Chưa có phép khai thác đá ở mỏ Khe Chuối (Bố Trạch, Quảng Bình), nhưng Cty TNHH Phát triển Lâm nghiệp Ba Tâm đã có trong tay “Chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy” cho kho vật liệu nổ công nghiệp tại mỏ này.
Ngày 23/6/2011, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định cấp mỏ (trái) nhưng ngày 7/12/2010, Cty Ba Tâm đã có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC” |
Biết sẽ có phép?
Theo phản ánh, ngày 23/6/2011, UBND tỉnh Quảng Bình mới chính thức ký Quyết định số 1453/QĐ-UBND cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng cho Cty TNHH Phát triển Lâm nghiệp Ba Tâm (gọi tắt: Cty Ba Tâm), nhưng trước đó - ngày 7/12/2010, cty này đã có trong tay tờ “Chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy” đối với “kho vật liệu nổ công nghiệp mỏ đá Khe Chuối”, do Công an tỉnh này ký, cấp.
Điều này có thể hiểu, doanh nghiệp trên đã biết trước việc mình chắc chắn sẽ có phép khai thác mỏ nên đã có hồ sơ gửi sang Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an tỉnh Quảng Bình để xin giải quyết thủ tục này, dù thời điểm đó, chưa có bất kỳ văn bản nào khẳng định chính thức mỏ đá Khe Chuối thuộc địa bàn xã Phú Định đã thuộc quyền khai thác của Cty Ba Tâm(?)
Cụ thể, trong hồ sơ cấp mỏ của doanh nghiệp này thể hiện: đầu tháng 10/2011, Sở Tài nguyên&Môi trường Quảng Bình phối hợp với UBND xã Phú Định (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) và Phòng Tài nguyên&Môi trường huyện này thực hiện việc thống kê, xác định diện tích hiện trạng đất, tọa độ các điểm trong khu vực mỏ; ngày 23/6/2011, UBND tỉnh Quảng Bình ký Quyết định cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng cho Cty Ba Tâm; đến ngày 20/12/2011, UBND tỉnh mới có Quyết định 3334/QĐ-UBND thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất tại xã Phú Định cho doanh nghiệp và đến ngày 2/2/2012, Sở Tài nguyên&Môi trường Quảng Bình chính thức ký Hợp đồng cho Cty Ba Tâm thuê đất để tiến hành khai thác đá và làm bãi chế biến tại đây…
Nói tóm lại, tất cả những văn bản pháp lý xác định tư cách chủ mỏ của Cty Ba Tâm tại khu vực Khe Chuối đều được xác lập sau thời điểm “Chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy” mà cơ quan Công an cấp cho kho chứa vật liệu nổ của doanh nghiệp từ 10-14 tháng.
“Thường thì, sau khi có Giấy phép khai thác khoáng sản mới tiến hành xin cấp phép một số hoạt động tiếp theo, như sử dụng và bảo quản kho vật liệu nổ công nghiệp... Bởi nếu không hoặc chưa được cấp phép khai thác mỏ chính thức thì làm sao biết doanh nghiệp đó có được khai thác hay không hoặc khai thác ở đâu, đặt kho vật liệu nổ ở vị trí nào ?” - ông Trương Viết Cư, Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản (Sở Tài nguyên&Môi trường Quảng Bình) băn khoăn.
Theo phản ánh của một số hộ dân sống, sản xuất gần khu vực này, thì họ rất lo ngại về sự ra đời của kho vật liệu nổ, và đặt dấu hỏi về mức độ an toàn sau khi nó được đưa vào sử dụng.
Bị thanh tra
Ngoài nội dung trên, việc UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác tại mỏ đá Khe Chuối cho Cty Ba Tâm còn bị một số hộ dân ở đây phản ứng vì cho rằng, việc thu hồi đất và đền bù, hỗ trợ cho các hộ chưa thực sự thỏa đáng, do khu vực đó vốn là đất rừng, trước đây - năm 1999, các hộ đã ký, nhận với một lâm trường quốc doanh để khoanh nuôi, trồng mới theo chương trình “5 triệu ha rừng”…
Tuy nhiên, trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tuyến - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh này) khẳng định rõ: “Việc thu hồi đất và đền bù hỗ trợ tài sản trên đất cũng như trình thự thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho cty này đã được thực hiện đúng, đầy đủ theo trình tự của pháp luật. Theo tôi biết, thì toàn bộ số rừng cây ở khu này, các hộ dân đã tự nguyện bán cho doanh nghiệp từ lâu. Nhưng, mới đây do một số người có ý kiến nên tỉnh mới quyết định thành lập Đoàn Thanh tra để xác minh.”.
Chúng tôi còn trao đổi với ông Lê Minh Ngân - Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường Quảng Bình để tìm hiểu thêm việc này, vì có tin sở có cử nhân sự tham gia đoàn công tác nói trên. “Tôi nghe nói, người dân thắc mắc một số nội dung, trong đó có chuyện hỗ trợ đền bù nên tỉnh đã cho kiểm tra lại. Đến nay (tháng 7/2013 - PV), đã có kết luận sơ bộ để báo cáo tỉnh.” - ông Ngân xác nhận. Nhưng, ông Ngân không tiết lộ với phóng viên về kết quả ban đầu của cuộc thanh tra./.
“Thường thì, sau khi có Giấy phép khai thác khoáng sản mới tiến hành xin cấp phép một số hoạt động tiếp theo như việc sử dụng, bảo quản kho vật liệu nổ công nghiệp... Bởi nếu không hoặc chưa được cấp phép khai thác mỏ chính thức thì làm sao biết doanh nghiệp đó có được khai thác hay không hoặc khai thác ở đâu, đặt kho vật liệu nổ ở vị trí nào?” - ông Trương Viết Cư, Trưởng Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình). |
Võ Tuấn