Quy định kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài
Nghị định 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài sẽ có hiệu lực từ ngày 12/02/2022. Theo đó, Nghị định có quy đinh các hành vi bị nghiêm cấm như: Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 42 Nghị định này; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không đúng với nội dung được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh theo quy định của pháp luật; sửa chữa, tẩy xóa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc bị tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; để các cá nhân không thuộc đối tượng quy định tại Điều 11 Nghị định này vào Điểm kinh doanh với bất kỳ hình thức, lý do nào; cho phép, tổ chức cá cược trực tiếp giữa người chơi với người chơi dựa trên kết quả của các trò chơi điện tử có thưởng tại Điểm kinh doanh;
Gian lận trong quá trình tổ chức, tham gia các trò chơi điện tử có thưởng tại Điểm kinh doanh; có các hành vi làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại Điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật; chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn trái phép địa điểm để tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; tổ chức, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng trái phép qua mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet;
Lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng để buôn lậu, vận chuyển ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim loại quý, cho vay, cầm cố tài sản trái phép và rửa tiền; xác nhận số tiền trúng thưởng khống, xác nhận không đúng sự thật hoặc không đúng thẩm quyền hoặc gây khó khăn cho người chơi khi xác nhận mà không có lý do chính đáng; Lợi dụng việc bảo dưỡng, sửa chữa máy trò chơi điện tử có thưởng để tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trái phép; kinh doanh các máy trò chơi điện tử có thưởng và các thiết bị trò chơi có nội dung, hình ảnh văn hóa chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định cho phép phổ biến, lưu hành theo quy định của pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến
Yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến được quy định tại Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP, cụ thể như sau: Tuân thủ quy định nội quy phòng xử án; luôn để thiết bị điện tử ở trạng thái mở camera và bật âm thanh micro; khi được yêu cầu thì mới phát biểu; không được tạo các tạp âm khác trong khi thiết bị điện tử đang để chế độ mở tiếng, gây ảnh hưởng đến phiên tòa;
Người tham gia phiên tòa phải mặc trang phục nghiêm chỉnh; không đứng dậy hay rời đi trong thời gian xét xử khi chưa được chủ tọa phiên tòa cho phép; không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng; ddương sự, bị hại, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị hại tham gia phiên tòa trực tuyến phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân (như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý) để đối chiếu; trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người được ủy quyền còn phải xuất trình văn bản ủy quyền.
Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP có hiệu lực từ ngày 01/02/2022. Theo Nghị quyết 33/2021/QH15, từ ngày 01/01/2022, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến trong một số trường hợp được quy định tại Nghị quyết.
Tăng giờ làm thêm của người lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Theo đó, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng. (Trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng)
Ngoài ra, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần. &Trước đây, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần là 60 giờ/tuần). Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.
Bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 đã bổ sung một số nội dung bắt buộc trong hợp đồng xuất khẩu lao động, cụ thể: Giáo dục định hướng trước khi đi làm việc; việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng; cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, các nội dung khác trong hợp đồng xuất khẩu lao động được giữ nguyên, đơn cử như: Thời hạn làm việc; Ngành, nghề công việc phải làm; Điều kiện, môi trường làm việc; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; An toàn, vệ sinh lao động; Tiền lương và tiền thưởng (nếu có), tiền làm thêm giờ, các khoản khấu trừ từ lương (nếu có); Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở tới nơi làm việc; Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.