Theo Nghị định, chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản chìm đắm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết về địa điểm và loại tài sản chìm đắm; trường hợp tài sản chìm đắm là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phải thông báo cho cơ quan Hải quan nơi gần nhất để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật về hải quan. Việc cung cấp thông tin có thể thực hiện bằng một hoặc nhiều phương thức sau: Trực tiếp, điện thoại, fax, email hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.
Chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm và chịu mọi chi phí liên quan đến việc trục vớt tài sản chìm đắm. Trường hợp tài sản chìm đắm là tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác được chuyên chở trên tàu thuyền, chủ tàu thuyền có nghĩa vụ trục vớt tài sản chìm đắm và chịu các chi phí liên quan; người quản lý, người khai thác tàu thuyền chịu trách nhiệm liên đới trong việc trục vớt tài sản chìm đắm và thanh toán các chi phí có liên quan đến việc trục vớt tài sản.
Đối với tài sản chìm đắm là di sản văn hóa, tài sản chìm đắm liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc tài sản chìm đắm nguy hiểm, chủ sở hữu tài sản chìm đắm có nghĩa vụ lập phương án trục vớt trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chủ sở hữu tài sản chìm đắm không thực hiện tổ chức trục vớt hoặc trục vớt tài sản chìm đắm không đúng thời hạn yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc trục vớt tài sản chìm đắm, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng. Cảng vụ chủ trì, tổ chức trục vớt đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm.
Quy định chuyển giao tài sản
Nghị định quy định rõ các loại tài sản chìm đắm sau nếu được trục vớt, tìm thấy phải chuyển cho các cơ quan có liên quan để tổ chức quản lý: 1- Chuyển giao cho cơ quan quản lý về di sản văn hóa dưới nước đối với tài sản thuộc loại di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia hoặc di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, khoa học, lịch sử thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa dưới nước; 2- Chuyển giao cho cơ quan quân sự đối với tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng; 3- Chuyển giao cho cơ quan công an đối với tài sản thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ việc xử lý tài sản chìm đắm thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cụ thể, tài sản chìm đắm là tàu thuyền sau khi trục vớt nếu được bán cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục về xuất, nhập khẩu và thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Tài sản chìm đắm là hàng hóa hoặc các vật thể khác, sau khi được trục vớt nếu được bán tại Việt Nam thì phải thực hiện các thủ tục như đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định.
Tài sản chìm đắm là tàu thuyền công vụ nước ngoài hoặc tàu chiến nước ngoài sau khi trục vớt thì được xử lý thông qua cơ quan ngoại giao.