Năm 2009, tỉnh Hà Tĩnh cho phép Cty Cao su Hà Tĩnh chuyển đổi diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) sang trồng cây cao su với tổng diện tích là 118,5ha. Có “bảo bối’ trong tay, doanh nghiệp này được thể làm tới, chặt “nhầm” một số lượng lớn rừng “ngoài vùng phủ sóng” …[links()]
Rừng thông rơi lệ
Ngoài diện tích gỗ rừng được Cty Cao su Hà Tĩnh “triệt hạ” đúng theo “tiêu chuẩn” mà tỉnh Hà Tĩnh cho chuyển đổi, thì trên thực tế, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp này còn mạnh tay “băm nát” số diện tích rừng được giao cho người dân nằm lân cận.
Có mặt tại khoảnh 8, tiểu khu 133, các hộ dân ở đây dẫn phóng viên đến các lô 17, 18a, 19 để “chứng minh” việc chặt cây “nhầm” của Cty Cao su Hà Tĩnh. Theo đó, tại vị trí ba lô đất này, rừng thông cổ thụ một thời giờ chỉ le lói ít cây keo do người dân trồng lên. Sát mặt đất giờ đây là những gốc thông đường kính từ 20cm đến 40cm nằm trơ trọi. Những lát cưa trước đây đã nhằm thẳng vào thân gỗ, hạ gục những cây thông của rừng đầu nguồn để người của công vận chuyển ra khỏi rừng.
Các lô 17, 18a, 18 không nằm trong quyết định chuyển đổi, nhưng Cty Cao su Hà Tĩnh vẫn cho chặt rừng. |
Khi có “bảo bối” là quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án là Cty Cao su Hà Tĩnh đã nhanh chóng đưa người, phương tiện vào rừng sâu cưa gãy những thân cây cổ thụ, đồng thời khai thác cả phần rừng đáng ra phía doanh nghiệp phải trả lại cho huyện Can Lộc, xã Thượng Lộc để làm thủ tục làm sổ đỏ hợp pháp cho người dân.
“Cty khai thác ngoài diện tích 118 ha rừng nằm trong quyết định chuyển đổi là khoảng 10 ha, thuộc các lô 17, 18a, 19. Thông ở ba lô này trồng từ năm 1982, cứ vài cây thông thì được 1m3 gỗ. Tính ra, việc chặt “nhầm” với số gỗ thông lên tới khoảng 1,5 nghìn m3 gỗ”, ông Phan Kiệm đưa ra con số giật mình.
Người dân nói rằng cái “cớ” chặt thông trồng cao su chỉ là “lá chắn” của doanh nghiệp, trên thực tế, theo người dân, chủ đầu tư đã lợi dụng chủ trương chuyển đổi để chặt cả rừng được chuyển đổi và rừng tự nhiên không thuộc diện chuyển đổi tự nhiên mà dân bản địa cố công bảo vệ mấy chục năm nay.
Khai thác rừng trái phép?
Người dân bản địa nói rằng, việc khai thác rừng thông nằm ngoài quyết định được giao, chẳng khác gì Cty Cao su Hà Tĩnh ngang nhiên phá rừng trái phép. “Rừng này họ khai thác khoảng một năm nay, đau xót lắm, chút của để dành cho con cháu giờ cũng theo những nhát cưa mà đi”, người dân địa phương, chua chát nói.
Điều tra của Pháp Luật Việt Nam cho thấy, tháng 8/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Minh Kỳ ký quyết định thu hồi 274,35 ha tại huyện Can Lộc do Cty Cao su Hà Tĩnh quản lý. Việc thu hồi này nhằm giao toàn bộ diện tích đất nói trên cho UBND các xã quản lý để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân ở địa phương.
Rừng cổ thụ bị chặt hạ để nhường đất cho cây cao su khẳng khiu tại tiểu khu 133. |
Bổ sung những tài liệu để chứng minh việc chặt phá rừng trái phép của doanh nghiệp, ông Phan Kiệm, cho biết, năm 1995 ông là người đại diện cho 9 hộ gia đình ký hợp đồng về việc giao khoán rừng hơn 90 ha với lâm trường Truông Bát (nay là Cty Cao su Hà Tĩnh) với thời hạn 50 năm. Theo ông Phan Kiệm, các lô 17, 18a, 19 tại tiểu khu 133 chỉ là một phần nhỏ diện tích mà trước đây do ông đại diện cho 9 hộ dân ký với lâm trường Truông Bát. “Đất hợp pháp của dân, rừng trồng hợp pháp của dân nhưng người ta vẫn ra tay chặt hạ, đó là diện tích hoàn toàn không nằm trong danh mục chuyển đổi để trồng cây cao su như quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh”, ông Phan Lục, nói.
Theo phụ lục diện tích rừng và đất lâm nghiệp chuyển sang thực hiện dự án trồng cao su của Cty Hà Tĩnh trong năm 2009, hoàn toàn không có tên các lô 17, 18a, 19, tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn ra tay “hạ sát” nhiều diện tích rừng nằm ngoài “quy hoạch”.
Việt Hưng