Theo tờ “Le Soir” (Bỉ), ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, gần 1.700 doanh nghiệp đã quyết định chuyển trụ sở của họ khỏi vùng Catalunya, trong đó có các ngân hàng CaixaBank và Banco Sabadell, công ty khí đốt Gas Natural, “người khổng lồ” bất động sản Colonial và cả nhà quản lý đường cao tốc Abertis.
Thảm họa được báo trước?
Công ty đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết đã đặt chỉ số tín dụng tài chính của Catalunya dưới sự giám sát đặc biệt và nhiều khả năng là chỉ số này sẽ bị đánh tụt xuống so với trước đây. Theo hãng này, có cơ sở chắc chắn để khẳng định động thái tuyên bố độc lập của vùng Catalunya sẽ gây ra một thảm họa về kinh tế cho người dân nơi đây.
Giám đốc nghiên cứu về kinh tế của Trường quản lý IESEG tại thành phố Lille (Pháp), Eric Dor đánh giá, Catalunya sở hữu một nền sản xuất với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn so với phần còn lại của Tây Ban Nha. Lĩnh vực công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ 17,4%, so với mức 13,2% tính trên toàn “xứ sở Bò tót”, cũng là lĩnh vực hàng đầu của vùng Catalunya cả trên tiêu chí về doanh thu và số lượng việc làm.
Vùng đất này cũng chiếm khoảng một nửa sản lượng hóa chất của toàn Tây Ban Nha và đứng thứ hai trong lĩnh vực sản xuất ô tô, chỉ xếp sau vùng tự trị Castile và Leon. Nissan và Volkswagen là hai “ông lớn” đặt các nhà máy sản xuất của mình tại đây. Vùng Catalunya, có thủ phủ là Barcelona với các bãi biển nổi tiếng Costa Brava, còn là điểm thu hút khách du lịch số một của Tây Ban Nha. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây là 13,7%, thấp hơn hẳn so với mức trung bình toàn đất nước là 17,2%. Tuy nhiên, Catalunya đang phải gánh khoản nợ công chiếm tới 35% GDP của mình, còn phải chịu thêm một phần của nợ công tại Tây Ban Nha.
Chủ tịch tổ chức giới chủ Tây Ban Nha Juan Rosell thừa nhận, xu hướng ngày càng xấu và chắc chắn sẽ có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với nền kinh tế và xã hội Catalunya. Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại tuyên bố độc lập sẽ kéo theo việc vùng Catalunya sẽ phải rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), khu vực Eurozone và thị trường chung châu Âu.
“Cái sảy nảy cái ung”
Ngoài ra, “sức khỏe” tài chính của vùng tự trị cũng bị ảnh hưởng nặng nề một khi “cắt đứt” với Tây Ban Nha, như mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu. Nếu Catalunya tuân theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì hàng hóa của họ xuất khẩu sang EU và cả Tây Ban Nha đều sẽ phải chịu thuế ở mức trung bình là 5% và với các sản phẩm ô tô là 10%, sẽ gây những tác động rất tiêu cực đối với nền kinh tế, cũng như đối với cán cân thương mại của Catalunya, nhất là khi vùng đất này hiện đang có tỉ lệ xuất siêu cao.
Việc duy trì một mức thặng dư thương mại với bên ngoài là điều rất quan trọng, ít nhất trong những thời gian đầu để đảm bảo sự ổn định tài chính cho Catalunya. Thực tế, phần thặng dư của Catalunya do thị trường Eurozone mang lại sẽ bị tổn hại nặng nề. Nếu độc lập, Catalonia sẽ có sự lựa chọn là phát hành tiền tệ riêng hoặc tiếp tục sử dụng đồng euro, nhưng không là thành viên của liên minh tiền tệ. Trong cả hai trường hợp, việc duy trì thặng dư với bên ngoài sẽ là tối cần thiết để đảm bảo niềm tin cho loại tiền tệ mới, hoặc đảm bảo đầu vào thường xuyên của đồng euro trong vùng Catalunya.
Về phần mình, Tây Ban Nha cũng sẽ phải chịu nhiều tổn hại sau khi vùng Cataluny bị chia cắt. Với 16% dân số so với cả nước, vùng Catalunya đóng góp tới 20% GDP hàng năm của Tây Ban Nha. Vùng này cũng chiếm đến 1/4 hàng xuất khẩu của “xứ sở Bò tót”.
Chuyên gia phân tích của Moody’s Sarah Carlson giải thích sự độc lập của vùng Catalunya cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến tình hình tín dụng của Tây Ban Nha, nhất là vì quy mô kinh tế của vùng này đối với nền kinh tế cả nước. Việc chia cắt sẽ làm suy yếu nền kinh tế đất nước và chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng chi phí tài chính của Nhà nước Tây Ban Nha.
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng ING, ông Philippe Ledent nhắc lại rằng Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 4 của Eurozone. Cú sốc mà nước này phải chịu đựng là sự suy giảm đà tăng trưởng cùng với khó khăn trong việc huy động vốn trên các thị trường tài chính cũng sẽ gây tác động dây chuyền lên cả khu vực Eurozone và Eurozone có thể một lần nữa lại lâm vào tình trạng khủng hoảng. Ông Philippe Ledent cho rằng tình huống này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho Catalunya, Tây Ban Nha và cả Khu vực sử dụng đồng euro, do đó giải pháp đối thoại là rất cần thiết để tránh mọi thiệt hại.