Chỉ vì lỡ miệng chê bai vợ bạn vừa già, vừa xấu, vừa lùn mà một thanh niên đã vĩnh viễn nằm lại ở tuổi thanh xuân khi chưa kịp xây dựng gia đình; còn hai thanh niên khác là anh em ruột trong một gia đình đã phải dắt díu nhau chuyển sang nghề “bóc lịch”.
Án mạng vì nguyên nhân lãng xẹt
Phiên tòa sơ thẩm vụ án “Giết người” trên được TAND tỉnh Vĩnh Long mở vào ngày cuối cùng của năm 2011. Bị cáo là hai anh em ruột: Đỗ Chung Kiên (24 tuổi) và Đỗ Chí Cường (22 tuổi) cùng trú tại ấp Đông Hậu (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long); còn người bị hại xấu số là anh Trần Văn Tùng, ở cùng ấp.
Hai anh em Kiên - Cường. |
Các bị cáo và người bị hại vốn là bạn bè cùng thôn, tuy không cùng lứa tuổi nhưng khá thân thiết với nhau vì cùng là những thanh niên nghèo nhưng chăm chỉ lao động. Thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo Cường cũng đã có người yêu chuẩn bị kết hôn. Hoàn cảnh của người bị hại Trần Văn Tùng đặc biệt và thương tâm hơn.
Nhà Tùng rất nghèo, bố mẹ ly hôn từ khi Tùng còn nhỏ, từ đó thanh niên này sống cùng với mẹ, thiếu vắng tình cảm của cha. Nhà nghèo, lại sẵn mặc cảm vì hoàn cảnh nên đã ngoài 30 tuổi nhưng Tùng vẫn chưa dám “cùng ai” để dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ già. Tùng cũng mong muốn tìm được một cô gái tốt bụng, thực sự biết cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của mình rồi sẽ cưới. Thế mà, tất cả những dự định tốt đẹp ấy của Tùng đã tan tành chỉ vì một câu bông đùa thiếu tế nhị trên bàn nhậu.
Theo Cáo trạng, ngày 27/8/2011, tại chòi vườn của ông Bùi Thanh Quang có tiệc nhậu với 4 người đều là chòm xóm của nhau là: Trần Văn Tùng, Đỗ Chí Cường cùng với bạn Trần Văn Ngà và Nguyễn Văn Triệu. Rượu vào lời ra, Tùng và Cường quay sang bàn về chuyện “gia thất”. Cường hỏi Tùng sao nhiều tuổi rồi mà vẫn chưa lấy vợ? Rồi chẳng đợi Tùng trả lời, Cường “chua” thêm một câu: “Nhưng ăn nhậu như mày, ai mà chịu làm vợ?”. Nghe vậy, lập tức Tùng cũng trả đũa Cường rằng: “Cưới vợ là phải người cao, đẹp chớ không như vợ sắp cưới của mày vừa lùn, vừa mập, xấu...”. Cho rằng bạn nhậu đã xúc phạm đến nhan sắc của cô vợ tương lai, Cường quay sang cự cãi với Tùng. Hai thanh niên đã xô xát với nhau trên bàn nhậu nhưng được mọi người can ngăn.
Trong lúc ẩu đả, Cường bị Tùng đánh gây trầy xước ở mặt nên bỏ về. Khi về nhà, mẹ Cường thấy mặt con bị chảy máu mới gặng hỏi thì được biết Tùng đã đánh Cường. Sau đó, Cường vào nhà lấy con dao (dài 23cm, lưỡi sắc, nhọn) giấu trong tay áo rồi đi ra đường. Lúc này, Kiên (anh ruột Cường) đi thăm ruộng cũng vừa về tới nơi. Biết em trai bị Tùng đánh tóe máu mặt, Kiên xót em nên đã đồng ý cùng với Cường đi đánh trả thù Tùng.
Kiên vào nhà lấy ống tuýp sắt giấu trong tay áo rồi cùng Cường đến chòi của ông Quang. Khi đến đó, thấy Tùng vẫn còn đang ngồi nhậu, Kiên hỏi Tùng: “Sao mày đánh thằng Cường dữ vậy?”.
Tùng trả lời: “Thằng Cường cũng đánh tao vậy. Vậy mày làm gì tao?”. Sau đó, Tùng cúi xuống lấy khúc cây để đánh Kiên. Kiên xông vào dùng ống tuýp mang theo đánh trúng vào đầu Tùng một cái và 2 người vật nhau ngã xuống đất. Lúc này, Cường nhảy vào bênh anh mình và dùng dao đâm nhiều nhát vào người Tùng. Đến khi thấy vết thương ở ngực của Tùng ra nhiều máu, Kiên mới hoảng sợ cởi áo ra băng bó vết thương và kêu cứu. Kiên và Cường cùng với một số bà con đưa Tùng đi Bệnh viện Đa khoa Trà Ôn cấp cứu. Nhưng do vết thương quá hiểm, Tùng tử vong trên đường đến bệnh viện. Theo kết luận giám định pháp y, nạn nhân chết do vết thương thủng tim, chấn thương sọ não...
Gây án xong, Đỗ Chí Cường bị công an bắt giữ, còn Đỗ Chung Kiên bỏ trốn đến 1/9/2011 thì ra đầu thú.
Lời nói chẳng mất tiền mua...
Tại phiên tòa, hai bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo cũng đã khắc phục một phần hậu quả cho phía gia đình bị hại là 30 triệu đồng. Bị cáo Cường tỏ ra vô cùng ân hận, cho rằng bị cáo không cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân, nhưng do lúc đó có chút hơi men, lại bị nạn nhân xúc phạm vợ sắp cưới của bị cáo và gây hấn với bị cáo trước nên đã không kiềm chế được hành vi.
Có mặt tại phiên tòa hôm ấy, cha mẹ của hai bị cáo Kiên - Cường chỉ biết ngậm ngùi lau nước mắt. Gia cảnh họ rất nghèo, chỉ có 1 công ruộng nên cả gia đình phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Tài sản có giá trị nhất trong nhà họ là hai con bò, dự định tới đây sẽ bán đi để lo chuyện cưới xin cho Cường vì trước lúc gây án, Cường đã có người yêu và gia đình hai bên đã định ngày làm đám cưới. Thế rồi xảy ra chuyện tai ương, gia đình cũng phải bán hết 2 con bò được 20 triệu đồng và vay bên ngoài thêm 10 triệu đồng để khắc phục phần nào hậu quả cho người bị hại. Giờ thì tài sản đã bán hết, cả hai đứa con trai phải vào tù...
Hạnh phúc trăm năm của con đang trong tầm tay bỗng dưng vuột mất, còn gì đau hơn khi người làm cha, làm mẹ nhìn thấy rõ điều ấy mà không thể nào níu kéo lại được cho con. Người mẹ bị cáo trần tình trong nước mắt. Mẹ của bị hại thì nén nỗi đau mất con trai để mong muốn vụ án sẽ là lời cảnh tỉnh về cách hành xử cho đám thanh niên hãy coi đây là bài học xương máu cho mình., đừng vì một câu nói thiếu tế nhị mà xử sự theo kiểu côn đồ dẫn đến kẻ chết, người tù tội không đáng có.
Với hành vi trên, bị cáo Đỗ Chí Cường bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt mức án 18 năm tù, bị cáo Đỗ Chung Kiên 14 năm tù về tội “Giết người”, cộng mức bồi thường dân sự cho người bị hại.
Trần Nguyên