Hầu hết cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đều đang nợ đọng tiền bồi dưỡng giám định với số lượng lớn.
|
Hình minh họa nguồn Internet |
Kinh phí cho giám định: phải “ăn đong”
Kinh phí chi trả cho việc thực hiện giám định hiện nay rất lớn, nhất là trường hợp phải trưng cầu các tổ chức chuyên môn là đơn vị kinh doanh, tự hạch toán tài chính, chuyên gia thực hiện giám định là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bởi vì, khi đó chi phí chi trả cho việc thực hiện giám định được tính theo giá dịch vụ chuyên môn theo cơ chế giá cả thị trường trong khi mục chi ngân sách cho việc chi trả này không có mà phải “bấu víu” vào kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự vốn rất hạn hẹp, hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của các địa phương, các ngành nơi diễn ra vụ việc. Tình trạng “ăn đong” về kinh phí này khiến cho việc trưng cầu và thực hiện giám định thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết các vụ án.
Điển hình cho nỗi khổ về kinh phí là trong lĩnh vực giám định xây dựng vì đối tượng để xảy ra tranh chấp rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn đặc thù như quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý dự án...
Ông Phạm Tiến Văn, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, thực tế, kinh phí của cơ quan tiến hành tố tụng dành cho giám định xây dựng rất hạn hẹp, mà chi phí giám định lại rất lớn, nhiều trường hợp thu không đủ chi. Đó là chưa kể các trường hợp phải giám định đi giám định lại nhiều lần do có xung đột giám định, thì việc tốn kém còn theo cấp số nhân.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp thừa nhận: mặc dù Pháp lệnh GĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2005 nhưng đến ngày 7/5/2009 Quyết định số 74 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp mới được ban hành. Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg (hầu hết cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đều đang nợ đọng tiền bồi dưỡng giám định với số lượng lớn) nên việc giám định còn bị chậm chạp, kéo dài, chưa khuyến khích được lao động chất xám của giám định viên
“Có thực mới vực được đạo”
Theo Bộ Tư pháp, giải pháp cho vấn đề nói trên là phải tổ chức thực hiện tốt, kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách, bảo đảm lợi ích và chế độ đãi ngộ đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định. Các cơ quan tố tụng có trưng cầu giám định sớm có các giải pháp chi trả kịp thời tiền bồi dưỡng cho người giám định tư pháp theo Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg, chấm dứt tình trạng “nợ đọng” tiền bồi dưỡng giám định cũng như các chi phí giám định đối với người giám định và các tổ chức thực hiện giám định như hiện nay.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực bộ, ngành, địa phương mình quản lý, nhất là quan tâm đầu tư về tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ việc giám định, chế độ chính sách đối với người giám định, ban hành kịp thời, đầy đủ các quy trình, quy chuẩn chuyên môn và các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền
Còn về lâu dài, để khắc phục tình trạng nợ đọng giám định cũng như tháo gỡ nhiều điểm nghẽn khác trong hoạt động GĐTP, Luật GĐTP đã quy định về chế độ, đãi ngộ đối với người giám định tư pháp, chính sách ưu đãi đối với tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập; nghĩa vụ của cơ quan trưng cầu cũng như người yêu cầu giám định; tổ chức được trưng cầu… quy định rõ nguồn chi trả phí, chi phí giám định tư pháp; trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động cho tổ chức giám định.
Đối với các vụ án hình sự, phí, chi phí giám định tư pháp do cơ quan trưng cầu giám định tư pháp trả và được cấp từ ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm của cơ quan đó. Đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì phí, chi phí giám định tư pháp trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính; trong trường hợp đương sự tự mình yêu cầu giám định theo quy định thì người yêu cầu giám định phải chịu phí, chi phí giám định tư pháp.
(Dự thảo Luật Giám định tư pháp)
|
Trung Nguyên