Đô thị trung tâm giao thông và logistics
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, Biên Hòa hiện đang có lợi thế bởi tiếp cận với 2 tuyến vành đai của vùng TP HCM là vành đai 3 và vành đai 4, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm TP HCM và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; đầu mối logistics quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.
Toàn cảnh hội nghị. |
“Với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và 5 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch, sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn có hướng tuyến kết nối Biên Hòa và các khu vực lân cận của vùng. Ngoài ra, Thủ tướng đã quyết định quy hoạch sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng, quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế đến năm 2030 dự kiến 10 triệu hành khách/năm. Đây là những lợi thế lớn để Biên Hòa trở thành đô thị trung tâm của kết nối giao thông và logistics của toàn vùng”, tiến sĩ Trần Anh Tuấn nói.
Theo UBND TP Biên Hòa, Thành phố định hướng chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, phát triển hệ thống các trung tâm dịch vụ tổng hợp về chuyên ngành; phát triển không gian xanh lấy sông Đồng Nai là trọng tâm; tăng cường vai trò của vùng đô thị trung tâm Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai và là một đầu mối cụ thể thành vùng công nghiệp đô thị Đông Nam bộ.
Đặc biệt, Thành phố Biên Hòa sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm logistics phía Đông của Vùng khi các tuyến giao thông quan trọng của vùng kết nối trực tiếp như Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3, vành đai 4; hệ thống cảng biển, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
“Đối với trục kết nối sân bay Long Thành, liên tuyến đô thị sân bay cũng là một cơ hội và là thách thức không nhỏ. Đòi hỏi quy hoạch phải đặt trong mối quan hệ tổng hòa, hội tụ cho Biên Hòa. Ví dụ như giải pháp tập trung phát triển vùng nén, nhấn trọng tâm, cao tầng ở hướng này một cách hợp lý, không ảnh hưởng phễu bay, để góp phần làm nên sự vượt trội và đối trọng của đô thị Biên Hòa”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.
Khuôn viên Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng (TP Biên Hòa). |
Ông Sơn cho rằng Biên Hòa cần chú trọng quy hoạch không gian kiến trúc cửa ngõ có sức đương đầu ngang hàng và tạo sức hút đối với đô thị ở vùng cửa ngõ giáp TP HCM, Bình Dương, kể cả ở dọc tuyến giao thông liên vùng và dọc bờ bắc sông Đồng Nai, để từ đó dành quỹ đất và xác lập chức năng đô thị phù hợp.
Dựa trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung đã được phê duyệt, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều khu vực lân cận có nguy cơ ngập, thì Biên Hòa có thể tận dụng lợi thế ở vùng đất cao để phát triển theo định hướng đô thị không ngập. Chú ý quy hoạch phát triển hướng sông Đồng Nai, vì Biên Hòa có mặt tiền sông rất đẹp, ít nơi nào có được. Trong quá trình phát triển đô thị cần có những chiến lược bảo tồn, chỉnh trang và phát triển hiệu quả hơn với tư duy đột phá.
Kiến tạo chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể chung của TP Biên Hòa đến năm 2024. Phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố; 29 phường, 1 xã, với diện tích hơn 26.000ha. Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Dãy nhà phố bên sông tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa. |
Biên Hoà là thành phố nằm dọc theo sông Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập cảnh quan đô thị Biên Hòa, từ lâu được xem là trục chính để phát triển hạ tầng, cảnh quan, tạo động lực phát triển kinh tế và đô thị ven sông của tỉnh.
Chiều dài sông Đồng Nai qua các cù lao lớn, nhỏ, trong đó có cù lao Hiệp Hòa từng là thương cảng sầm uất nhất của khu vực miền Nam, cù lao Đại Phước (Nhơn Trạch) ở hạ nguồn chỉ cách bờ TP HCM hơn 100m, cù lao Ba Xê (TP Biên Hòa) với các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh... Với vị trí, hạ tầng thuận lợi Đồng Nai đã triển khai hàng loạt dự án đô thị như: Khu đô thị sinh thái mở Long Hưng, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, và dự án Khu đô thị Hiệp Hòa.
Theo đó, các dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng cũng được nhanh chóng triển khai như: đường ven sông Đồng Nai, đường ven sông Cái, cầu Thống Nhất, cầu Vàm Cái Sứt, cầu Đồng Nai 2, sắp tới là cầu Cát Lái, cầu Thủ Biên. Các dự án kết nối liên vùng như: đường vành đai 3, đường cao tốc Bến lức - Long Thành, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đề xuất mở rộng. Bên cạnh đó, đầu tư mới cảng biển nước sâu Phước An, mở rộng cảng Đồng Nai.
Bí thư Thành uỷ Biên Hoà:
“Bốn vấn đề trọng tâm cho đô thị”
Bí Thư thành uỷ Hồ Văn Nam cho rằng, Biên Hoà là trung tâm kinh tế công nghiệp lớn nhất tỉnh Đồng Nai, là đô thị chiến lược của khu vực phía Nam, vì vậy điều chỉnh quy hoạch Biên Hoà là nền tảng cho sự phát triển đồng bộ, hài hoà, bền vững của đô thị trong những năm tới. Quy hoạch Biên Hoà không chỉ là sắp xếp không gian đô thị mà còn là “chìa khoá” để giải quyết các vấn đề giao thông, dân cư, môi trường, kinh tế.
Để đạt mục tiêu quy hoạch cần tập trung bốn vấn đề trọng tâm gồm: đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giao thông, phát triển không gian đô thị xanh, thông minh, phát triển dịch vụ công nghiệp chất lượng cao và giữ vững bản sắc văn hoá lịch sử của thành phố. Ông Nam đề nghị các cơ quan chức năng của TP Biên Hoà tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để bổ sung vào đồ án quy hoạch chung TP Biên Hoà.