báo chí số trong 5 năm qua. Còn theo thống kê của Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc (KJA) năm 2019, có khoảng 65% nhà báo ở Hàn Quốc đã tham gia các khóa đào tạo về báo chí số trong 3 năm qua.
Ở nước ta, năm 2003, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh chuyên ngành báo mạng điện tử, là nơi đào tạo loại hình báo chí này sớm nhất ở Việt Nam. Đến tháng 8/2018, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh lần đầu tiên ngành Truyền thông đa phương tiện, chương trình đào tạo nhấn mạnh báo chí truyền thông số với cấu trúc nội dung số + công nghệ số + mỹ thuật số. Cho tới nay, một số chương trình đào tạo báo chí số được cho là cập nhật và đổi mới mạnh nhất trong nước là chương trình Báo mạng điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; và Truyền thông đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít bất cập, đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực báo chí số và năng lực cập nhật, đổi mới để đáp ứng của các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay. Hầu hết các chương trình đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của thị trường lao động của lĩnh vực này. Cùng với đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo hầu hết còn thiếu thốn và hạn chế.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long nhận định, chuyển đổi số không phải là chuyện đầu tư lớn và tốn kém cho các hệ thống công nghệ, điều quan trọng nhất là thay đổi về tư duy từ người lãnh đạo cao nhất cho đến những quản lý cấp trung và xuống đến từng cán bộ, nhân viên. Để chuyển đổi số thành công, các cơ quan báo chí cần hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng là: công nghệ, các nguồn lực và con người. Ngoài công nghệ và các nguồn lực, yếu tố con người mà trực tiếp là các nhà quản lý của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, trước hết là tư duy, nhận thức và năng lực thích ứng. Cũng theo ông Huỳnh Tấn Phát, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số báo chí cần được coi là trọng tâm và cấp thiết quyết định sự thành công trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Đào tạo báo chí theo mô hình “đưa tòa soạn đến giảng đường”, gắn đào tạo với thực tiễn báo chí đang là hướng đi đúng đắn.
Cần kết hợp hài hòa giữa “học” và “hành”
Cho rằng “chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định thành công hay chưa thành công việc chuyển đổi số”, Đại tá Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết, để chuyển đổi số thành công, không chỉ cần đội ngũ phóng viên, biên tập viên có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi mà còn cần hiểu biết về công nghệ mới. Thực tế hiện nay, chưa có nhiều người trong đội ngũ phóng viên, biên tập viên có khả năng biến dữ liệu khô khan thành các sản phẩm đồ họa động, đồ họa tương tác, megastory hấp dẫn bạn đọc trên nền tảng đa phương tiện.
“Nguồn nhân lực là một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí - truyền thông của Việt Nam còn chậm; một số cơ quan báo chí, truyền thông mới bắt đầu ở giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp... Nguyên nhân chính là do các cơ sở đào tạo báo chí chưa có sự kết hợp hài hòa giữa “học” và “hành” trong việc thích ứng với chuyển đổi số” - Đại tá Đỗ Phú Thọ nhận xét.
Bởi vậy, theo Nhà báo Đỗ Phú Thọ, cần kết hợp “học” với “hành” trong đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên thích ứng với chuyển đổi số. Phải tuyển chọn sinh viên đào tạo ngành báo chí có năng khiếu báo chí. Nghề báo có rất nhiều nét đặc thù, nếu không có năng khiếu báo chí thì không thể trở thành nhà báo giỏi. Thực tế có sinh viên học rất giỏi nhưng sau khi ra trường lại không trụ lại ở nghề báo. Cùng với đó, trong đào tạo báo chí truyền thông, phải gắn chặt giữa các lý luận nền tảng với thực hành nghề nghiệp và công nghệ đa phương tiện. Nhiệm vụ chung của các cơ sở đào tạo báo chí là phải tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả 3 yếu tố là phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện, chuyên nghiệp.
Đối với giáo viên, phải luân chuyển cán bộ giảng viên đi thực tế tại các cơ quan báo chí để tăng tính thực tiễn khi giảng dạy cho học viên, sinh viên thích ứng với chuyển đổi số. Đây là giải pháp mang tính đột phá của các cơ sở đào tạo. Bởi thực tế ở các cơ sở đào tạo báo chí hiện nay, nhiều giảng viên chuyên ngành báo chí nhưng lại chưa qua thực tế làm nghiệp vụ báo chí, dẫn đến tình trạng “thầy nào, trò ấy” chỉ thiên về lý thuyết.
PGS. TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Muốn đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao theo kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhanh nhạy với xu thế thời đại, ta cần khung chương trình chuẩn - tức khung chương trình đáp ứng được yêu cầu về kiến thức nền tảng, bám sát xu hướng của báo chí, truyền thông đương đại, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng Việt Nam. Để xây dựng được khung chương trình toàn diện như vậy, cần có sự tham gia của cả các chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý các cơ quan báo chí.