Trong khi các đài truyền hình đang thiếu trầm trọng phim về đề tài lịch sử, đặc biệt là lịch sử cách mạng thì “Chiến hạm nổ tung” được công chiếu như “đặc sản” đang cuốn hút các tầng lớp khán giả trong và ngoài nước.
“Chiến hạm nổ tung” là bộ phim truyền hình dài 30 tập đang được trình chiếu vào 17h30 từ ngày 20/8 trên sóng HTV9. Tác giả kịch bản Đại tá, nhà văn Nguyễn Xuân Hải dựa theo tiểu thuyết tình báo nổi tiếng“Câu lạc bộ chính khách” của nhà văn Lê Tri Kỷ, đồng đạo diễn: đạo diễn Trần Chí Thành, Thượng tá, đạo diễn, NSƯT Khương Đức Thuận; Cố vấn nghệ thuật: đạo diễn Long Vân, cố vấn nghiệp vụ:Trung tướng, nhà văn Hữu Ước.
Phim được đặt hàng bởi Đài Truyền hình TP HCM, với kinh phí 400 triệu/tập, do Hãng phim Hòa Bình và Phát Nam Thiên sản xuất.
Đại tá- nhà văn Nguyễn Xuân Hải, đạo diễn Long Vân, diễn viên Xuân Trường, Thượng tá, đạo diễn, NSƯT Khương Đức Thuận (từ trái qua phải) |
“Chiến hạm nổ tung” làm sống lại chiến công lừng lẫy của tổ điệp báo Tổ điệp báo A13 (Công an Hà Nội) gồm các điệp báo viên Chu Duy Kính, Hoàng Đạo, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi do Văn Hoàng chỉ huy, đã đánh đắm chiến hạm Amyot D’Inville; chôn vùi hàng trăm binh lính và sĩ quan Pháp, cùng hàng trăm tấn vũ khí, khí tài của quân xâm lược; ngăn chặn cuộc tấn công của chúng vào căn cứ kháng chiến của ta.
Sau thất bại chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông, Pháp đã lôi kéo rất nhiều lực lượng chống lại cộng sản. Lợi dụng tình hình này, tình báo Việt Minh đã dựng lên Phục Việt do Văn Hoàng chỉ huy. Khi Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp sốt sắng hợp tác với lực lượng của Phục Việt mở một cuộc tấn công vào vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, hậu phương lớn của Việt Minh; cơ quan điệp báo đã tương kế tựu kế yêu cầu quân đội Pháp phải trang bị vũ khí khí tài cho Phục Việt.
Sau khi bàn giao vũ khí cho lực lượng Phục Việt tại vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), trên đường tiếp tục cuộc hành trình, chiến hạm Amyot D’Inville đã bị nổ tung. Người ở lại chiến hạm địch cùng chiếc va li đựng 30kg thuốc nổ là nữ điệp báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lợi – người phụ nữ Nam bộ, quê Châu Đốc. Việc đánh đắm chiến hạm không chỉ đập tan âm mưu của quân đội Pháp đánh vào vùng tự do khu 4, làm thiệt hại về vũ khí, binh lính mà còn làm sụp đổ một mưu đồ chính trị dẫn đến mâu thuẫn nội bộ của kẻ xâm lược.
Khi chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, bà mới 39 tuổi, nhưng đã hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện khi được hi sinh xương máu của mình cho Tổ quốc. Và cuộc đời bà, cuộc đời của một người nữ chiến sĩ Công an nhân dân anh hùng đã trở thành huyền thoại trong câu chuyện của những người còn sống.
Phim hấp dẫn bởi chính câu chuyện và những nhân vật có trong lịch sử. Nhưng để sinh động, nhà văn Lê Tri Kỷ đã hư cấu thêm về câu chuyện cuộc đời của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Tên của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi là do công an đặt tên để hoạt động tình báo còn tên thật nguyên mẫu là Trần Thị Lời.
Việc tìm kiếm bối cảnh cho phim là rất khó khăn, vì phim nói về giai đoạn những năm cuối 40 đầu 50 thế kỷ trước, nhưng tìm được một chiếc tàu để thể hiện chiến hạm của Pháp lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ mới kỳ công.
Một cảnh trong phim |
Thượng tá, đạo diễn NSƯT, Khương Đức Thuận đã rất vất vả để tìm được chiến hạm này. Sau một thời gian tìm kiếm vất vả, khó khăn, được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn phim đã mượn được một chiếc tuần dương hạm và tổ chức quay tại Vũng Tàu. Ban giám đốc Công an Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã nhiệt tình giúp đoàn tìm được 14 người nước ngoài đủ tiêu chuẩn lên tàu… đóng giả lính Pháp.
Đạo diễn Long Vân, cố vấn nghệ thuật của phim “Chiến hạm nổ tung” chia sẻ, đây là một bộ phim lịch sử, vì vậy để có một bộ phim hoàn chỉnh được lên sóng là cả một sự nỗ lực hết sức của ê-kíp làm phim bởi tất cả việc phục dựng chi tiết lịch sử để làm phim đều rất khó khăn, phải giống như mấy chục năm về trước. Về mặt kỹ thuật, một cái khó nữa - rất chung đối người làm phim hiện nay khi làm phim đề tài lịch sử cách mạng - là tìm và dựng bối cảnh.
Ngoài ra, yếu tố kinh phí cũng một lần nữa làm khó ê-kíp làm phim, nhất là kinh phí dành cho việc làm phim truyền hình hiện nay vẫn còn cách xa đối với nhu cầu làm phim lịch sử. Tuy nhiên, đoàn làm phim đã cố gắng hết sức để làm một bộ phim đúng chất lịch sử về sự kiện đặc biệt này.
Đại tá Kim Sơn- một trong những điệp báo viên năm nào rưng rưng: “Khi được xem trọn bộ 30 tập phim, tôi thấy bồi hồi, xúc động. Những thước phim đã khiến tôi nhớ về những tháng ngày đầy kỷ niệm hào hùng. Tôi chấm bộ phim này 5 điểm, nhưng là 5 điểm Nga!”.
Cảnh cháy, nổ chiến hạm sẽ khiến cho người xem xúc động trước chiến công oai hùng của lực lượng tình báo Công an nhân dân trong thời kì đầu non trẻ mới thành lập. Với thời gian quay gần một năm, bối cảnh trải dài từ Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, Vũng Tàu, TP.HCM, với lòng yêu nghề và sự lao động sáng tạo nghiêm túc, hết mình, đoàn làm phim đã hoàn thành “Chiến hạm nổ tung”, thể hiện câu chuyện tình báo hấp dẫn, đầy cảm động. Bộ phim đã tôn vinh sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng Công an, tri ân một chiến tích anh hùng và những người thầm lặng hy sinh.
Thùy Dương