Trong tháng 5/2018, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ròng mạnh trong một số phiên như các phiên 21/5 (436 tỷ đồng), 22/5 (596 tỷ đồng), 25/5 (508 tỷ đồng). Tính đến ngày 25/5, giá trị bán ròng của NĐTNN đạt 5.332 tỷ đồng trên cả hai sàn. Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng ở mức độ tương đối cao, đạt 615 triệu USD trong tháng 4 và 809 triệu USD trong tháng 5/2018. Giá trị vốn ngoại chảy vào ròng lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/5/2018 đạt gần 2,35 tỷ USD (bằng 80% mức vào ròng của cả năm 2017) và cao hơn nhiều so với mức vào ròng năm 2016 (1,28 tỷ USD).
Theo UBCKNN, diễn biến này cho thấy NĐTNN vẫn đánh giá cao khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn của thị trường Việt Nam, sẵn sàng giải ngân ở thời điểm phù hợp.
Trên TTCKPS: Gần đây, HĐTL chỉ số VN30 đáo hạn tháng 6 và 7 được giao dịch quanh mức chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở. Điều này cho thấy nhà đầu tư chưa có đánh giá rõ ràng về diễn biến chỉ số VN30 trong ngắn hạn.
Dư nợ giao dịch ký quỹ vẫn tăng từ đầu năm, nhưng từ cuối tháng 4 bắt đầu có xu hướng giảm và vẫn trong kiểm soát. Tại ngày 18/5/2018 dư nợ giao dịch ký quỹ là 42.988 tỷ đồng, giảm 11,5% so với ngày 20/4/2018 nhưng vẫn tăng 11,4% so với cuối năm 2017.
Dòng tiền tài trợ từ hệ thống ngân hàng cho hoạt động chứng khoán có xu hướng giảm từ cuối tháng 4/2018. Tại ngày 18/5/2018 tổng giá trị tài trợ từ ngân hàng là 68.821 tỷ đồng, giảm 4,7% so với ngày 20/4/2018.
Tình hình huy động vốn qua TTCK: tính đến hết tháng 4/2018, huy động qua phát hành chứng khoán trên thị trường ước đạt 6.000 tỷ đồng, hoạt động đấu giá cổ phần hóa qua 2 Sở SGDCK đạt hơn 26,2 nghìn tỷ đồng với nhiều đợt đấu giá lớn (tính đến ngày 15/5).
Lý giải về sự giảm điểm của VN-Index, UBCKNN cho rằng, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh trong một thời gian dài. VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong Quý I/2018 nên nhiều nhà đầu tư có tâm lý chốt lời. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, TTCK thế giới điều chỉnh giảm, nên tác động cộng hưởng càng lớn.
Theo đánh giá của UBCKNN, ở mặt bằng giá hiện tại, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam khoảng 17 lần, là mức thấp so với nhiều TTCK quốc tế
"Trong thời gian tới, UBCKNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến dòng vốn ngoại trên TTCK, có giải pháp tiếp tục khuyến khích dòng vốn chuyên nghiệp, vốn trung và dài hạn, hạn chế dòng vốn ngắn hạn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các mặt hoạt động của TTCK nói chung, để quản lý thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả...“- Đại diện UBCKNN cho hay.
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Chính phủ. UBCKNN đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi). Dự luật mới sẽ hướng tới việc giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khơi thông cơ chế tái cấu trúc và xử lý công ty chứng khoán hoạt động kém hiệu quả; tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa ra thị trường.