Kể từ 22h ngày 9/5, giá bán lẻ xăng A92 giảm 500 đồng xuống còn 23.300 đồng một lít trong khi dầu diesel cũng giảm 300 đồng. Thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 0% lên 3%. Giá dầu hỏa và dầu mazut vẫn giữ nguyên, lần lượt ở mức 21.400 đồng và 19.200 đồng một lít…
Ảnh minh họa |
Hai tăng, một giảm
Bộ Tài chính cũng tăng 2% thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng và dầu diezen, giữ nguyên giá bán đối với các mặt hàng dầu hỏa, mazut và tăng thuế nhập khẩu lên 3% đối với hai mặt hàng này. Đồng thời, giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế 300 đồng/lít, kg như quy định hiện hành.
Cơ sở giảm giá giá bán hiện hành của mặt hàng nói trên, theo Bộ Tài chính là giá xăng dầu thành phẩm 30 ngày gần đây so với 30 ngày trước đó giảm từ 2,78% đến 4,69%. Ngày 9/5, ngày Bộ này đưa ra quyết định, giá dầu thô trên thị trường New York đã giảm từ mức gần 103 USD một thùng về hơn 96 USD một thùng.
Phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho rằng, giá bán buôn mặt hàng xăng A92 tại thị trường Singapore cũng giảm về mức 121,6 USD một thùng trong ngày 9/5, so với con số hơn 128,1 USD một thùng vào ngày 20/4.
Thật ra, nhìn vào xu hướng giá xăng dầu quốc tế, trước khi Bộ Tài chính đưa ra quyết định chính thức, nhiều người đã nhìn thấy một kịch bản giảm giá sẽ xẩy ra. Con số giảm 500 đồng một lít thậm chí cũng đã được lan truyền, bề ngoài như là một thông tin “rò rỉ”, nhưng thực chất, bằng kinh nghiệm theo dõi diễn biến giá xăng ở Việt Nam, đó cũng là một con số được báo trước.
Đây là lần giảm giá xăng đầu tiên kể từ đầu năm. Trước đó, giá mặt hàng này đã được điều chỉnh tăng 2 lần vào các ngày 7/3 và 20/4 với tổng mức tăng lên tới 3.000 đồng một lít. Trong khi đó, năm 2011, thị trường xăng dầu trong nước cũng trải qua hai lần tăng giá vào tháng 2 và 3, trước khi giảm nhẹ 500 đồng vào tháng 4.
Giảm vì… tâm lý
Nhìn nhận về góc độ kinh tế của lần giảm giá xăng đầu tiên của năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng DN vẫn còn lãi gần cả nghìn đồng mỗi lít trước khi mặt hàng này được điều chỉnh giảm.
Giảm giá xăng, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa mấy “an tâm” với cách điều chỉnh như vừa qua. Ghi nhận của PLVN tại một số cây xăng cho biết, hầu hết khách hàng đều tỏ ra “thờ ơ” với mức công bố giảm giá tối 9/5. Theo khách hàng Nguyễn Hương Vân, “chưa hết quý II nhưng xăng dầu đã có ba lần điều chỉnh giá, trong đó hai lần tăng và một lần giảm. Trong khi hai lần tăng giá trước đây quá cao thì lần giảm giá này là quá thấp”.
Các nhà chuyên môn cũng cho rằng, khi hai đợt tăng giá mới đây lên đến 3000 đồng/lít, việc giá xăng giảm 500 đồng/lít hôm 9/5 về mặt kinh tế không có tác động nhiều, nên lần giảm giá này mang hiệu ứng tâm lý là chính.
Theo một chuyên gia, việc điều chỉnh giá xăng dầu cần quan tâm hơn đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, dù có giảm thu ngân sách nhà nước nhưng cái được sẽ là tăng niềm tin cho thị trường. “Đó là điều cần làm hơn trong bối cảnh hiện nay”, ông này cho biết.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, dẫu sao “hiệu ứng tâm lý” của động thái giảm giá xăng cũng là điều tốt. Người tiêu dùng đang mong đợi ở cơ quan quản lý việc điều hành tăng, giảm linh hoạt như vậy. Theo ông Ánh, với lần điều chỉnh này, Bộ Tài chính vẫn để thuế suất nhập khẩu xăng 3% nên mức giảm chỉ “đứng” ở ngưỡng 500 đồng/lít. Ở góc độ người tiêu dùng, khách hàng vẫn kỳ vọng ở mức giảm cao hơn, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào sự cân đối của cơ quan quản lý.
Việt Hưng