“Họ” Sông Đà, “họ” Vinaconex hay Dầu khí từng một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán “bây giờ tan tác về đâu”?
Trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài, thị trường tăng điểm nhẹ nhưng không khỏi bùi ngùi đón nhận tin buồn về những “gia tộc” từng một thời tỏa sáng trên sàn.
Đó là việc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với 6 cổ phiếu S27, TLC, SHC, SDJ, VCH và SCC do lỗ 3 năm liên tiếp hoặc có lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
Trong đó, Cty CP Sông Đà 27 (mã S27) sẽ bị hủy niêm yết gần 1,56 triệu cổ phiếu kể từ ngày 17/5/2013 do có lỗ lũy kế tính đến 31/12/2012 là 21,65 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp là 15,73 tỷ đồng. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày 16/5.
Cty CP Sông Đà 25 (mã SDJ) sẽ bị hủy niêm yết hơn 4,3 triệu cổ phiếu của kể từ ngày 21/5/2013 do có số lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2012 đạt 57,9 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp là 43,4 tỷ đồng. Ngày giao dịch cuối cùng là ngày 20/5.
Cty CP Xi măng Sông Đà (mã SCC) bị hủy niêm yết 1,98 triệu cổ phiếu từ 23/5/2013 vì lỗ ba năm liên tiếp (năm 2010 lỗ 898 triệu đồng, năm 2011 lỗ 3,49 tỷ đồng và năm 2012 lỗ 3,3 tỷ đồng). Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là ngày 22/5/2013.
Bên cạnh 3 người mang họ Sông Đà, một thành viên họ Vinaconex là Cty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex (mã VCH) cũng bị hủy niêm yết 3,97 triệu cổ phiếu từ ngày 21/5 do có lỗ lũy kế đến 31/12/2012 đạt 71,7 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ thực góp là 40 tỷ đồng, đồng thời kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với Báo cáo Tài chính 2012.
Như vậy, đối với riêng nhà Sông Đà, năm nay quả là một năm bị “sao búa tạ” chiếu mệnh trên thị trường chứng khoán. SD8 vừa bị loại khỏi sàn trước đó. Đến như nhân vật chủ chốt trong họ là Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (mã SJS) cũng mới lĩnh thẻ đỏ, nay dù đã được trở lại sân song cũng bị giám sát đặc biệt. Kết thúc năm tài chính 2012, “người hùng” bất động sản một thời lỗ tới hơn 300 tỷ đồng, báo cáo kiểm toán độc lập của Ernst&Young nói rằng tổng số dư nợ ngắn hạn của Sudico và các công ty con đã vượt tổng số dư tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao (không bao gồm hàng tồn kho) và điều này, “có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của công ty và các công ty con”.
Cty mẹ Vinaconex vừa hoàn tất đại hội cổ đông thường niên trong một tâm trạng nặng nề của nhiều cổ đông. VCG báo lỗ “khủng” sau thuế với gần 650 tỷ đồng trong năm tài chính 2012. Mã chứng khoán từng là trụ cột của sàn Hà Nội từ năm ngoái đến nay liên tục lặn ngụp trong vùng dưới mệnh giá, thậm chí có lúc giảm xuống còn khoảng một nửa mệnh giá (5.9 nghìn/cổ phiếu thời điểm 6/11/2012). Trong khi đó, thân phận của những công ty còn lại trong họ cũng không khá khẩm gì. Như trường hợp của VCR (Cty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex), đến phiên hôm qua giá chứng khoán chỉ còn 1,8 nghìn đồng.
Không chỉ hai họ lớn trong ngành xây dựng, họ Dầu khí trên hai sàn chứng khoán cũng không cưỡng được cảnh phú quý giật lùi theo xu thế chung của thị trường. Dù hiện tại chưa dính án huỷ niêm yết nhưng đa phần các mã PV trên sàn Hà Nội cũng đang giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó, những tên tuổi như Cty CP Xây lắp Dầu khí Viêt Nam (mã PVX) nay chỉ còn 4,9 nghìn đồng/cổ phiếu, trong khi những mã khác như PXA của Cty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Nghệ An chỉ còn 1,5 nghìn đồng/cổ, quá “bèo” không bằng ly trà đá vỉa hè.
“Danh gia vọng tộc” còn thế, cho nên những doanh nghiêp nhỏ hay những người làm công ăn lương dẫu có khó khăn thì âu cũng đừng lấy làm quá bi quan, còn mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng thì quả là kỳ tích.
Đức Huy