Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đề ra yêu cầu trên khi bàn về dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi tại cuộc làm việc sáng 17/8 của Phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV.
Tại Phiên họp, Chủ tịch QH cho biết, dự án luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi là 1 trong 7 dự án luật sẽ được QH xem xét tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới. Nhấn mạnh đây là sản phẩm đầu tiên của công tác lập pháp trong nhiệm kỳ, Chủ tịch QH khẳng định, đây là cơ hội để UBTVQH, QH thực hiện lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức liên quan đến công tác chuẩn bị, trình, thẩm tra dự án Luật.
Đối với dự án Luật Thi đua khen thưởng, ông Huệ lưu ý, cần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác này; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII, Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Ông Huệ cũng nhấn mạnh, sửa luật làm sao hướng nhiều hơn về cơ sở, chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh, quan tâm vùng sâu vùng xa, hải đảo và đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, công khai.
“Bác Hồ nói thành tích đến đâu khen đến đó, nhưng mình lại tích lũy thành tích để khen; có hiện tượng định hướng, nhường nhịn nhau trong khen thưởng, có thành tích thấp để bước lên thành tích cao hơn. Khắc phục bằng được tính hình thức trong công tác thi đua khen thưởng; đảm bảo công khai, minh bạch; khắc phục chuyện kể cả trong thi đua khen thưởng cũng “chạy” danh hiệu, bằng khen, giấy khen, “chạy” anh hùng. Thậm chí có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý rồi” – ông Huệ đặt vấn đề.
Chủ tịch QH cũng yêu cầu việc sửa đổi Luật cần phải khắc phục được tình trạng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đặt ra các danh hiệu này, danh hiệu kia, dẫn đến tình trạng “muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền là có”. “Ta phải nhìn thẳng vào thực tế này, phải sửa, làm sao sửa đổi luật này tạo chuyển biến căn bản trong công tác thi đua và khen thưởng”, ông Huệ lưu ý và cho rằng muốn vậy, trách nhiệm cơ quan soạn thảo, thẩm tra thế nào, áp dụng nghiêm ngặt trình tự trong công tác lập pháp.
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung quy định xác định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với các đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu QH chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách. Bà Thanh tán thành việc bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang để trao tặng cho những thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo Kết luận số 3257 năm 2017 của Ban Bí thư nhằm tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc xây dựng đất nước.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định thì cho rằng, nên xây dựng hai phương án về hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang để trình QH cho ý kiến. Về khen thưởng cho đại biểu QH, ông Định nhận thấy, các cơ quan của QH, các cơ quan của UBTVQH đang “đứng ngoài” quy định của Luật Thi đua, khen thưởng thì nên bổ sung các cơ quan này vào khoản 5 của Điều 3 của Luật là sẽ tổ chức thi đua, khen thưởng như các bộ, ngành khác; đồng thời cần xem xét bổ sung thành viên các Ủy ban của QH trong Hội đồng Thi đua, khen thưởng của Trung ương.