Nói chuyện với cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II, trực tiếp lên tàu cứu hộ SAR 412 để tìm hiểu về tình hình, công tác cứu hộ cứu nạn trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Trung tâm đã đạt được thời gian qua. Nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã dũng cảm, lăn xả, không ngại sóng to, gió lớn, bất chấp nguy hiểm để cứu người gặp nạn.
Là cơ sở cứu hộ, cứu nạn hoạt động trên toàn bộ vùng biển miền Trung và cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, năm 2016, Trung tâm đã cứu hộ, cứu nạn thành công gần 1.000 người; hạn chế được số lượng người chết, mất tích trên biển.
Thủ tướng nhấn mạnh, “một người ra khơi đánh cá thì gia đình họ mong ngóng hằng ngày”, do đó công tác cứu hộ, cứu nạn hàng hải luôn là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa lớn với tinh thần “tính mạng con người là trên hết”. Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, mới đây nhất đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, số lượng tàu cá vươn khơi sẽ nhiều hơn, từ đó gia tăng áp lực cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Vì vậy, Thủ tướng mong muốn Trung tâm tiếp tục phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tương xứng với số lượng tàu cá ngày càng gia tăng của Việt Nam; đồng thời đáp ứng yêu cầu cứu nạn, cứu hộ tàu thuyền qua lại trong khu vực.
Mô tả ảnh |
Thủ tướng tán thành với đề xuất tiếp tục nghiên cứu, tìm nguồn lực triển khai đóng mới một số tàu cứu nạn, cứu hộ, tạo điều kiện để thời gian tới có thêm những tàu hiện đại, đạt tiêu chuẩn với độ an toàn cao, đáp ứng yêu cầu hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng bố trí địa điểm thuận tiện cho Trung tâm trong công tác luyện tập, bảo đảm xuất phát kịp thời để triển khai nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi đặc cho cán bộ, nhân viên làm công tác cứu hộ, cứu nạn trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của Trung tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh, nghiệp vụ, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm đối với công việc; phối hợp tốt với các lực lượng hải quân, biên phòng và các lực lượng trên biển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; qua đó góp phần củng cố niềm tin, động viên ngư dân ra khơi đánh bắt, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
* Chiều cùng ngày, đến thăm Cảng Đà Nẵng và trao đổi với cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của cảng biển; nếu có một cảng container tăng trưởng 5%/năm thì GDP của địa phương đó tăng 0,5%.
Với mối liên quan giữa hàng hóa ra vào cảng với tăng trưởng của địa phương rất chặt chẽ, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quan tâm đầu tư, khắc phục những vướng mắc về giao thông, tạo điều kiện cho Cảng phát triển, coi đó là "trái tim" để phát triển kinh tế địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của Cảng Đà Nẵng về an ninh, quốc phòng, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử, góp phần quan trọng kết nối Đà Nẵng với Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Do vậy, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.
Về những nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước tiên phải nâng cao năng lực bốc xếp. Đẩy mạnh quảng bá về Cảng Đà Nẵng gắn với quảng bá về trung tâm du lịch Việt Nam ở Đà Nẵng. Cảng cần cải cách đổi mới tốt hơn, phối hợp với các ngành chức năng để làm các thủ tục nhanh nhất, tiết kiệm thời gian cho khách.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong 250 loại công việc cần giải quyết để đưa môi trường đầu tư Việt Nam vào top ASEAN 4 trong năm 2017 thì có vấn đề về thủ tục hải quan ở cảng biển. Do đó, các lực lượng biên phòng, hải quan, cảng vụ, kiểm dịch… phải cùng phối hợp, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo thuận lợi để tàu ra vào cảng. Đây là tiêu chí quan trọng đóng góp vào cải thiện môi trường kinh doanh.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Cảng Đà Nẵng là quy hoạch phát triển Cảng Liên Chiểu thành một trung tâm logistics của Cảng Đà Nẵng. Cần nghiên cứu các nguồn vốn đầu tư theo các hình thức như đối tác công-tư (PPP), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)…
Thủ tướng cũng cho rằng cần đầu tư để Cảng Tiên Sa trở thành trung tâm thu hút các tàu biển du lịch, với lợi thế núi non, phong cảnh đẹp nơi đây. Thế giới đang có xu hướng xúc tiến xây dựng các cảng biển du lịch, Thủ tướng yêu cầu cần phải tập trung vào nhiệm vụ này, từ đó thu hút khách du lịch vào khu vực miền Trung./.