Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả và thành tích mà ngành Kiểm sát đạt được trong năm 2017. Năm 2018, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp.
Đề cao trách nhiệm, nâng cao thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, thực thi đúng, đầy đủ, hiệu quả, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt.
Nâng cao chất lượng của kiểm sát viên tại phiên tòa, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát hoạt động tư pháp, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành KSND với Ban Nội chính TƯ, TANDTC, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ban, ngành địa phương trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và trong công tác xây dựng thể chế.
Tập trung nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và thực hiện đầy đủ các hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự…
Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm
Báo cáo của VKSNDTC cho biết, năm 2017, toàn Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, toàn Ngành tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự và công tác điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền. Toàn Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; chú trọng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Kết quả đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã đạt những kết quả tích cực. VKS các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự: VKSNDTC đã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình bắt, tạm giữ, tạm giam trong 3 năm (2014-2016) và tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt toàn Ngành các biện pháp khắc phục vi phạm pháp luật và lạm dụng việc bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm việc phê chuẩn các quyết định, lệnh, áp dụng biện pháp ngăn chặn tuân thủ đúng pháp luật.
Năm 2017, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Chỉ thị tăng cường trách nhiệm trong quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm qua việc tạm đình chỉ án hình sự. Đồng thời, chỉ đạo gắn trách nhiệm của Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị với mỗi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; tăng cường lấy lời khai người bị tạm giữ trước khi phê chuẩn và hỏi cung, phúc cung bị can trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; kiểm sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục những bản án, quyết định vi phạm pháp luật. Tập trung thanh tra, kiểm tra trong nội bộ Ngành, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân có vi phạm liên quan đến oan, sai.