Cách đây hơn 6 năm, tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Tử Du, xã Tiên Lữ (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) bị người dân phát hiện chủ đầu tư rút ruột công trình. Mới đây, Tòa án đưa vụ án ra xét xử, nhưng chỉ có những người làm công phải chịu tội.
Chỉ đạo “rút ruột” công trình
Từ năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định phê duyệt nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Tử Di đi xã Tiên Lữ và giao cho UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư. Tuyến đường dài gần 4 km với tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng, được chia làm 2 gói thầu do Công ty TNHH Việt Hùng và Công ty CP xây dựng Sông Hồng 26 thi công theo thứ tự là gói 01 và gói 02.
Theo tài liệu điều tra, quá trình thi công, Nguyễn Tiến Mạnh - người đảm nhận chức vụ Phó giám đốc và kiêm chỉ huy trưởng cả 2 gói thầu (2 công trường) cho cả 2 công ty trên đã lợi dụng sự lỏng lẻo của Ban quản lý dự án đầu tư huyện Lập Thạch để chỉ đạo 2 cán bộ kỹ thuật là Đỗ Xuân Phương và Nguyễn Tuấn Anh thi công sai, thiếu so với thiết kế một số hạng mục.
Cụ thể, ở gói thầu 01 dài 2km, với các hạng mục: Phần cát đệm 6% xi măng theo thiết kế và quyết toán gần 1.200m3, tuy nhiên thực tế chỉ thi công hơn 300m3. Giấy dầu chống thấm được phê duyệt hơn 7.500m2, nhưng chỉ đưa vào thi công hơn 1.500m2, còn lại được thay bằng nilon. Gỗ thông chèn khe co giãn được thay bằng xốp.
Cùng với việc làm thiếu so với quyết toán tại gói thầu số 02 là hơn 308 triệu đồng, Mạnh còn chỉ đạo Phương và Tuấn Anh lập các biên bản nghiệm thu hoàn thành gia đoạn xây lắp, hồ sơ hoàn công…để quyết toán, chiếm đoạt của nhà nước trên 490 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù biết Tuấn Anh không có chuyên môn kỹ thuật, nhưng công ty vẫn giao việc và bắt Tuấn Anh phải thực hiện theo yêu cầu của cấp trên.
Người làm công lãnh tội
Khi việc rút ruột bị nhân dân phát hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, Mạnh với vai trò Phó GĐ của cả 2 đơn vị thi công, chỉ huy trưởng công trường, người chịu trách nhiệm toàn bộ về vật tư, máy móc, chất lượng công trình…và Vũ Quang Vinh - phó Ban quản lý dự án, người chịu trách nhiệm giám sát thi công là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong vụ án này 2 cán bộ cán bộ kỹ thuật làm công ăn lương, hàng ngày chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị thi công cũng phải chịu chung tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như bị cáo Mạnh.
Theo cáo trạng, trong quá trình giám sát thi công, Tuấn Anh và Phương đã bỏ qua hoặc theo sự chỉ đạo của Mạnh cho công nhân thi công sai, thiếu một số phần việc, hạng mục theo thiết kế, đồng thời còn ký vào các biên bản nghiệm thu, biên bản hoàn thành giai đoạn xây lắp không đúng thực tế thi công, giúp Mạnh hoàn thiện hồ sơ quyết toán khống chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Tại tòa, 2 bị cáo Phương và Tuấn Anh cho rằng, họ làm theo chỉ đạo của Mạnh, đồng thời ông Mạnh là người chịu trách nhiệm mua sắm vật tư và bắt anh em có thế nào thì làm thế đó.
“Tôi được cấp trên phân việc làm kỹ thuật, nhưng thường xuyên không có mặt tại công trường. Tôi được chỉ đạo làm biên bản nghiêm thu khối lượng xây lắp, do không có mặt tại công trình nên tôi đã dựa vào nhật ký thi công để lập theo yêu cầu của lãnh đạo công ty. Việc tôi và bị cáo Phương cùng bị quy tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như bị cáo Mạnh là vô lý” - Tuấn Anh nói. Còn bị cáo Mạnh thì cho biết, cả 2 bị cáo Phương và Tuấn Anh đều không thỏa thuận với Mạnh về ăn chia và họ đều không được chia chác gì trong việc rút ruột 2 công trình nói trên.
Tại tòa, ông Nguyễn San Hùng - Nguyên Giám đốc cty CP Xây dựng và Thương mại Việt Hùng cùng ông Trịnh Văn Hợi - Giám đốc CP xây dựng Sông Hồng 26 khẳng định, số tiền cả 2 gói thầu đã được chuyển về tài khoản của 2 công ty. Cả 2 công ty có sử dụng vào một số việc của công ty. Trước tòa, bị cáo Mạnh đã khắc phục hậu quả bằng cách chuyển trả chủ đầu tư là UBND huyện Lập Thạch trên 490 triệu đồng tiền chiếm đoạt.
Kết thúc phiên tòa, TAND huyện Lập Thạch đã tuyên phạt 2 bị cáo Mạnh, 36 tháng và Tuấn Anh, 30 tháng tù giam. Còn Phương lại chỉ bị án treo cùng 2 bị cáo bên phía BQL dự án huyện Lập Thạch.
Trường Lưu