Sửa đổi Nghị định 122 để kiện toàn và củng cố hoạt động pháp chế, nhất là khi nhiều lãnh đạo đơn vị ở địa phương chưa “thực sự đánh giá đúng về công tác pháp chế”, còn công tác pháp chế ở các cơ quan TƯ tuy đã “tương đối đi vào nếp” nhưng lại chưa “hấp dẫn” đối với công chức.
“Bỏ sót” ảnh hưởng quyền lợi
Ngoài các qui định về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế, quản lý Nhà nước về pháp chế, dự thảo Nghị định qui định cụ thể về người làm công tác pháp chế gồm: công chức pháp chế (Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ) và nhân viên pháp chế (doanh nghiệp nhà nước).
Nghị định 122/2004/NĐ-CP (ngày 18/5/2004) của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ và doanh nghiệp nhà nước |
Tuy nhiên, quy định rõ ràng này lại “bỏ sót” nhiều người đang làm công tác pháp chế. Ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) quan tâm đến đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra văn bản và phổ biến giáo dục pháp luật.
Theo ông, họ chính là những người “làm công tác pháp chế thực sự nhưng lại không được đưa vào là thiếu sót”.
Chỉ ra việc dự thảo Nghị định chưa đề cập đến tổ chức pháp chế thuộc Công an nhân dân cấp tỉnh, đại diện Bộ Công an cho rằng, điều đó đồng nghĩa với việc đương nhiên dự thảo “loại” các cán bộ làm công tác pháp chế của 5 phòng pháp chế thuộc Công an TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng, TP.Hải Phòng, TP.Cần Thơ và 58 đội pháp chế thuộc Công an các tỉnh khỏi đối tượng điều chỉnh.
Vấn đề này rất quan trọng vì “không qui định sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Thực tế, nhiều người không muốn bị chuyển sang bộ phận pháp chế vì việc nhiều mà chẳng được gì” – đại diện Bộ Công an phản ánh.
Pháp chế là công việc “âm thầm”, nhưng đang đóng góp những công việc chuyên môn rất quan trọng, giữ vai trò “gác cửa” về pháp lý cho việc ban hành văn bản của các cấp thẩm quyền ở Bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Cũng chính vì thế, số lượng công việc mà cán bộ pháp chế phải “ôm” là rất lớn, phức tạp, nhưng thực trạng thiếu hụt nhân sự làm công tác pháp chế là không hiếm.
Tiêu chuẩn cao cần được ưu đãi nghề nghiệp
Theo đại diện các Bộ, ngành, qui định tiêu chuẩn của công chức pháp chế phải có trình độ cử nhân Luật hoặc “chứng chỉ bồi dưỡng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế” là chưa đủ. Với pháp chế là “công việc cao hơn mức bình thường” thì cán bộ làm công tác này cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, ngoài trình độ cử nhân Luật thì cán bộ pháp chế phải có trình độ cử nhân chuyên ngành.
“Một số ngành có bằng chuyên ngành quan trọng hơn cử nhân Luật” – đại diện Bộ Tài chính khẳng định. Trong trường hợp chưa có trình độ cử nhân chuyên ngành thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ và sẽ chuẩn hóa sau đó.
Và đó là những “tiền đề” để đội ngũ cán bộ pháp chế được hưởng một chế độ ưu đãi so với qui định chung đối với công chức. Có nhiều ý kiến đề nghị qui định cho cán bộ pháp chế được hưởng ưu đãi nghề nghiệp (trong phạm vi 5-50% do Thủ tướng quyết định). Ngược lại, có ý kiến lại cho rằng, chỉ nên qui định cán bộ pháp chế được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc (0,5).
Phân tích của đại diện Bộ Nội vụ cho thấy, nếu áp dụng qui định về phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ pháp chế sẽ cần phải có mã ngạch, mà việc xây dựng mã ngạch là “công việc rất phức tạp”. Xuất phát từ tính chất công việc là lượng “chất xám” của cán bộ pháp chế thì cần qui định để họ được hưởng ưu đãi nghề nghiệp mới thu hút được nhân lực vào công tác pháp chế.
Đồng thời khắc phục được nghịch lý, cán bộ làm công tác “đầu vào” (xây dựng pháp luật, trong đó có công tác pháp chế) chưa hề được hưởng một khoản phụ cấp nào, trong khi những người làm công tác “đầu ra” (thực thi pháp luật) lại có phụ cấp trách nhiệm nghề nghiệp.
Huy Anh