Đòi bồi thường mà… cứ như đi ăn xin
Chỉ tính từ giữa năm 2016 đến nay, hàng chục các loại văn bản giấy tờ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận và TKV với hàng trăm trang đã được ban hành, có nội dung liên quan trực tiếp đến việc giải quyết khiếu nại đòi bồi thường của Công ty Vạn Trụ. Bình quân trong khoảng hai năm qua, mỗi một tháng, các cơ quan chức năng và TKV có ít nhất một văn bản để trao đổi, trả lời việc “có bồi thường thiệt hại cho Công ty Vạn Trụ hay không”.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Chí Công ngược xuôi Bắc – Nam, trên tay ôm chồng đơn khiếu nại, kêu cứu gửi nhiều nơi. Thế nhưng, vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Phải khẳng định một điều, TKV là một trong những tác nhân đã gây thiệt hại nặng nề cho hàng chục doanh nghiệp ở biển Kê Gà bằng một dự án cảng vẽ trên giấy. Nhiều dự án resort đã đổ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để rồi phơi nắng, phơi sương, như resort Đồi Phong Lan, resort Thạnh Đạt, resort Thế Giới Xanh… Phải mất nhiều năm lên xuống trầy trật, những ông chủ resort mới được một phần tiền bồi thường, chẳng thấm tháp là bao so với tiền của mà họ đã đổ xuống biển Kê Gà... Tuy nhiên, vì là người chi trả tiền bồi thường, cho nên TKV đã “đổi vai”, trở thành người ban phát, còn phía người bị thiệt hại phải “ngửa tay xin tiền”. Cách hành xử như vậy của cơ quan chức năng đã khiến một số doanh nghiệp mất niềm tin vào môi trường đầu tư, chán nản bỏ cuộc, coi như chuyện xui rủi lớn nhất đời; một số doanh nghiệp tiếp tục bức xúc, khiếu nại.
Riêng với resort Vạn Sanh (của Công ty Vạn Trụ), may mắn thiệt hại đã giảm được phần nào khi người chủ không dễ dàng bỏ cuộc. Sau nhiều lần ông Công gửi đơn khiếu nại kêu cứu đòi bồi thường, vụ việc đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo xem xét, phân công cho UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì giải quyết. Sau những buổi họp giữa UBND tỉnh Bình Thuận và TKV đầu năm 2018, hai bên đã thống nhất “để TKV thuê tư vấn pháp luật cùng làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và giải quyết khiếu nại của Công ty Vạn Trụ”. Thế nhưng đến nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam đã ít nhất hai lần gửi văn bản đề nghị TKV sớm triển khai thực hiện nội dung đã thống nhất như đã nêu trên nhưng TKV không thực hiện.
TKV đã không thực hiện nội dung đã thống nhất với UBND tỉnh Bình Thuận: Mở ra hướng để giải quyết khiếu nại của Vạn Trụ. Nói cách khác, dù chỉ đóng vai trò phối hợp nhưng TKV đã thay quyền “chủ trì” của Bình Thuận.
Đường cùng khởi kiện
Đường cùng đã đẩy người chủ của Vạn Trụ đâm đơn khởi kiện ra toà. Cuối tháng 7/2018, TAND tỉnh Bình Thuận đã thụ lý vụ kiện hành chính “khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai” do ông Vũ Chí Công đại diện cho Vạn Trụ đứng đơn khởi kiện. Người bị kiện là UBND tỉnh Bình Thuận, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là TKV.
“Chúng tôi đã tuyệt vọng khi các khiếu nại, kêu cứu không được xem xét, giải quyết thấu đáo, vì vậy khởi kiện là con đường cuối cùng, dù chúng tôi không hề mong muốn”, ông Công chia sẻ. Sự việc là “chẳng đặng đừng”, bởi chẳng ai muốn rắc rối, “gây gổ” với chính quyền Bình Thuận khi doanh nghiệp đang đầu tư và làm ăn tại biển Kê Gà. Nhưng không kiện không được, vì việc giải quyết khiếu nại của Vạn Trụ đã rơi vào ngõ cụt và có nguy cơ bị quên lãng từ những người có trách nhiệm.
Theo nội dung yêu cầu khởi kiện, Vạn Trụ yêu cầu toà buộc UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho Công ty Vạn Trụ; là cơ sở để TKV thi hành việc bồi thường cho Vạn Trụ. Tổng chi phí yêu cầu bồi thường của người đại diện Vạn Trụ là 29,4 tỷ đồng.
Tại các phiên đối chất, hoà giải giữa Vạn Trụ, UBND tỉnh Bình Thuận (do Phó Giám đốc Sở Tài chính Ngô Hiếu Toàn làm đại diện theo uỷ quyền) và TKV, dường như tất cả ba bên không tìm được tiếng nói chung. Về phía TKV, họ cho rằng việc đòi bồi thường của Vạn Trụ “không có căn cứ” bởi Vạn Trụ “không bị thiệt hại khi TKV triển khai dự án cảng Kê Gà”. Đồng thời việc áp dụng bồi thường, hỗ trợ thiệt hại chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp chấp hành chủ trương của tỉnh. TKV cho rằng Vạn Trụ “không chấp hành chủ trương”.
Về phía UBND tỉnh Bình Thuận, có lẽ vụ việc lôi nhau ra toà đã khiến “hoà khí” giữa tỉnh và Vạn Trụ không còn nhiều, cho nên đại diện của UBND tỉnh cũng đề nghị toà không xem xét yêu cầu của Vạn Trụ vì “không có căn cứ”. Trong một văn bản gửi toà, người đại diện của UBND tỉnh là ông Ngô Hiếu Toàn cho rằng Công ty Vạn Trụ “không chứng minh được thiệt hại và tiếp tục xây dựng công trình sau khi đã bị thu hồi đất. Đồng thời, đầu năm 2018, TKV đã có thông báo với UBND tỉnh thống nhất không bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp”.
Sự “quay ngoắt” của UBND tỉnh Bình Thuận còn thể hiện ở chỗ, đầu năm 2018 tỉnh đã thống nhất “ để TKV thuê tư vấn pháp luật cùng làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho Vạn Trụ”. Thế nhưng khi lôi nhau vào vòng tố tụng, vị đại diện của UBND tỉnh cũng không hề nhắc lại văn bản trên trong các buổi hoà giải, đối chất tại toà.
Với người đã mất gần một phần ba cuộc đời cho dự án biển Kê Gà, nơi bấu víu gần như duy nhất của ông Vũ Chí Công bây giờ là một bản án, một phán quyết từ người “cầm cân nảy mực”. Ngồi bên chồng đơn từ, ông Công nói: “Những mất mát của Vạn Trụ có những điều có thể đo đếm được như tiền bạc, có những điều không thể đo đếm như thời gian, như nhiệt huyết làm ăn”. Môi trường đầu tư của Bình Thuận, uy tín của TKV cũng bị sứt mẻ. Một cán bộ hưu trí của UBND tỉnh Bình Thuận từng chia sẻ, hơn mười năm qua, Bình Thuận và TKV đã mất quá nhiều cơ hội vì trông chờ vào dự án cảng biển Kê Gà. Doanh nghiệp thiệt hại, môi trường đầu tư vẩn đục, uy tín của mất mát và vùng biển Kê Gà tuyệt đẹp không theo kịp với đà phát triển du lịch, đi thụt lùi so với sự phát triển đến vài chục năm.
Và thiệt hại này sẽ còn to lớn hơn nữa, ảnh hưởng tới tương lai, nếu Bình Thuận và TKV không nhìn nhận đánh giá lại sự việc, thừa nhận những sai lầm, không hành xử kiểu “được – thua” với những “nạn nhân” của mình.
PLVN sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến của cơ quan chức năng, ý kiến các chuyên gia, bình luận pháp lý về sự việc.