Những dòng nước đủ mọi thứ màu xanh, đỏ, tím, vàng... cứ cuồn cuộn chảy ra các con kênh trong khu dân cư. Những ống nước ngầm xả trộm bốc hơi nghi ngút, mùi hôi nồng nặc tỏa ra làm bầu không khí bị ô nhiễm nặng.
Ngang nhiên và thách thức
Dọc con đường Kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM), người dân vô cùng bức xúc khi mùi hôi nồng nặc của con kênh này vẫn ngày ngày bốc lên. Dù địa phương đã có nhà máy xử lý nước thải với quy mô hoành tráng trên khu đất rộng 35ha, nhưng nước trên kênh vẫn đen kịt, đặc sánh.
Bọt tung trắng xóa trên mặt hồ xử lý nước thải. |
Bà Nguyễn Thị Mỹ (ở đường Kênh Nước Đen) kêu trời: “Người dân chúng tôi thấy tình hình có được thay đổi chút nào đâu. Mấy chục năm nay vẫn vậy, nước vẫn đủ thứ màu tùy vào thời điểm và luôn luôn bốc mùi rất khó chịu. Tại khu vực này đã có hàng chục người bị ung thư rồi, không biết nguyên nhân từ đâu nữa, ai cũng lo lắng...”.
Theo quan sát của phóng viên, nước ở phía thượng nguồn kênh lấy vào Xí nghiệp xử lý nước thải Bình Hưng Hòa cũng có màu đen đặc. Ở hạ nguồn, nước được xả ra cũng có màu sắc đáng lo ngại như vậy.
Ống xả nước thải của một cơ sở nhuộm vải. |
Giải thích về vấn đề này, ông Từ Quang Minh - Giám đốc Xí nghiệp xử lý nước thải Bình Hưng Hòa nói: “Người dân phản ánh cũng đúng thôi, vì nhà máy chỉ có công suất xử lý 30.000m3/ngày đêm, trong khi đó lượng nước thải trên Kênh Nước Đen là rất lớn và nhà máy không thể xử lý hết được. Hơn nữa, nhà máy này thiết kế chỉ để xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp sục khí và lắng lọc theo công nghệ sinh học, trong khi đó nước thải công nghiệp cũng chảy chung vào Kênh Nước Đen còn quá nhiều nên không thể xử lý nổi”.
Điều tra của phóng viên cho thấy, khu phố 3 (phường Bình Hưng Hòa A) có hàng chục cơ sở nhuộm vải tồn tại bấy lâu nay và vẫn đang hoạt động. Cả các cơ sở này đều không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng vẫn để “trùm mền”, vì thế cứ tuồn thẳng nước thải ra môi trường.
Chúng tôi đã thâm nhập vào trong tường rào cao của Xí nghiệp xử lý nước thải Bình Hưng Hòa để tìm hiểu ngọn ngành. Vào đây mới thấy, con mương chỉ dài khoảng 200m nhưng có đến hàng chục ống cống của các cơ sở nhuộm vải - cả lộ thiên lẫn cống ngầm - xả ra những dòng nước đủ loại màu sắc và bốc khói nghi ngút như nồi nước sôi khổng lồ.
Nhìn những dòng nước bốc khói nghi ngút và bốc mùi hăng nồng, đăng đắng ấy là đủ biết nó rất độc hại. Ông Minh cho biết, có lần công nhân môi trường đã thử lội xuống những dòng nước này rồi bị bỏng rát, sưng tấy. Mới đây, bọt còn tung trắng xóa ở tất cả các hồ xử lý nước thải, bọt bay lên bãi cỏ và làm chết hết cỏ. “Chúng tôi nghi ngờ vào thời điểm đó các cơ sở nhuộm vải đã tiến hành súc rửa nên hóa chất quá nhiều và gây ra hiện tượng đó” - ông Minh nói.
Chưa hết, những cơ sở nhuộm vải này đều sử dụng các loại củi cao su để đốt lò nên còn gây nên tình trạng khói mù mịt và “hầm” cả khu dân cư trong chảo nóng. Chính những điều đó khiến cho cuộc sống người dân nơi đây đảo lộn vì tiếng ồn, vì mùi hóa chất, vì nóng nực và cả bệnh tật.
Chính quyền bị cái gì che mắt?
Người dân xưa nay vô cùng bức xúc vì sự tồn tại của các cơ sở gây ô nhiễm và họ đã phản ánh, kêu cứu khắp nơi mà chưa được “giải cứu”. Ông Minh nói: “Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát tình hình để nắm bắt cụ thể các cơ sở gây ô nhiễm. Có những lúc nhân viên đi khảo sát đã bị người ta thóa mạ, đe dọa lấy máy ảnh... Trong phạm vi khả năng, chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần nhằm giảm thiểu tình trạng này nhưng vẫn chưa đâu vào đâu”.
Ở góc độ khác, ông Võ Văn Phụng - cán bộ quản lý kinh tế - môi trường phường Bình Hưng Hòa A - cho biết: “Địa phương thường xuyên kiểm tra xử lý, thế nhưng kiểm tra đằng này thì đằng kia đã đóng cửa, ngừng hoạt động. Họ căn khoảng 3h, 4h sáng mới đốt củi và xả thải nên rất khó xử lý”.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì các cơ sở nhuộm vải chất từng đống củi gỗ rất lớn, đốt liên tục cả ngày lẫn đêm một cách công khai chứ chẳng lén lút gì cả. Vì việc này, người dân càng đặt câu hỏi tại sao các cơ sở này tồn tại, hoạt động rất công khai và xả chất độc trực tiếp ra môi trường bấy lâu nay một cách ngang nhiên mà không bị cưỡng chế di dời?
Khi chúng tôi tìm gặp một số cơ sở để tìm hiểu quy trình xử lý và xả thải, họ đã thẳng thừng từ chối. Khi chụp ảnh, phóng viên nhận được những ánh mắt lườm nguýt và lời đe dọa, thách thức. Chẳng nhẽ các cơ quan chức năng đã phải bó tay với những cơ sở này? Chẳng nhẽ người dân nơi đây cứ phải chung sống với “thảm họa” mãi hay sao?
Ngọc Quý