Đứng đầu liên danh thi công công trình nói trên là một nhà thầu Nhật - Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui. Nhà thầu ngoại này đã cùng với 2 đơn vị trong liên danh - đều là những doanh nghiệp nội có tên tuổi, thi công đạt, thậm chí vượt khối lượng, nhưng đến nay vẫn bị nợ ngàn tỷ.
Nợ bằng... 10% giá trị dự án!
Dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện là một trong những hợp phần chính của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện, tương lai sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên ở miền Bắc. Theo đó, khi hoàn công, công trình sẽ kết nối các khu vực đang phát triển ở phía Đông TP.Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...
Công trình có quy mô lớn về khối lượng xây lắp, với tổng đầu tư lên tới gần 12 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA Nhật Bản hơn 50 tỷ Yên và 1.800 tỷ đồng vốn đối ứng, kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Thông tin từ hiện trường cho hay, tính tới ngày cuối năm - 31/12/2016, khối lượng thực hiện của Liên danh Sumitomo Mitsui - Trường Sơn - Cienco4 đạt xấp xỉ 90% giá trị hợp đồng (tương đương khoảng 6.700 tỷ đồng). Cụ thể, riêng Sumitomo Mitsui đã thi công đạt 99% giá trị sản lượng của nhà thầu Nhật Bản (phần cầu).
“Sumitomo làm việc khá bài bản, trước khi hợp long nhịp giữa của cầu, họ đã mời chuyên gia đến kiểm tra. Theo kế hoạch, vào ngày 6/1/2017, lễ hợp long sẽ được tổ chức trước sự chứng kiến của đại diện chủ đầu tư. Dự kiến, đến tháng 3/2017, thì sẽ xong toàn bộ cầu này”, ông Bùi Huy Kiểm - Trưởng phòng Quản lý dự án 3 (PMU2, Bộ GTVT) nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra trên cộng địa của nhà thầu Sumitomo Mitsui. |
Hai nhà thầu còn lại là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) đảm trách phần đường phía quận Hải An và đảo Cát Hải, tới nay cũng đã hoàn thành từ 64 - hơn 70% giá trị sản lượng của từng đơn vị... Dự kiến, khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/2017, công trình đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ được đưa vào khai thác, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công của hợp đồng.
“Thế nhưng, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn đang nợ nhà thầu khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ODA thiếu khoảng 800 tỷ, vốn đối ứng thiếu khoảng hơn 300 tỷ. Lý do vì ngân sách khó khăn khăn nên không bố trí đủ nguồn đối ứng trong nước dẫn tới thiếu gần một nữa so với nhu cầu; còn vốn ODA thì chỉ được giải ngân theo kế hoạch, không được vượt nên chưa có nguồn thanh toán cho nhà thầu dù họ đã thi công và hoàn thành với khối lượng công việc khá lớn”, lời ông Kiểm.
Nhận đề nghị thanh toán rồi… để đó?
Theo tìm hiểu của PLVN, để triển khai dự án nói trên, thời gian qua đã có các Hiệp định vay vốn ODA được ký kết trong các năm 2011, 2014 và gần đây - tháng 3/2016, Hiệp định vay thứ 3 đã được ký với giá trị hơn 22 tỷ Yên Nhật.
Xung quanh vấn đề này, một nguồn tin khả tin cho hay, vốn vay phục vụ dự án này là không thiếu. Tuy nhiên, do áp lực nợ công, nên phải giải ngân theo kế hoạch, không được vượt quá con số đã phê duyệt, dẫn tới tình trạng thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu như con số thống kê mới đây của đại diện chủ đầu tư.
Trong trường hợp này, liên danh nhà thầu có thể căn cứ các điều khoản đã ký trong hợp đồng để “nói chuyện” với chủ đầu tư (Bộ GTVT) về việc bồi thường hoặc phạt chậm thanh toán. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa thấy xuất hiện tình huống nói trên ngoài các văn bản mà Sumitomo Mitsui viết, gửi PMU2 và Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội để “đốc” nợ hồi cuối năm 2015. Tất nhiên, khi đó số tiền mà họ bị nợ mới dừng lại ở con số vài trăm tỷ, chưa lớn - với con số hàng ngàn tỷ như hiện nay.
“Nhà thầu, tư vấn đã đệ trình các hóa đơn thanh toán tiếp theo và đã được Ban quản lý dự án 2 xác nhận về khối lượng thanh toán, nhưng do kế hoạch vốn năm 2016 bố trí không đủ để giải ngân, vì thế Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước không giải ngân các hóa đơn thanh toán tiếp theo khi chưa bổ sung kế hoạch vốn”, PMU2 cho biết như vậy trong văn bản báo cáo Bộ GTVT.
Cơ chế linh hoạt 10%
Tại một cuộc họp giao ban về tình hình chuẩn bị, thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi hồi nửa đầu tháng 12/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã yêu cầu Bộ Kế hoạch&Đầu tư khẩn trương báo cáo Chính phủ việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế linh hoạt trong xây dựng và phân giao kế hoạch vốn nước ngoài theo hướng Chính phủ điều hoà kế hoạch vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở tổng mức vốn nước ngoài không vượt quá 10% kế hoạch vốn nước ngoài đã được Quốc hội phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu