Vui - buồn họp lớp
Những ngày đầu tháng 11, nhóm chat lớp cấp 2, cấp 3 rồi cả đại học của chị M.Phương (32 tuổi, Hà Nội) đã bắt đầu rục rịch bàn nhau về việc họp lớp. Năm nào cũng như năm nào, cứ vào thời điểm này chị sẽ nhận được ít nhất 2 giấy mời họp lớp trở lên, có khi còn hẹn chung giờ, chung ngày, chỉ khác địa điểm. “Năm nào tôi cũng cố gắng đi họp lớp đầy đủ, không thiếu lớp nào vì nghĩ cả năm mới gặp nhau một lần chả nhẽ lại không đi. Mỗi năm chương trình họp lớp được xây dựng khác nhau nên vui lắm, năm thì tổ chức ở Hà Nội, năm thì lên Ba Vì đi 2 ngày 1 đêm, năm nay như lớp đại học tròn 10 năm ra trường nên chơi lớn tổ chức trên Đà Lạt đi 4 ngày 3 đêm. Lâu lắm rồi mới có chuyến đi chơi xa với các bạn, tôi háo hức lắm”, chị M.Phương chia sẻ.
Đây có lẽ là không khí chung của những ngày sát 20/11, cứ vào dịp này phong trào họp lớp, hội khoá lại trở nên rầm rộ. Nhiều nhóm chat cả năm không hoạt động bỗng nhiên sôi nổi hơn hẳn. Tất cả cũng vì mục đích kêu gọi bạn bè cũ tụ tập để cùng về thăm trường cũ, thăm thầy cô ngày xưa. Dẫu biết đây là truyền thống bao đời rồi nhưng năm nào cũng vậy, câu chuyện họp lớp muôn thuở vẫn trở thành chủ đề để dân tình bàn ra, tán vào.
“Thấy phiền” là suy nghĩ của anh T.Tùng (32 tuổi, Hà Nội) về họp lớp, khác với chị M.Phương, anh rất ít khi đi họp lớp hay có chăng cũng chỉ 1 - 2 lần đầu. “Bao năm nay tôi không bỏ thời gian của mình để đi mấy buổi họp lớp đấy. Tôi thấy đó thật ra là những buổi ăn uống, hát hò vô bổ chứ đâu có ý nghĩa gì. Chưa kể bây giờ nhiều buổi họp lớp tạp nham lắm, cứ mỗi năm lại có thêm mấy lớp đòi họp trong khi thời gian học và quen biết nhau chỉ có mấy tháng, họ lập nên buổi họp lớp chắc chỉ để cho vui. Nếu mà dành thời gian để đi hết thì có mà hết tuần nên tôi lựa chọn xin kiếu tất cả các cuộc họp lớp, thời gian đấy ở bên gia đình còn hơn”, anh T.Tùng bày tỏ.
Quả thật, nếu như trước kia, người ta vẫn thường tổ chức những buổi gặp mặt của lớp cấp 3, đại học thì ngày nay hoạt động này được mở rộng quy mô không giới hạn. Từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học cho đến lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng, học thêm học nếm… đều hô hào họp. Và để có những buổi hội họp không riêng gì ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà còn có vô vàn lý do như kỷ niệm năm chẵn, năm lẻ, bạn bè ở xa về hay họp định kỳ hàng tháng,… Và cứ thế, những buổi họp lớp, hội khoá được tổ chức ngày một nhiều, đương nhiên đi kèm với đó là những câu chuyện vui có, buồn có.
Có những buổi họp lớp, ngoài hoạt động gặp gỡ, giao lưu, vui chơi tập thể còn làm được những điều rất ý nghĩa. Như lớp của chị M.Phương, bên cạnh việc tổ chức gặp gỡ hàng năm còn đóng góp ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường; gây quỹ khuyến học cho thế hệ đàn em; giúp đỡ những thầy cô, bạn bè có hoàn cảnh khó khăn; thành lập tổ liên lạc để thăm hỏi, động viên gia đình các thành viên khi có việc hiếu, hỷ,… Theo chị M.Phương, đây là những hoạt vô cùng ý nghĩa mà chị và mọi người trong tập thể lớp đã thực hiện được vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thực tế không phải cuộc họp nào cũng giữ được ý nghĩa tốt đẹp đó. Sau khi ra trường, mỗi người có một cuộc sống khác nhau, người thì thành đạt, gia đình hạnh phúc nhưng cũng không ít người có cuộc sống không mong muốn. Do đó, nhiều cuộc họp lớp đôi khi chỉ là sân khấu cho những người thành đạt thể hiện bản thân, trong khi số khác lại mặc cảm vì “thua bè, kém bạn”.
Như trường hợp của lớp anh M.Quang (30 tuổi, Thái Nguyên), sau vài lần họp lớp xuất hiện tình trạng “chia bè kéo phái”, giờ đây lớp anh đã không còn được họp với đông đủ thành viên nữa. Anh cho biết: “Một buổi họp lớp cũng như một xã hội thu nhỏ vậy, có người giàu, người nghèo, có người hạnh phúc, người lầm than. Xã hội sao thì họp lớp cũng y vậy, người có tiền, có địa vị xã hội thường sẽ tìm đến nhau, còn những người không có địa vị xã hội cũng vì thế mà tụ lại. Không biết từ bao giờ ngay đến buổi họp lớp cũng phân chia giai cấp rõ ràng như vậy. Dần dần các nhóm cũng tự tổ chức buổi họp mặt riêng và tự đặt tên cho buổi đó là họp lớp trong khi còn chưa có đến 1/4 lớp tham gia”.
Hay có những cuộc họp lớp dù được tổ chức rất “sang chảnh”, tốn kém nhưng cũng chỉ là cùng nhau ăn nhậu, hát hò rồi giải tán chứ không một hoạt động nào ý nghĩa, không đọng lại được gì trong mỗi thành viên. Buổi họp lớp không được lên chương trình, kế hoạch cụ thể diễn ra trong không khí buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chưa kể việc tổ chức quá hoành tráng sẽ gây không ít trở ngại cho người tài chính không dư dả, những lần họp sau họ sẽ ái ngại mà không dám đi.
Ảnh minh họa. (Ảnh: kenh14.vn) |
Giữ nguyên giá trị hai từ “họp lớp”
Dù vui có, buồn có, tích cực có, tiêu cực cũng có nhưng không thể phủ nhận được ý nghĩa tinh thần của các buổi họp lớp. Nếu buổi họp lớp được tổ chức hợp lý, giữ nguyên giá trị, chắc chắn đây sẽ là khoảng thời gian vui vẻ để những người từng chung nhau một mái trường nhớ lại thời áo trắng - thời gian mà chắc hẳn ai cũng có điều nuối tiếc, thăm hỏi nhau về cuộc sống hiện tại, cũng như kết nối, hỗ trợ nhau trong công việc.
Chị T.Thanh (56 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ kỷ niệm cả lớp gặp lại nhau lần đầu tiên sau 20 năm ra trường: “Lớp tôi mãi đến 20 năm sau khi tốt nghiệp mới hô hào được mọi người tham gia họp lớp. Cũng vì cái thời ấy công nghệ chưa phát triển làm gì có số điện thoại hay Facebook của nhau đâu, ra trường cũng mỗi người một phương, một nghề, bận bịu kiếm ăn nên không nghĩ đến chuyện gặp lại nhau nhưng đúng là có gặp mới thấy nhớ nhau, cần nhau. Tôi vẫn nhớ như in ngày 20/11 năm ấy, khi chạm mặt những người bạn hàng chục năm không gặp, khuôn mặt của mọi người cũng khác xưa, có người không nhận ra nhau nhưng khi nhắc lại cái thời phấn trắng, bảng đen ai cũng bồi hồi, xúc động”.
Cũng giống như các lớp khác, sau nhiều năm gặp lại lớp chị cũng có người đã thành ông này, bà kia, cũng có người chỉ làm công việc bình thường. Chị cho biết lúc đầu mọi người còn e ngại, dè dặt với nhau nhưng sau câu nói của lớp trưởng: “Không biết ngoài kia chức vị cao, giàu có như nào, còn khi về họp lớp chúng ta vẫn mãi là bạn bè của nhau như 20 năm trước” mọi người liền trút bỏ hết vai vế, tạm quên đi những áp lực cuộc sống để vui vẻ, hàn huyên với nhau. Sau cuộc gặp đáng nhớ ngày hôm ấy, đến nay lớp của chị vẫn duy trì họp lớp vào mỗi dịp 20/11 và Tết.
Biết rằng để tạo được bầu không khí thoải mái cho một buổi họp lớp thật sự không dễ, khi mà cuộc sống của mỗi người đều đã thay đổi không còn là tâm hồn vô tư, hồn nhiên như ngày trước. Có người muốn khoe ra cuộc sống của mình, cũng có người muốn cất đi mong không ai hỏi đến. Bản thân mỗi người đều có trong mình “cái tôi” rất lớn, vì vậy đôi khi chỉ cần một câu nói vô tư cũng có thể vô tình làm tổn thương người bạn của mình, kéo theo đó là bầu không khí không được thoải mái.
Theo chị T.Thanh, để có được buổi họp lớp ý nghĩa, điều quan trọng là một tập thể phải biết chia sẻ, một người vì mọi người. Hãy bỏ lại “cái tôi” để trở về đúng nghĩa là những người bạn thuở học trò vô tư. Thay vì so đo, tính toán ai hơn ai, ai kém ai, nếu có thể bàn cách hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có cuộc sống tốt hơn. Còn không hãy chỉ dành thời gian để ôn lại kỷ niệm xưa khi cùng ngồi trên ghế nhà trường. Đó mới chính là buổi họp lớp mà mọi người đều muốn có mặt, nơi mà dù có trưởng thành ta vẫn được “sống lại” thời thanh xuân tươi đẹp một lần nữa.