Phân tích ADN trên máy. Ảnh minh họa |
Phổ biến pháp luật: nên ưu tiên đối tượng yếu thế
Dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) gồm 5 chương, 41 điều, trong đó, đáng chú ý là các quy định về nội dung, hình thức PBPL cho một số đối tượng đặc thù và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm PBPL.
Theo Dự thảo Luật được trình UBTVQH, 8 đối tượng đặc thù được ưu tiên bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân; nông dân; phụ nữ; người lao động trong các doanh nghiệp; đồng bào dân tộc thiểu số; thanh niên, thiếu niên; phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như trên là quá rộng. Quy định ưu tiên trong PBPL chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng thực sự gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật mà không nên quy định dàn trải. Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng: cán bộ công chức không phải đối tượng đặc thù, đó là lực lượng có tri thức, ý thức kỷ luật, lẽ ra phải là chủ lực trong tuyên truyền. Theo ông Hằng, đặc thù phải là những đối tượng yếu thế, khó khăn, không có điều kiện tiếp cận pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình cần ưu tiên cho vùng khó khăn, hiểu biết pháp luật kém. Bà Mai cũng lưu ý “luật còn nhiều quy định mang tính áp đặt, phải quy định làm sao để khuyến khích dân tìm hiểu luật pháp”
Nhiều ý kiến cũng cho rằng dù ưu tiên cho nhóm đối tượng nào đi chăng nữa thì vấn đề quan trọng cần tập trung là phổ biến, tuyên truyền những kiến thức pháp luật phổ thông, thực sự cần thiết cho đời sống hàng ngày; đối với mỗi nhóm đối tượng cần có hình thức PBPL phù hợp.
Nhiều nội dung khác của dự luật như việc tách PBPL với GDPL, nội dung, hình thức phổ biến, GDPL, các quy định về xã hội hóa PBGDPL, về hội đồng liên ngành, về báo cáo viên pháp luật cũng được các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sâu sắc.
Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, có chất lượng của Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp - PV) trong việc xây dựng Dự án Luật, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng làm rõ, đậm nét hơn một số nội dung thường vụ đã góp ý. Để rộng đường dư luận, những vấn đề còn đang tranh cãi cần được đưa ra Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới đây.
Cho phép lập Văn phòng giám định tư pháp?
Một trong những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Giám định Tư pháp, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường là quy định cho phép các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện theo quy định có thể thành lập Văn phòng giám định tư pháp (tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập) ở tất cả các lĩnh vực nhằm huy động nguồn lực của xã hội. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết đại đa số ý kiến đồng tình với quy định này của dự thảo nhưng cũng còn những ý kiến băn khoăn về mức độ xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết rồi mới xem xét mở rộng phạm vi hoạt động. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt chỉ nên quy định xã hội hóa những nội dung về giám định tư pháp như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị (chỉ khoanh vùng trong một số lĩnh vực giám định – PV)
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa ủng hộ quan điểm của Ủy ban Tư pháp và đề nghị cần phải xác định “điểm nghẽn” của giám định tư pháp ở đâu để đột phá ở đó. Theo ông Khoa, nên đột phá vào khâu yếu của hệ thống tổ chức giám định tư pháp hiện tại. Từ đó có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư tài chính và nhân lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng băn khoăn: cần cân nhắc, nếu phục vụ nhu cầu xã hội tốt hơn, an toàn hiệu quả hơn thì cho lập Văn phòng giám định tư pháp, nhưng nếu cho lập cũng phải có lộ trình.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và nhiều ý kiến thường vụ khác cũng cho rằng cần phải cân nhắc kỹ vấn đề nói trên, để đảm bảo hoạt động giám định tư pháp vừa an toàn, vừa hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ rõ quan điểm: nên mở rộng ngay một số lĩnh vực (như kinh tế, tài chính) và làm thí điểm chứ chưa nên “mở” hết.
Liên quan đến việc giám định pháp y trong Công an (cấp tỉnh), nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để đảm bảo yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Dự thảo Luật Giám định tư pháp cho phép đương sự trong tố tụng dân sự, hành chính được tự mình yêu cầu giám định tư pháp, tạo điều kiện cho việc chủ động thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo tinh thần cải cách tư pháp. Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định này về nguyên tắc nhưng cũng cho rằng mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự cần phải được sửa đổi, bổ sung vào các quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính.
Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của đương sự trong vụ việc dân sự và vụ án hành chính là không công bằng đối với các đương sự trong vụ án hình sự. |
Thu Hằng