Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Nghị định 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN; Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2022; Có Hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 6 Nghị định 23/2022; Việc thành lập DN phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.
Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.
Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn mức quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.
Sửa quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN
Nghị định 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022 sửa đổi các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Theo đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là giấy chứng nhận) sửa đổi như sau: Tổng cục GDNN cấp giấy chứng nhận đối với trường cao đẳng (hiện hành cấp giấy chứng nhận đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đối với: Trường trung cấp, trung tâm GDNN, doanh nghiệp; Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (quy định mới).
Cơ sở giáo dục đại học đã được cấp Giấy chứng nhận để tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù hoặc thuộc các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư thì tiếp tục được tuyển sinh đến hết ngày 31/12/2025.
Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp là 01 bộ, bao gồm: Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo Mẫu số 04 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; Báo cáo đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; Bản sao quyết định thành lập, cho phép thành lập trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) của doanh nghiệp đối với trường hợp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố khác với nơi đặt trụ sở chính.
Quy định công khai giá cước dịch vụ bưu chính
Nghị định 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 sửa đổi Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định thi hành Luật Bưu chính 2010.
Theo đó, việc công khai giá cước dịch vụ bưu chính (DVBC) quy định như sau: Đối tượng thực hiện công khai giá cước gồm: Doanh nghiệp cung ứng DVBC và Đại lý cung ứng DVBC có quyền quyết định, điều chỉnh giá cước DVBC.
Nội dung công khai: Giá cước DVBC bằng đồng Việt Nam, đã gồm các loại thuế, phụ phí của dịch vụ và thông tin liên quan khác (nếu có). Thời điểm công khai: kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ. Hình thức công khai: Dưới một hoặc một số hình thức như niêm yết tại điểm phục vụ, thông báo bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc các hình thức khác để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của mọi tổ chức, cá nhân. Giá cước được công khai phải thống nhất với giá cước mà doanh nghiệp, tổ chức đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Bộ máy và trụ sở hoạt động của Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định 26/2022/NĐ-CP ngày 14/4/2022 về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, bộ máy và trụ sở hoạt động của Lãnh sự danh dự (LSDD) được quy định như sau: LSDD có thể thuê người lao động phục vụ cho việc thực hiện chức năng lãnh sự của mình; tự chịu trách nhiệm và tự thanh toán các chi phí liên quan đến việc thuê lao động phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam; Những người lao động này không được thực hiện chức năng lãnh sự với danh nghĩa LSDD và không được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ của LSDD.
LSDD phải có trụ sở hoạt động để thực hiện chức năng lãnh sự của mình; Trụ sở hoạt động của LSDD là trụ sở của Cơ quan LSDD; Mỗi cơ quan LSDD chỉ có một trụ sở hoạt động; Trong khi thực hiện chức năng lãnh sự, LSDD phải phân định rõ trụ sở để thực hiện các chức năng lãnh sự của LSDD và trụ sở cơ sở kinh doanh, thương mại cá nhân của mình.