Buôn bán người (BBN) là loại tội phạm xuyên quốc gia nên cần sự hợp tác và tương thích pháp luật giữa các nước để phòng chống hiệu quả.
Cần chế tài nghiêm khắc để trấn áp tội phạm buôn bán người |
Thái Lan: Chú trọng vào việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân
Ông Wanchai Roujanavong (Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Tổng Chưởng lý Thái Lan) cho biết, Thái Lan là vừa quốc gia “nguồn hàng” của nạn BBN đến các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Malaysia, Singapore..., vừa là quốc gia “nhập hàng” của các đường dây BBN từ Mianma, Lào, Campuchia, các nước Đông Âu, đồng thời cũng là quốc gia trung chuyển cho các đường dây BBN chủ yếu từ Trung Quốc tới châu Âu và Mỹ.
Trước những “lợi thế” trong vấn nạn BBN, Thái Lan đã có một hệ thống pháp luật gồm Luật chống BBN, bảo vệ trẻ em, mại dâm mới, rửa tiền, bảo vệ nhân chứng, dẫn độ, hợp tác quốc tế những vấn đề về hình sự, bảo vệ người lao động và đang dự thảo Luật Chống tội phạm có tổ chức.
Luật chống BBN của Thái Lan qui định các biện pháp đấu tranh chống BBN và đặc biệt chú trọng vào việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Đặc biệt, luật đã hợp pháp hóa hành vi nhập cảnh bất hợp pháp, mại dâm và sử dụng giấy tờ giả mạo của nạn nhân bị buôn bán.
Do đó, nếu không có sự cho phép bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì cảnh sát không được buộc tội nạn nhân bị mua bán trở về các tội danh trên.
Đồng thời luật dành hẳn 1 chương để qui định về các hình phạt tù và tiền nghiêm khắc đối với cá nhân, pháp nhân phạm tội BBN, cản trở quá trình tố tụng về tội BBN, các hành vi khác như tiết lộ thông tin điều tra, thông tin liên quan đến người bị buôn bán...
Theo đó, hình phạt cho cá nhân phạm tội BBN có thể từ 4-10 năm tỳ và phạt tiền từ 80.000 – 200.000 Bạt. Mức phạt này tăng cao hơn đối với các trường hợp nạn nhân là trẻ em. Đối với pháp nhân, mức phạt tiền lên đến 1 triệu bạt.
Luật cũng qui định trừng phạt đối với những người hỗ trợ việc thực hiện tội phạm BBN, giúp đỡ bằng việc cung cấp tài sản, nơi hội họp cho những kẻ BBN,...
Tất cả những tội phạm qui định tại Luật này sẽ được xem là những tội phạm nguồn qui định tại Luật Rửa tiền nhằm tịch thu tất cả tiền thu được của tội phạm BBN.
Không chỉ có luật, theo ông Wanchai, Thẩm phán, công tố viên, cảnh sát cũng có vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng đối với nạn nhân trong các vụ án BBN.
Nếu những người này có hiểu biết về bản chất của BBN, nhận thức không đúng đắn về nạn nhân bị buôn bán thì khó có thể giải quyết đúng vụ án và bảo vệ được nạn nhân.
Qua thực tế tại Thái Lan, ông Wanchai nhấn mạnh, “BBN là tội phạm có mức độ rủi ro thấp, lợi nhuận cao và hết sức phức tạp. Việc kết án kẻ BBN rất khó khăn do có nhiều cản trở trong việc đạt được sự hợp tác của nhân chứng. Hầu hết những kẻ BBN đều là thành viên của một tổ chức tội phạm nào đó. Do vậy, để kết án một kẻ buôn bán ma túy dễ hơn 10 lần so với kết án 1 kẻ BBN”.
Campuchia: Trấn áp những hành vi BBN và bóc lột tình dục
Từ kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật phòng chống BBN ở Campuchia, ông Yi Yuth Virak (Điều phối viên Dự án phòng chống BBN khu vực châu Á (ARTIP) chia sẻ, Luật chống BBN của Campuchia để “trấn áp những hành vi BBN và bóc lột tình dục nhằm bảo vệ quyền và phẩm giá của con người...”.
Luật này qui định, sự đồng thuận của nạn nhân là yếu tố không liên quan trong việc chứng minh tội phạm BBN (Điều 10).
Luật chống BBN của Campuchia qui định quyền tài phán đối với tội phạm BBN theo lãnh thổ (Tội phạm có thể bị truy tố tại Campuchia nếu có bất kỳ yếu tố nào của tội phạm đó thực hiện tại Campuchia) và ngoài lãnh thổ nếu nghi ngờ người phạm tội BBN hoặc nạn nhân là người Khmer.
Hình phạt trong Luật này là phạt tù 7-15 năm, tăng nặng là 15-20 năm nếu có các yếu tố tăng nặng gồm: nạn nhân là người chưa thành niên, ngưới phạm tội là cán bộ đã lạm dụng quyền lực đối với nạn nhân, tội phạm được thực hiện bởi một nhóm tội phạm có tội chức.
Luật qui định hình phạt bổ sung có thể áp dụng là tịch thu sung công bất kỳ thiết bị, tài liệu hoặc đồ vật gì được sử dụng, hoặc có ý định sử dụng, vào mục đích phạm tội, tài sản có được từ hành vi phạm tội; đóng cửa kinh doanh được sử dụng để phạm tội hoặc hạn chế những quyền dân sự của người phạm tội.
Để bảo vệ nạn nhân, Luật chống BBN của Campuchia nghiêm cấm báo chí và các phương tiện truyền thống khác xuất bản, đưa tin bài hoặc phổ biến bất cứ thông tin nào có thể dẫn đến việc nhận diện nạn nhân của tội phạm qui định trong Luật này.
Khi có hiệu lực, luật đã chuyển tải rộng rãi những vấn đề liên quan đến BBN, cho phép có thể truy tố tội phạm BBN ngay cả khi yêu tố bóc lột không thể chứng minh và góp phần giải quyết nhiều vụ án BBN hơn.
Tuy nhiên, ông Yi Yuth Virak “thừa nhận”, Luật chống BBN của Campuchia chưa có những qui định thỏa đáng về hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, trong khi những qui định về tội phạm tình dục trong Luật lại “phức tạp hóa” những vấn đề liên quan đến tình trạng của nạn nhân trong các ổ mại dâm... khiến việc thực thi luật rất lúng túng.
Những kinh nghiệm của Thái Lan, Campuchia nêu trên sẽ là nguồn thông tin giúp Việt Nam xây dựng được luật phòng chống BBN (do Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo) có thể tiệm cận với qui định của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc chiến phòng chống BBN trong nước, khu vực và trên thế giới./.
Trúc An