Dấu ấn mang đậm phong cách làm việc Lê Khả Phiêu
Là một cán bộ được rèn luyện và trưởng thành trong phong trào cách mạng của quần chúng từ cơ sở và trong quân đội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả phiêu đã lăn lộn suốt chiều dài lịch sử các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Ông liên tục tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở các chiến trường Bắc, Trung, Nam và nhiệm vụ quốc tế ở cả Lào và Campuchia. Với chiếc ba lô trên vai, ông cứ đi, đi mãi, cuộc đời ông còn gắn bó với binh nghiệp khi Tổ quốc còn có nguy cơ bị kẻ thù xâm lược.
Nói về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là nói về cuộc đời của người lính cụ Hồ giản dị, khiêm nhường, tận tụy và trung liệt. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị rút ra từ thành Huế, cơ sở bị vỡ, hậu cứ không còn, có ít củ sắn nấu canh cũng không có muối. Lúc này ông đang bị sốt rét, đơn vị chỉ còn 1kg gạo định dành nấu cháo cho ông, ông bắt phải nấu cho anh em thương bệnh binh cùng ăn.
Người dân không khỏi xúc động khi thấy ông ở cương vị Tổng Bí thư, vẫn xắn quần đi vào vùng lũ miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (1999-2000) để tận mắt thị sát và thăm hỏi đồng bào.
Cách đây 21 năm, con đập Hòa Duân bị trận lũ lịch sử ngày 2/11/1999 cuốn phăng, khiến 64 ngôi nhà thôn Hải Thành (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, sau đổi là làng Rồng) bị xóa sổ, cuốn trôi ra biển, chỉ trong một đêm, 14 người dân bị thiệt mạng sau trận lũ kinh hoàng.
Còn làng Phương Trung (xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam), 1/3 nhà cửa, 2/3 tài sản có giá trị của người dân, hàng chục hecta đất sản xuất bị cơn lũ bồi lấp; 2 người con của làng thiệt mạng và nhiều người khác bị thương...
Có mặt tại thôn Hải Thành, làng Phương Trung ngay sau khi lũ lụt xảy ra, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đề nghị với Bộ Quốc phòng: “Tết sắp đến rồi, dân phải có nhà. Có thể làm một cái bia tưởng niệm ở chỗ đã xảy ra mất người, mất của. Việc này giao cho quân đội là được hơn cả”.
Sau chia sẻ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Quân khu 4 đảm trách tái lập làng Rồng, Quân khu 5 lo tái lập làng mới Phương Trung. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vận động cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đóng góp xây dựng 103 ngôi nhà cho nhân dân, hình thành nên làng mới Phương Trung.
Cái tên làng Rồng ngày nay cũng do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt với lý do làng được hoàn thành vào năm Canh Thìn 2000, đồng thời nguyên Tổng Bí thư cũng gửi gắm niềm tin, mong muốn người dân nơi đây sẽ mạnh mẽ vượt qua đau thương, hướng về cuộc sống mới.
Lấy di chúc Bác Hồ làm kim chỉ nam cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng
Tháng 5 năm 1992, đồng chí Lê Khả Phiêu khi đó giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đeo hàm Trung tướng đã cùng đoàn cán bộ cấp cao của Quân đội ra thăm bộ đội Trường Sa trên tàu HQ957 Hải quân.
Tàu HQ-957 đến cách đảo Đá Lát khoảng 20 hải lý thì gặp sóng lừng dữ dội. Vì vậy, phương án lên đảo là đưa người từ tàu xuống xuồng máy. Khi xuồng đến bãi cạn san hô, sẽ chuyển người xuống xuồng cao su. Rồi các chiến sĩ trẻ đẩy xuồng cao su vào mép đảo.
Nghe thuyền trưởng báo cáo phương án lên đảo, đồng chí Lê Khả Phiêu nói: “Các cậu cứ tính phương án nào cho thật an toàn, người ướt không quan trọng. Các cậu bơi được thì mình cũng bơi được và trong đoàn cũng thế. Ra đảo mà không lên thăm bộ đội thì cũng như không”.
Khi xuồng vào mép đảo, thấy sự vất vả của bộ đội, ông đã nhảy ùm xuống nước đẩy xuồng cao su với bộ đội và nói vui: “Cho mình cùng tắm biển để tận hưởng nước mặn của Trường Sa”. Tất cả cán bộ chiến sĩ Hải quân trên cầu cảng ra đón đoàn hôm đó đã vỗ tay thán phục.
Lên đảo, ông không thay quần áo ướt mà đề nghị đến ngay nhà ở của các chiến sĩ. Ông muốn đến tận nơi xem đời sống của cán bộ chiến sĩ Trường Sa nơi tuyến đầu Tổ quốc bằng sự cảm nhận thực tế từ trái tim ông và bằng tình thương yêu chiến sĩ Trường Sa với tư cách là người đồng đội chứ không phải nghe báo cáo.
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường trong một lần thăm hỏi nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. |
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vinh dự có nhiều lần được gặp Bác Hồ. Đối với ông, những lần được gặp Bác và nghe những lời dạy bảo ân cần của Bác đã để lại cho ông nhiều bài học sâu sắc. Ông đặc biệt thấm thía những lời dạy của Bác về đức tính của người cán bộ.
Người từng căn dặn cán bộ Thanh Hóa: “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Và bài học “đoàn kết”, bài học “dân là gốc” cũng luôn được ông tâm niệm và thực hiện trong suốt cuộc đời và sự nghiệp làm cách mạng của mình, đặc biệt là khi đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1969, khi Bác mất, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được dự lễ viếng và đây cũng là lần cuối cùng được gặp Bác, nghiêng mình bên linh cữu của Người. Sau đó ông tiếp tục vào Nam chiến đấu. Trong chiến trường ác liệt, ngoài bom rơi đạn nổ còn chịu đựng những cơn sốt rét, thiếu muối, thiếu gạo... Nhưng mỗi lần nhớ đến hình ảnh Bác, ngẫm những lời Bác dạy, ông càng thấy thấm thía, thấy cần phải cố gắng thực hiện tâm nguyện của Bác là quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Mỗi khi nói về vai trò và sự nghiệp cách mạng của Đảng, ông sôi nổi hẳn và tràn đầy nhiệt huyết. Trong thời kỳ đương nhiệm cũng như hôm nay, lúc nào ông cũng để tâm, đau đáu việc “Xây dựng chỉnh đốn Đảng”: Vì chỉ có Đảng thật trong sạch vững mạnh thì sự nghiệp của Đảng mới trường tồn.
Gần gũi với dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của dân, yêu thương, quan tâm đến cấp dưới là một dấu ấn mang đậm phong cách làm việc Lê Khả Phiêu trong thời gian đương nhiệm. Mặc dù rất bận nhưng ông vẫn dành thời gian lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Ông lấy di chúc của cụ Hồ làm kim chỉ nam cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Đồng chí Lê Khả Phiêu suy nghĩ nhiều ý nghĩa câu cụ Hồ viết trong bản Di chúc của Người: Sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, việc trước tiên là củng cố lại Đảng...
Ông quan tâm chú ý tới vấn đề phát huy quyền dân chủ trong Đảng, trong dân, tới việc tổ chức và đào tạo cán bộ, cách dùng nhân tài của đất nước, ra sức chống tham nhũng và những tiêu cực trong xã hội. Ông khát khao cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Học tập phương pháp, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và hiệu quả
Ngày 25/8/2019, đồng chí Lê Khả Phiêu được trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã tới dự và trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Lê Khả Phiêu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng; lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn có tác phong gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động lãnh đạo, tận tình giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho lớp người đi sau. “Chúng tôi luôn học tập ở đồng chí về phương pháp, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và hiệu quả”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 2h52' ngày 7 tháng 8 năm 2020 tại Hà Nội.
Lễ viếng, Lễ Truy điệu, Lễ An táng đồng chí Lê Khả Phiêu sẽ được thông báo sau.
Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong Quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa VIII). Đồng chí là đại biểu Quốc hội Khóa X.
Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12/1997-4/2001), đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.