Chiều 25/10, Công an huyện Chương Mỹ phát hiện xe tải do Nguyễn Văn Đức (25 tuổi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) điều khiển vận chuyển 2,506m3 gỗ sưa trên tỉnh lộ 419, có nguồn gốc từ thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ). Ông Vũ Văn Xuyện (Trưởng thôn Phụ Chính, Hòa Chính) và Đinh Công Thường (Chi Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính) là người đứng tên bán với giá 20,5 tỷ đồng…
Chặt cành sâu bán sửa chùa?
Chiều 4/11, phóng viên Báo PLVN tìm về thôn Phụ Chính - nơi các đối tượng liên quan thu mua gỗ sưa khai nhận đã mua. Ông Nguyễn Văn Du (Chi hội phó, Chi hội Người Cao tuổi – CHNCT- thôn Phụ Chính) cho hay: “Số gỗ này chúng tôi thu gom từ số cành gãy tự nhiên sau trận mưa bão đêm 12/9 và các cành của cây đã bị sâu trong lõi”.
Cây gỗ sưa vẫn lưu vết cưa còn mới |
Quan sát hai cây sưa trước cổng chùa Phụ Chính, ai cũng thấy còn lưu vết cưa còn mới. Điều này trái với lời khai ban đầu của một số cá nhân có liên quan tại cơ quan công an rằng số gỗ sưa bị bán là các cành cây gãy rụng được thu gom sau trận mưa lớn. Tuy nhiên, việc CHNCT bán gỗ sưa lại được người dân địa phương đồng tình. “Tất cả số gỗ đó là từ những cảnh sâu, mục hay gãy ấy mà” - Một người dân nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc này bắt đầu từ cuối tháng 7, sau khi CHNCT trong thôn họp bàn, lấy ý kiến của người dân. Khi được sự nhất trí của toàn dân trong thôn đồng ý cho các cụ bán để lấy tiền trả nợ xây đình và xây chùa mới, Ban Khánh tiết thôn đã báo cáo chính quyền xã Hòa Chính và việc bán số gỗ sưa trên đã được UBND xã Hòa Chính đồng ý. Ngay sau đó, CHNCT thôn Phụ Chính đã quyết định cho khai thác các cành sưa già, cỗi, nguy cơ gãy rụng để trả số nợ hơn một tỷ đồng trong công trình xây dựng đình Phụ Chính và nhiều công trình khác của thôn đang cần kinh phí để tu sửa.
Thôn đã thành lập Ban khai thác gỗ sưa với 22 thành viên và xây dựng kế hoạch đốn hạ sưa để trả nợ. Giữa tháng 9, sau một trận mưa lớn, một số cành bị gãy, công việc khai thác gỗ sưa được thôn Phụ Chính gấp rút tiến hành. “Hôm các cụ khai thác các cành cây gỗ sưa, tôi đi qua đó cũng chạy vào giúp các cụ một tay. các cụ cao tuổi rất cẩn thận, đã cho đo đạc, ghi chép lại toàn bộ khối lượng khai thác được rồi cho vào kho của nhà văn hóa thôn bảo quản”- anh Nguyễn Huy Đoàn (cán bộ y tế xã Hòa Chính) cho hay.
“Ban khai thác gỗ sưa” thôn Phụ Chính đã quyết định ra giá 26 tỷ cho 2,6m3 gỗ. Sau nhiều lần ngã giá, đến ngày 15/10, anh Nguyễn Văn Thái (ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) đồng ý mua lô gỗ sưa trên với giá 20,5 tỷ đồng. Nhưng khi nhận tiền, cả thôn bàng hoàng vì… chưa tính đến việc tìm nơi để cất giữ. Qua nhiều lần bàn tán và nhiều cuộc họp nóng, lãnh đạo thôn Phụ Chính đã ra quyết định mua két sắt, để trong chùa và cắt cử 22 thành viên uy tín cao trong làng thay phiên nhau trông giữ ngày đêm.
Của dân, dân bán?
Theo Công an huyện Chương Mỹ, việc người dân trong thôn tự ý thuê người cưa cắt cây sưa ở trong chùa khi chưa báo cáo đến chính quyền sở tại là việc làm trái luật. Chính quyền xã đã thiếu quyết liệt, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ cây sưa trên địa bàn.
Liên quan đến số tiền người dân thôn Phụ Chính thu được sau khi bán gỗ, ông Đinh Văn Kim (hội viên người cao tuổi thôn Phụ Chính) cho biết, ngân hàng đã phong tỏa số tiền hơn 20,5 tỷ đồng mà người dân đang gửi trong 10 quyển sổ tiết kiệm đặt trong két sắt ở chùa Phụ Chính, để tiếp tục tiến hành điều tra.
Ông Đinh Văn Kim (thành viên Hội người cao tuổi thôn Phụ Chính): “Việc bán gỗ sưa được sự đồng ý của dân, Hạt kiểm lâm và chính quyền xã” |
Sau khi cây gỗ sưa bị người dân chặt hạ, Hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ đã đến làm việc với chính quyền xã Phụ Chính thực hiện việc đo đạc và lập biên bản có nội dung khẳng định: hai cây gỗ sưa tại chùa thôn Phụ Chính trồng bằng nguồn vốn tự có và được nhân dân thôn Phụ Chính chăm sóc, quản lý. Vì vậy, 2,5m3 gỗ này có nguồn gốc hợp pháp. Nhân dân thôn Phụ Chính toàn quyền quản lý sử dụng. Sau đó, khi người dân thôn Phụ Chính có đơn xin tiêu thụ số gỗ trên, một lần nữa Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ lại đóng dấu búa kiểm lâm lên số gỗ bị chặt hạ.
Việc mua bán gỗ sưa không phải lần đầu
Việc chặt hạ các cành của cây gỗ sưa trong chùa mà hội người cao tuổi bán được sự nhất chí của chính quyền UBND xã Hòa Chính cũng như Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ. Ông Lê Văn Bảy (Chủ tịch UBND xã Hòa Chính) thừa nhận, bản thân ông và lãnh đạo xã đã thiếu trách nhiệm để xảy ra sự việc đốn hạ cây sưa.
Hôm người cao tuổi cho tiến hành chặt hạ các cành cây gỗ sưa cũng có sự góp mặt của tổ công tác Hạt kiểm lâm huyện Chương Mỹ để giám sát, đo đạc, anh Đoàn cho biết: “Sau khi quá trình khai thác gỗ sưa, thông tin về việc khai thác cũng như khoản tiền bán gỗ sưa này cũng đã được thông tin trên loa phát thanh để cho toàn dân biết”.
Đây không phải là lần đầu, chính quyền thôn Phụ Chính bán gỗ sưa. Theo một số người dân thì trước đó thôn cũng bán một khúc gỗ sưa với giá 2 triệu/kg để trang trải vào các khoản chi phí việc của làng; còn vụ bán vừa rồi, giá gỗ đã lên tới gần 8 triệu/kg.
Tại Việt Nam, sưa được xếp vào loại gỗ quý hiếm nhóm 1A, Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng gỗ sưa vì mục đích thương mại. Từ ba năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra chỉ thị cấm khai thác, tận thu gốc, rễ, cành, ngọn, mảnh vụn của gỗ sưa từ rừng tự nhiên và gây trồng.
Tuy nhiên việc chặt cây gỗ sưa vẫn diễn ra và liệu hành vi trên có vi phạm pháp luật?
PV
Vụ chặt bán cây gỗ sưa ở sân đình đang có nhiều ý kiến khác nhau: Công an nói vi phạm nhưng kiểm lâm lại bảo không. Để làm rõ các quy định của pháp luật liên quan, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Lê Văn Đài và Luật sư Chu Mạnh Cường về vấn đề này: * Thưa Luật sư Lê Văn Đài, Công an huyện Chương Mỹ cho rằng, việc chặt bán cây gỗ sưa ở sân đình là vi phạm pháp luật, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này? - Nếu nói người dân “vi phạm” thì phải chỉ ra họ vi phạm quy định nào của pháp luật, mức độ vi phạm hành chính hay hình sự chứ nói vi phạm chung chung thì không rõ ràng, gây khó khăn cho việc quản lý, sử dụng tài sản của cộng đồng dân cư. Về quyền chặt bán gỗ sưa tại cổng chùa Phụ Chính, căn cứ quy định của pháp luật thì tôi thấy đây là việc làm không trái pháp luật. Vì theo quy định của pháp luật, việc chặt cây này không vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng kể cả ở mức độ hình sự hay hành chính. * Vậy theo ông, cơ sở nào để xác định chặt và bán cây gỗ sưa là không trái pháp luật? - Gỗ sưa là loại gỗ tự nhiên nhưng được người dân trồng trong vườn nhà hoặc sân, vườn của đình, chùa, không thuộc phạm vi quản lý và điều chỉnh của pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Nói cách khác, chặt một cây gỗ trong vườn thì không thể gọi “phá rừng” được, đặc biệt cây gỗ đó lại là kết quả của công sức nuôi trồng, quản lý của người chặt. Theo Quyết định 1124/1997/QĐ-TTg ngày 25/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 01/1998/TT/BNN-PTLN ngày 10/01/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cá nhân, tập thể là chủ sở hữu của gỗ vườn có quyền khai thác gỗ trong vườn nhà. Mặc dù gỗ sưa không phải là gỗ vườn hay gỗ rừng trồng, nhưng đã được trồng và quản lý trong vườn thì người trồng được phép khai thác. * Thưa Luật sư Chu Mạnh Cường, việc khai thác gỗ trong vườn có phải báo cáo chính quyền địa phương và kiểm lâm không? - Theo quy chế về khai thác gỗ và lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì việc khai thác gỗ rừng trồng phân tán, gỗ vườn do chủ sở hữu quyết định. Khi khai thác gỗ vườn, gỗ rừng trồng phân tán, đặc biệt là gỗ quý thuộc nhóm I.A và 2.A cũng phải báo với chính quyền và kiểm lâm để quản lý nguồn gốc gỗ, đảm bảo cho việc vận chuyển và chế biến gỗ sau này. * Ông đánh giá như thế nào về việc cơ quan kiểm lâm cho phép tiêu thụ khối lượng gỗ khai thác từ cổng chùa Phụ Chính? - Cơ quan kiểm lâm đã có mặt trong lúc khai thác gỗ và xác định rõ nguồn gốc rõ ràng thì việc họ cho tiêu thụ là đúng. Ở đây phải nhắc lại là gỗ quý trồng trong vườn nên cơ quan kiểm lâm xác định là tài sản của dân, được phép khai thác nên họ cho khai thác. Nếu không phải là chủ tài sản mà khai thác thì mới vi phạm pháp luật, xâm hại tài sản của cá nhân, tổ chức. Khi chủ tài sản khai thác gỗ cần báo cáo với chính quyền và cơ quan kiểm lâm để kiểm soát nguồn gốc gỗ là đủ. Tôi cho rằng, việc khai thác này không trái pháp luật thì cơ quan kiểm lâm không thể ngăn cản nên họ cho khai thác, vận chuyển là đúng.
Xuân Bính (thực hiện)