Chuyện dài… sử dụng súng ở Mỹ và Thái Lan

Khu phố đêm Khao San nổi tiếng ở Băng Cốc là nơi xảy ra nhiều vụ bắn súng
Khu phố đêm Khao San nổi tiếng ở Băng Cốc là nơi xảy ra nhiều vụ bắn súng
(PLVN) - Việc Mỹ không cấm người dân sử dụng súng, hay việc công dân Thái Lan có thể mua súng dễ dàng có thể là điều khó tưởng tượng đối với nhiều nước cấm người dân “tàng trữ vũ khí trái phép”. Mặc dù, hai nước này đều có lý do riêng khi đưa ra những quy định này song không cấm sử dụng súng có giải quyết được tận gốc của tội ác? 

Cấm sử dụng súng – tranh cãi không có hồi kết

Mặc dù người Mỹ được trao quyền tự do sở hữu súng, nhưng không phải ai cũng có hứng thú với quyền được cầm súng. Theo một cuộc điều tra tại Mỹ, lượng người Mỹ thật sự sở hữu súng chiếm chưa được một nửa dân số, khoảng 30%. Ngoài ra, chỉ có 36% người cho biết sẽ sở hữu súng trong tương lai, 57% dân số sống trong gia đình không sở hữu súng.

Đối với người Mỹ, dù có sở hữu súng hay không thì họ rất coi trọng trách nhiệm đối với việc sở hữu súng. Ví dụ 95% người sở hữu súng và 89% người không sở hữu súng đều sẽ “thảo luận với phụ nữ về an toàn khi dùng súng”, hơn nửa số người sở hữu súng đều ủng hộ việc “khóa tất cả các loại súng để cất giữ cho an toàn” và “học các bài học về an toàn khi sở hữu súng”. 

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nước Mỹ liên tục có những vụ xả súng, gây rúng động dư luận thế giới. Có tài liệu cho thấy, dù các vụ bạo lực sử dụng súng ngày càng gia tăng, mỗi năm có đến hơn 30.000 người chết vì súng, nhưng số người dân ủng hộ sở hữu súng vẫn không phải là số ít.

Đặc biệt, năm 2016, khi cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama muốn áp dụng luật “kiểm soát súng”, thị trường mua bán súng lại trở nên nhộn nhịp hơn. Một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ không tin việc chính phủ kiểm soát súng thực sự xuất phát từ suy xét và lo lắng đối với an toàn của người dân. 

Từ nhiều cuộc tranh luận đã nảy sinh nhằm tìm ra nguyên nhân của những cuộc bạo lực súng cho thấy, phần lớn người Mỹ sở hữu súng hay không sở hữu súng đều nhất trí cho rằng đó là do “mức độ dễ dàng sở hữu súng một cách phi pháp”; tức là người Mỹ không cho rằng các vụ xả súng là hành động của người dân địa phương có sở hữu súng hợp pháp, mà rất có thể là hành vi cố ý của kẻ ác hay phần tử bạo lực có được súng bằng các cách phi pháp. 

Để lý giải quyền được cầm súng, người Mỹ giải thích như sau: Người dân công nhận và trao quyền cho chính phủ quản lý xã hội, vì mục đích bảo vệ quyền được sống, quyền tài sản và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân. Tuy nhiên, khi chính phủ đi ngược lại những điều này thì người dân có quyền và cũng có nghĩa vụ phải thay đổi và phế bỏ chính phủ đó.

Do đó, khi viết bản nháp Hiến pháp Mỹ, Tổng thống Thomas Jefferson cho rằng chỉ khi người dân có quyền cầm súng thì mới có thể đưa điều này vào thực tiễn. Điều này ăn sâu vào nhận thức của người Mỹ. Họ quyết không thỏa hiệp với bất cứ chính sách nào của chính phủ có khả năng uy hiếp tới quyền lợi dân chủ, tự do mà Hiến pháp đã trao cho họ.

Cụ thể, Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ khẳng định “người dân có quyền tự do trong việc lật đổ chính quyền bạo ngược”, mà thậm chí còn chỉ thẳng “khi chính phủ dùng súng chĩa vào người dân thì người dân có thể dùng súng để lật đổ chính phủ”. Theo đó, tại Điều bổ sung sửa đổi thứ 2 của Hiến pháp Mỹ có đề cập đến việc “đảm bảo quyền được sở hữu và mang theo vũ khí của người dân”.

Quy định này thoạt nghe như việc “lấy bạo lực trị bạo lực”; nhưng ở một góc độ khác người Mỹ cho rằng đây là quyền tự vệ chính đáng. Cụ thể, khi chính phủ kiểm soát súng nghiêm khắc hơn là việc “trao quyền cho chính phủ lớn hơn quá nhiều so với người dân” và “người dân sẽ khó có thể bảo vệ bản thân và gia đình mình”. 

Người sở hữu súng phải để trong két an toàn khóa bằng mã số
Người sở hữu súng phải để trong két an toàn khóa bằng mã số

Tuy nhiên, khi nước Mỹ đang ngày càng chia cắt bởi những luồng ý kiến trái chiều; những vụ xả súng vẫn không có chiều hướng suy giảm khiến người dân hoang mang. Trong khi đó, những cuộc tranh luận về “quyền được cầm súng” hay “kiểm soát súng” hay “cấm súng” vẫn chưa bao giờ có một sự đồng thuận cuối cùng. Luật pháp nước này cho rằng, chỉ khi “sở hữu súng bất hợp pháp” mới là nguyên do của tội ác, bị khép vào tội hình sự. Nhưng một khi tội ác thực sự xảy ra thì tổn thất đã quá lớn, không thể vãn hồi được nữa.

Mặt đen tối của đất nước nụ cười Thái Lan

Thái Lan được biết đến rộng rãi là xứ sở của nụ cười, nhưng đồng thời cũng là đất nước có quan điểm khác biệt về súng. “Đôi khi chúng ta gặp phải xung đột và súng dường như là câu trả lời. Những khẩu súng làm cho mọi người bình đẳng”, đó là nhận định của đại tá cảnh sát Naras Savestanan, Vụ trưởng Vụ Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan trước dư luận thế giới. 

Luật sở hữu súng được giới thiệu tại đất nước này vào năm 1947. Người Thái Lan cũng giống người Mỹ, tin rằng tự vệ là lý do chính đáng để công dân “trưởng thành” sở hữu vũ khí, đặc biệt là khi họ “không thể luôn dựa vào sự bảo vệ của nhà nước”.

Thể hiện rõ nhất là  trên những khu phố ở Wang Burapha – một quận cũ ở trung tâm Băng Cốc, là hàng chục cửa hàng trưng bày và buôn bán các loại vũ khí hiện đại mà không phải bí mật hay che đậy, trong đó có một số cơ sở nổi tiếng với lịch sử làm thợ sửa súng và đã hoạt động trong nhiều thập kỷ. 

Sau nhiều thảm kịch xả súng ở Mỹ, quan điểm về quyền sử dụng súng ngày càng phân cực rõ rệt
Sau nhiều thảm kịch xả súng ở Mỹ, quan điểm về quyền sử dụng súng ngày càng phân cực rõ rệt

Từng có một cuộc khảo sát không chính thống ở Thái Lan cho biết trung bình cứ 10 người Thái sẽ có một người sở hữu súng cầm tay. Sở dĩ cuộc khảo sát này không chính thống vì chính bản thân chính phủ Thái Lan cũng không thể thống kê số lượng súng hợp pháp một cách đầy đủ và đáng tin cậy. Nguyên do là bởi trong luật pháp nước này về cấp giấy phép sử dụng súng chưa thực sự chặt chẽ.

Một công dân không có tiền án chỉ cần xuất trình giấy tờ từ văn phòng cấp quận/huyện, giấy chứng minh tài khoản ngân hàng và thư của chủ lao động. Quá trình này thường mất một vài tuần để hoàn thành và một số khẩu súng trường rẻ nhất ở Wang Burapha có thể được mua với giá 1.300 USD (gần 30 triệu VND). Trong khi giá cao hơn nhiều so với ở Mỹ, điều này hoàn toàn nằm trong tầm với của một công dân bình thường ở Thái. 

Cần nhấn mạnh rằng, đằng sau hình ảnh thân thiện được quảng bá rộng rãi của đất nước Thái Lan là vấn nạn sử dụng vũ khí nhức nhối trong xã hội. Mua vũ khí bất hợp pháp, dường như là nguồn gốc của hầu hết tội ác. Theo Channel News Asia, một giao dịch có thể được sắp xếp trong vòng một hoặc hai ngày qua chợ đen.

Hàng triệu vũ khí sát thương đang tồn tại trên toàn quốc và nhiều trong số đó là phi pháp, chưa đăng ký. Một phần do, việc mua bán súng tự chế nở rộ trên khắp đất nước, đặc biệt là bởi các nhóm tội phạm có tổ chức.

Dù đất nước này lại không có các vụ xả súng hàng loạt như ở Mỹ; năm 2016, nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy Thái Lan có hơn 3.000 vụ giết người bằng vũ khí với tỷ lệ 4,45 người chết trên 100.000 dân. Tỷ lệ này cao hơn so với Mỹ; đứng thứ 2 chỉ sau Philippines trong khu vực; gần gấp 8 lần so với Malaysia và nếu không tính những trường hợp tử vong vì xung đột vũ trang; Thái Lan còn vượt lên cả Iraq, một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới.

Hầu hết vụ giết người ở Thái Lan được quy vào các yếu tố hình sự, hoạt động băng đảng hoặc xung đột do cảm thấy mất mặt hoặc bất bình cá nhân. Hơn 30.000 người đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Thái Lan vì các tội liên quan đến súng.

Những vụ xả súng thảm khốc nhất diễn ra ở các trường học
Những vụ xả súng thảm khốc nhất diễn ra ở các trường học

Tỷ lệ bạo lực cao, chính quyền Thái Lan vẫn không có bức tranh rõ ràng về việc có bao nhiêu khẩu súng trên đường phố. Nhưng kỳ lạ hơn, hiếm có ai vận động để cấm sở hữu súng tại Thái Lan và những người tự trang bị vũ khí cho mình trong khuôn khổ pháp luật muốn bảo vệ quyền của họ với sự mạnh mẽ và lập luận như những người bảo vệ quyền sở hữu súng ở Mỹ.

Điều này đang dần dần dẫn tới một sự chia cắt trong quan điểm về quyền sử dụng súng của đất nước này. Như nhận định của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Kasit Pirom: “Chúng ta có quá nhiều vụ giết người. Đáng lo ngại, nó có vẻ rất phổ biến, trở thành một loại tiêu chuẩn trong xã hội Thái Lan và trong bối cảnh là một quốc gia Phật giáo, rất nhiều truyền thống Phật giáo, rất nhiều tổ chức tôn giáo đều nói về hòa bình và cùng chung sống. Theo nghĩa đó, tôi nghĩ chúng ta nên làm gì đó để kiểm soát súng ống. Chúng ta có luật, nhưng cũng có những điểm yếu về thực thi”. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.