Bài 1: Vạn sự khởi đầu nan
Nghề câu cá ngừ đại dương hình thành và phát triển gần 20 năm nay và ngư dân ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định hiện đạt trình độ khai thác chuyên nghiệp ngang ngư dân Nhật Bản, Trung Quốc… Thế nhưng, rất ít người biết nghề này du nhập vào Việt Nam như thế nào…
Xa lạ mọi thứ…
Đứng ở cảng cá Tuy Hòa (Phú Yên) hay cảng Hòn Rớ (Khánh Hòa), thấy nhiều tàu cập cảng tời lên những con cá to tướng, ai cũng thấy “mê”. “Cá hôm nay nằm ở Nha Trang, tối đã lên máy bay, sáng ngày mai có mặt trên đất Nhật, bên Mỹ rồi. Bắt được cá nặng 1 – 2 tạ ngoài Biển Đông rộng mênh mông không dễ đâu nghe. Ngư dân phải đi học từ cách buộc lưỡi câu đến dò hướng cá đi, là cả một quá trình học nghề dài lắm” – ông Lê Văn Hy, chủ tàu câu cá ngừ đại dương xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa mở đầu câu chuyện.
Ông Lê Văn Hy - chủ tàu câu cá ngừ đại dương, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, với lưỡi câu cá ngừ đại dương. |
Ông Hy trước đây làm nghề câu nhỏ ven bờ, thi thoảng vẫn trúng những con cá ngừ to, chỉ mổ ra bán ở chợ, giá thấp giống như nhiều loại cá khác. “Lúc đó tàu đông lạnh của Đài Loan vào nước ta thu mua cá, tụi tui ghé đến xin thuốc hút, họ cho lên tàu chơi, thấy trên tàu của họ cái gì cũng xa lạ cả: dây cước, lưỡi câu,… đều có kích cỡ khác với mình nhiều. Có lần ghe câu tui trúng hai con cá ngừ mang đến bán, do ngôn ngữ bất đồng, người trên tàu Đài Loan cứ đưa tay chỉ lên trời, rồi chỉ xuống con cá, đầu cứ lắc qua lắc lại. Trên ghe tui không ai hiểu gì cả, nên mới chửi họ: “Tụi bây ngu quá, có cá ngừ ngon mà không mua, còn chỉ trỏ tùm lum”. Thiệt tình sau này mới biết, cá ngừ để dưới ánh nắng mặt trời quá một giờ đồng hồ, họ không mua. Mình không biết, mà chửi càn người ta” - ông Hy kể tiếp.
Qua mấy lần lên tàu câu Đài Loan chơi, mấy thủy thủ thấy ông Hy hay tò mò nên cho ông mấy thẻo lưỡi câu, nhưng lão ngư dân thứ thiệt này vẫn không tài nào hiểu nổi cách họ buộc nối hai đầu dây cước với nhau với lưỡi câu. Ngư dân ở Cầu Bóng, TP.Nha Trang cứ “ngâm cứu” mãi vẫn bó tay, lần sau đành cầm cả thẻo câu đến hỏi, thế là họ chỉ dẫn cách buộc lưỡi câu, rất đơn giản, chỉ mẹo một chút thôi.
Ông Hy lại ngạc nhiên, ở giữa Biển Đông có độ sâu cả mấy trăm mét nước, chẳng có dây neo nào tới đáy nhưng tàu Đài Loan lại đứng một chỗ, còn tàu đánh cá Khánh Hòa thả câu xong, cứ nổ máy cho tàu chạy lòng vòng tốn nhiên liệu quá trời. “Tụi tui nhìn tàu Đài Loan chẳng nổ máy gì cả, tàu vẫn neo một chỗ, mò đến quan sát thì hóa ra họ có cái dù nước, chỉ rộng mười mấy mét vuông bỏ dưới biển, với độ sâu chừng 15 mét, đủ sức níu cả chiếc tàu to lại. Quá tuyệt vời” - ông Hy ngưỡng mộ.
Bắt chước để làm giàu
Chẳng bao lâu, có người Đài Loan tìm đến dân Cầu Bóng kiếm đối tác làm ăn. Họ thuê cả những chiếc tàu đánh cá và lao động đi biển chuyên nghiệp, toàn bộ ngư cụ dùng câu cá ngừ đại dương đều mang từ Đài Loan sang, mọi thao tác kỹ thuật có người Đài Loan đi theo hướng dẫn.
Những con cá Ngừ to gần bằng người lớn |
Ông Lê Tuấn Hiệp - thuyền trưởng tàu số KH 91827 TS - nhớ lại buổi ban đầu: “Họ thuê trọn gói một chiếc tàu với giá 10 triệu đồng/chuyến, lao động thì 1 triệu đồng/người. Thời điểm đó, số tiền như thế này là khá cao. Ra biển, người ta hướng dẫn cho mình nhiều chuyện lắm, từ cách móc mồi vào câu, thả câu, cuốn câu, bắt cá lên tàu, cách bảo quản cá trong hầm đá, rồi cho cá “mặc áo” để khỏi bị trầy xước…. Dù là dân đi biển lâu năm, nhưng khi thấy họ làm, mình đều cảm thấy rất lạ”.
Chỉ sau một vài chuyến đi biển, nhiều ngư dân nhanh chóng tiếp thu mọi kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương. Mặt khác, chuyên gia người Đài Loan cũng khuyến khích có nhiều tàu cá biết đánh và chuyển nghề sang câu cá ngừ để họ ở bờ trực tiếp thu mua với số lượng lớn, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ... Rồi họ chở từng tàu ngư cụ sang Nha Trang bán lại cho ngư dân, bắt đầu tách ra làm riêng. “Thời điểm đó, chỉ có một vài người làm “đầu nậu” hàng nhập về từ Đài Loan. Người mua đông và hàng “hiếm”, “đầu nậu” họ hét giá bao nhiêu tụi tui cũng chấp nhận, nhiều khi ngồi chờ chực cả ngày và tranh giành nhau mua từng mét dây, giống y chang mua dầu thời bao cấp” - ông Hy không bao giờ quên thời điểm bắt đầu nghề câu cá ngừ đại dương.
Từ bao đời nay, ở Khánh Hòa làm nghề trũ rút, nghề câu… đều kéo bằng tay, tốn nhiều lao động nhưng hiệu suất thấp. Bây giờ, thấy ngư cụ mang từ Đài Loan sang có cái máy cuốn câu rất nhanh nhưng ngặt một nỗi, những ông chuyên gia không mang máy kéo câu sang bán, có bán thì giá thành lên mấy chục triệu đồng, chưa chắc có tàu nào mua được. Một chủ tàu sắm đủ đồ nghề câu cá ngừ đại dương rồi, nhưng thiếu máy kéo câu liền tìm đến một tay thợ cơ khí giỏi, rủ xuống tàu cá của người Đài Loan để “tham quan”.
Tay thợ cơ khí nhìn qua đã “hiểu” được tính năng, kỹ thuật của máy kéo câu và đêm hôm đó, anh nhảy xe đò vào TP.Hồ Chí Minh tìm mua phụ tùng, cày cục chế ra máy kéo câu cho ngư dân. “Đặt xuống tàu chạy thử, nó kéo hay quá trời, giá trọn gói chỉ 8 triệu đồng. Từ đó, dân Nha Trang đổ xô đến đặt làm máy kéo câu. Tiếng đồn lan truyền ra xa, dân ngoài Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng,… cũng tìm đến đặt làm máy. Thời gian sau, tui “nâng đời” làm máy to hơn để kéo giàn lưới vây và đến bây giờ, nó vẫn đang là “hàng mốt” của ngư dân ta” - ông thợ cơ khí T.V.L. kể thêm thông tin thú vị.
Hải Luận (còn nữa)