Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan công an, luật sư... lấy lại tiền bị lừa

Tài khoản giả mạo cơ quan chức năng (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng).
Tài khoản giả mạo cơ quan chức năng (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Công an TP Đà Nẵng đã cảnh báo tình trạng mạo danh cơ quan công an, luật sư... hỗ trợ giúp người dân lấy lại số tiền bị lừa đảo, sau đó chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo cơ quan công an TP Đà Nẵng, thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện liên tục nhiều trang web, bài viết mạng xã hội giả mạo quảng cáo hỗ trợ giúp người dân lấy lại tiền bị lừa đảo, đây là thủ đoạn của các đối tượng nhắm vào những người đã từng bị lừa đảo một lần, chúng đánh vào tâm lý hoang mang và mong muốn nhanh chóng lấy lại số tiền đã mất.

Để gây dựng niềm tin, các đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản, hội nhóm mạng xã hội Facebook và sử dụng các hình ảnh có thật nhằm mạo danh cơ quan chức năng như Cục An ninh mạng, Học viện Cảnh sát nhân dân hoặc các Văn phòng luật sư uy tín và chạy quảng cáo trên không gian mạng với các nội dung như: “Thu hồi tiền treo trên không gian mạng. Chúng tôi nhận hỗ trợ lấy lại tiền cho những ai đã tham gia qua các sàn thương mại online. Làm nhiệm vụ , Shopee, Tiki, Lazada, Thời trang, tuyển mẫu nhí, thu âm, ...v.v đều có thể thu hồi thành công. Cam kết lấy lại được ít nhất 80% số vốn ban đầu….”.

Khi có "con mồi" sập bẫy, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền.

Thông qua những lời dụ dỗ về việc đặt cọc hay “tạo lỗ hở hệ thống” để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng một khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó, ví dụ bị lừa 100 triệu thì cần phải gửi 10 - 20% của số tiền, tức là 10 - 20tr.

“Thấy số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong số tiền bị mất, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền. Tuy nhiên sau khi chuyển thì nạn nhân bị khóa chặn liên lạc, số tiền bị mất lần một không những không lấy lại được mà số tiền chuyển cho các đối tượng nhờ lấy lại tiền cũng bị lừa”, công an TP Đà Nẵng cho biết.

Tài khoản giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng).

Tài khoản giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng).

Cũng theo cơ quan công an, khi người dân liên lạc để được hỗ trợ thì các đối tượng cũng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân gồm: Số tiền đã bị treo; số tài khoản ngân hàng; số căn cước công dân; Họ và tên; Số tài khoản dẫn đến tình trạng các đối tượng lừa đảo thu thập được nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân như số tài khoản ngân hàng, họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email,... từ đó tạo điều kiện cho chác đối tượng thu thập dữ liệu cá nhân và thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.

Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân: Thường xuyên đọc và nắm bắt các thông tin trên các trang mạng chính thống của các Cơ quan bảo vệ pháp luật và báo đài để kịp thời nhận biết các thủ đoạn phạm tội của các đối tượng. Đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu.

“Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh, có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân” – công an TP Đà Nẵng cho hay.

Đọc thêm