Gần 200 tài liệu, hiện vật theo các thời kỳ lịch sử: 10 thế kỷ đầu công nguyên, thời Lý - Trần, thời Lê sơ- Mạc, thời Lê Trung Hưng-Tây Sơn và thời Nguyễn được “trình làng” trong phòng trưng bày “Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tôn Đản, Hà Nội) từ ngày 25/2/2013 đến hết tháng 8/2013.
Tượng Bồ Tát Quan Âm bằng gỗ được sơn son thếp vàng, thời nhà Mạc, thế kỷ 16. |
Các loại hình hiện vật bao gồm: tranh, tượng Phật, vật liệu trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí, bia ký… Đầu tượng Phật Đồng Dương; Tượng Phật, tượng Bồ tát văn hóa Chămpa; Tượng Phật bằng gỗ, đá văn hoá Óc Eo, Chuông đồng thế kỷ 9 - 10; Mô hình tháp thời Đinh – Lê; Vật liệu kiến trúc trang trí hình Phật thời Đinh – Lê; Đĩa sứ kí kiểu thời Nguyễn vẽ tích thiền sư Pháp Thuận tiếp sứ Lý Giác nhà Tống; Cột kinh Đinh Liễn, Trang trí kiến trúc chùa Phật Tích: lá đề trang trí hình rồng, tượng Kim Cương, tượng Kinnari, đố cửa…;Bệ kê chân cột, cổ bệ tượng Phật chùa Phật Tích; Mô hình tháp đất nung; Tượng Phật gốm, đất nung; Bát cúng Phật, đài sen; Chuông Vân Bản, cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh, tháp đất nung thể khối lớn thời Trần.
Trong lịch sử phát triển gần 2000 năm qua, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống những ngôi chùa, những bảo tháp nổi tiếng còn lại đến ngày nay như chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Bình Sơn (Phú Thọ)...
Các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo không chỉ mang đậm dấu ấn Việt Nam mà còn phản ánh mối giao lưu văn hóa trong khu vực.
Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó với cảnh quan chung. Mỗi ngôi chùa là một danh lam cổ tích, từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo ở Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc Việt Nam. |
Từ triều Đinh- Tiền Lê đến triều Lý- Trần, Phật giáo đã trở thành Quốc giáo. Đặc biệt, dưới vương triều Trần, vua Trần Nhân Tông là vị tổ thứ Nhất của dòng thiền Trúc Lâm, mở ra một dòng Phật giáo đặc sắc Việt Nam. Dưới triều Lý - Trần, có “Tứ Đại Khí” rất nổi tiếng là tháp Báo Thiên (1057), chuông Quy Điền (1080), vạc Phổ Minh (1262) và tượng Phật Di Lạc chùa Quỳnh Lâm. Đáng tiếc thay “Tứ Đại Khí” này đều bị quân Minh xâm lược tàn phá ở thế kỷ XV.
Thời Lê sơ, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và là nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị và xã hội. Dấu tích mỹ thuật thời Phật giáo thời Lê Sơ hiện tồn rất ít. Nhà Mạc tuy vẫn đề cao Nho giáo nhưng không hạn chế những tư tưởng phi Nho nên Phật giáo bắt đầu có dấu hiệu phục hưng.
Giai đoạn này còn để lại cho hậu thế nhiều di sản có giá trị như tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Đào Xuyên (Hà Nội)... cùng nhiều chân đèn, lư hương được đặt làm có minh văn ghi rõ niên đại, nghệ nhân chế tác, người đặt làm và tên chùa được cung tiến.
Thời Lê Trung Hưng - Tây Sơn, nhiều ngôi chùa lớn được trùng tu hoặc dựng mới, như chùa Keo (Thái Bình) chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) chùa Mía, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Bộc (Hà Nội)…
Ngoài ra, di sản văn hóa Phật giáo thời kỳ này còn để lại nhiều kiệt tác điêu khắc như tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp, chùa Mễ Sở (Hưng Yên), hệ thống tượng chùa Tây Phương... Đặc biệt là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh đúc vào thời Tây Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia Việt Nam.
Thời Nguyễn đã để lại cho dân tộc một khối di sản văn hóa Phật giáo đồ sộ. Hàng ngàn ngôi chùa làng từ Bắc chí Nam được trùng tu, đúc chuông, tô tượng; hàng loạt bộ kinh phật được in khắc; nhiều bộ tranh thờ Phật giáo bằng gỗ, giấy được chạm, vẽ...
Do kinh thành Huế trở thành trung tâm chính trị của cả nước nên chùa chiền ở đây phát triển mạnh. Nếp chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt Nam, nhưng đã hình thành một phong cách riêng mang đậm sắc thái Huế với các đặc trưng tinh tế, giản dị; không đồ sộ, khoa trương; ẩn tàng hài hòa với thiên nhiên.
Thông qua “Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam”, tuy chỉ là một phần rất nhỏ trong khối di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu tới công chúng tham quan những nét đặc trưng cùng những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc.
Thùy Dương